Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 3/12 xác nhận sao chổi ISON, được mệnh danh là "sao chổi thế kỷ", đã bị đốt cháy bởi sức nóng khủng khiếp khi bay vào quỹ đạo Mặt Trời hồi tuần trước.
Hình ảnh sao chổi ISON bay gần Mặt Trời. Ảnh: NASA |
Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Alex Young của NASA cho biết mặc dù vẫn chưa xác định chính xác thời điểm mà sao chổi ISON bị thiêu rụi, song các nhà khoa học hiện tại chỉ còn quan sát thấy một đám mây không có nhân gồm các mảnh vỡ bay lơ lửng trong không gian và đây được cho là những tàn dư còn sót lại của sao chổi này.
Chuyên gia NASA nhận định ISON đã tan biến khi nó bay qua ở Mặt Trời ở khoảng cách quá gần - khoảng 1,2 triệu km - và bị sức nóng tỏa ra từ Mặt Trời với nhiệt độ lên tới trên 2.700 độ C thiêu đốt. Ước tính có khoảng 3 triệu tấn vật chất trên sao chổi bị thiêu đốt mỗi giây khi ISON tiếp cận điểm gần nhất với vầng thái dương.
Được hai nhà thiên văn học người Nga phát hiện vào tháng 9/2012, sao chổi ISON với đường kính 1,2 km ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới khoa học vì nó có nguồn gốc từ những vật chất hình thành nên hệ Mặt Trời từ cách đây 4,5 tỷ năm. Rời đám mây tinh vân Oort nằm ngay rìa hệ Mặt Trời, một khu vực chứa hàng tỷ khối đá và băng còn sót lại sau quá trình hình thành các hành tinh, ISON đã tiến thẳng vào quỹ đạo Mặt Trời do lực hút mạnh của vầng thái dương.
"Cái chết” của ISON là điều đáng tiếc với giới khoa học vì các nhà thiên văn học từng kỳ vọng ngôi sao đến từ khu vực ngoài Thái Dương hệ này sẽ tạo nên cảnh tượng ngoạn mục trên bầu trời, phản chiếu ánh sáng sánh "ngang trăng rằm" từ vầng thái dương.
Tuy nhiên, NASA cho biết các nhà nghiên cứu vẫn có thể thu thập được các dữ liệu quý giá từ chuyến hành trình qua các dải thiên hà của ISON cũng như những vật chất còn sót lại của nó nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc và thành phần cấu tạo nên sao chổi và những hành tinh nhiều tỷ năm trước đây.
TTXVN/Tin tức