Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết một hội đồng gồm các chuyên gia của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) dự kiến sẽ đưa mục tiêu chế tạo tên lửa có trang bị động cơ đẩy được tái chế vào trong báo cáo tạm thời được soạn thảo trong ngày 12/5.
Hiện nay, chi phí phóng tên lửa H2A của Nhật Bản rất đắt tiền vì động cơ đẩy của tên lửa sẽ bị vứt bỏ sau khi tên lửa được phóng. Ngay cả H3 - tên lửa thế hệ tiếp theo của nước này và dự kiến sẽ được phóng vào cuối tháng 3/2022 - cũng là loại sử dụng một lần.
Trong khi đó, tên lửa Falcon 9 do Tập đoàn công nghệ thăm dò vũ trụ của Mỹ phát triển, có thể tái sử dụng các bộ phận từng được sử dụng trong các sứ mệnh trước đó nhằm đưa các phi hành gia, trong đó có phi hành gia Nhật Bản Akihiko Hoshide, lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng trước. Do động cơ đẩy của tên lửa Falcon 9 có thể tái sử dụng khoảng 10 lần nên chi phí phóng loại tên lửa này chỉ vào khoảng 6 tỷ yen (55 triệu USD), bằng một nửa so với chi phí phóng tên lửa H2A của Nhật Bản.
Vì vậy, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang tiến hành nghiên cứu làm thế nào để phóng một tên lửa thử nghiệm cỡ nhỏ lên độ cao khoảng 100m rồi hạ cánh theo phương thẳng đứng trong nỗ lực tái sử dụng tên lửa. Bên cạnh đó, JAXA cũng có kế hoạch thử nghiệm tên lửa có thể tái sử dụng trên quy mô lớn, có thể với Pháp và Đức vào năm 2022.