Kỹ thuật này tác động đến một vùng não đặc biệt đã mang lại kết quả ấn tượng cho những bệnh nhân tham gia thử nghiệm, trong đó có một bệnh nhân chia sẻ việc ông đã vượt qua được nỗi sợ leo cầu thang nhờ vào phương pháp mới này.
Phương pháp kích thích não bộ đặc biệt hữu ích với những bệnh nhân bị chấn thương cột sống nhưng vẫn giữ được một phần kết nối giữa não và tủy sống, tức là họ vẫn có thể vận động chân một cách hạn chế. Các nhà khoa học cho rằng kỹ thuật này có thể giúp cải thiện khả năng đi lại và tăng chất lượng sống cho bệnh nhân.
Ông Wolfgang Jaeger, một trong hai bệnh nhân tham gia thử nghiệm, đã có những thay đổi rõ rệt trong khả năng di chuyển của mình. Ông chia sẻ: "Bây giờ khi tôi nhìn thấy một cầu thang với vài bậc, tôi biết tôi có thể tự leo lên mà không cần sự trợ giúp của người khác". Điều này đã phần nào phản ánh sự khác biệt mà phương pháp điều trị mới mang lại.
Để tìm hiểu cơ chế hoạt động của kỹ thuật này, nhóm nghiên cứu tại Thụy Sĩ đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để quét não của chuột bị chấn thương cột sống. Qua đó, họ xây dựng một bản đồ não toàn diện và phát hiện ra rằng vùng hạ đồi bên ngoài (lateral hypothalamus), vốn có vai trò điều tiết hưng phấn, cảm giác đói và động lực, là khu vực quan trọng liên quan đến quá trình phục hồi khả năng đi lại sau chấn thương.
Theo nhà nghiên cứu Gregoire Courtine tại trường Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne, các tế bào thần kinh trong vùng này có tác động trực tiếp đến khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân. Sau khi xác định được khu vực này, nhóm nghiên cứu tiếp tục áp dụng phương pháp kích thích não sâu (deep brain stimulation) - kỹ thuật đã được sử dụng để điều trị các rối loạn vận động như bệnh Parkinson.
Phương pháp này bao gồm việc cấy các điện cực vào vùng não cần kích thích, nối với thiết bị được cấy vào ngực bệnh nhân. Khi thiết bị hoạt động, các xung điện được truyền lên não, giúp kích thích các tế bào thần kinh.
Nhóm nghiên cứu ban đầu thử nghiệm phương pháp này trên chuột bạch và chuột lang. Họ nhận thấy khả năng đi lại của chúng đã cải thiện đáng kể ngay lập tức. Sau đó, họ tiến hành thử nghiệm trên người. Một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia là một phụ nữ bị chấn thương cột sống không hoàn toàn. Khi thiết bị được kích hoạt lần đầu, cô cho biết đã "có thể cảm nhận chân mình". Khi dòng điện được tăng lên, bệnh nhân đã chia sẻ: "Tôi cảm thấy có sự thôi thúc đi lại".
Ông Wolfgang Jaeger, người tham gia thử nghiệm tiếp theo, cũng trải qua một bước ngoặt lớn. Sau khi sử dụng thiết bị này, ông có thể leo cầu thang mà không gặp bất kỳ khó khăn nào, ngay cả trong chuyến du lịch. Ông cho biết: "Đi lên và xuống cầu thang không còn là vấn đề nữa. Cảm giác thật tuyệt vời khi không phải phụ thuộc vào người khác".
Ngoài việc giúp bệnh nhân cải thiện khả năng đi lại, phương pháp kích thích não còn mang lại những thay đổi lâu dài. Ông Jaeger chia sẻ rằng ngay cả khi đã tắt thiết bị, ông vẫn cảm thấy mình có thể di chuyển nhanh hơn và đi được quãng đường dài hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả giống nhau cho tất cả bệnh nhân. Hiệu quả của kỹ thuật này còn phụ thuộc vào mức độ tín hiệu từ não được truyền đến tủy sống.
Mặc dù phương pháp kích thích não sâu đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị các vấn đề vận động, một số bệnh nhân vẫn cảm thấy không thoải mái khi phải thực hiện phẫu thuật não. Các nhà khoa học tin rằng trong tương lai, sự kết hợp giữa kích thích tủy sống và vùng hạ đồi bên ngoài có thể sẽ là phương án tối ưu để phục hồi cho bệnh nhân chấn thương cột sống.