Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sao chổi ISON, được mệnh danh là "sao chổi của thế kỷ", có thể đã buộc phải dừng hành trình của mình khi bay quá gần Mặt Trời và bị tan chảy bởi sức nóng khủng khiếp của Mặt Trời vào rạng sáng ngày 29/11 (theo giờ Việt Nam).Sao chổi ISON nhìn qua kính thiên văn. |
Các chuyên gia NASA cho biết họ đã quan sát thấy hình ảnh sao chổi ISON dần biến mất trong quá trình nó tiếp cận điểm gần nhất với vầng thái dương với khoảng cách khoảng 1,17 triệu km. Các nhà khoa học cho rằng áp suất bức xạ cực mạnh từ Mặt Trời với nhiệt độ lên tới 2.700 độ C đã khiến toàn bộ vật chất trên sao chổi tan chảy và "bốc hơi" hoàn toàn vào không gian.
Xem video mô tả cảnh sao chổi ISON bay gần Mặt Trời:
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Được hai nhà thiên văn học người Nga phát hiện vào tháng 9/2012, sao chổi ISON với đường kính 1,2 km ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới khoa học vì nó có nguồn gốc từ những vật chất hình thành nên hệ Mặt Trời từ cách đây 4,5 tỷ năm.
Rời đám mây tinh vân Oort nằm ngay rìa hệ Mặt Trời, một khu vực chứa hàng tỷ khối đá và băng còn sót lại sau quá trình hình thành các hành tinh, ISON đã tiến thẳng vào quỹ đạo Mặt Trời do lực hút mạnh của vầng thái dương.
"Cái chết” của ISON là điều đáng tiếc với giới khoa học bởi người ta từng hy vọng “sao chổi thế kỷ” sẽ tạo nên cảnh tượng ngoạn mục trên bầu trời, phản chiếu ánh sáng sánh "ngang trăng rằm" từ vầng thái dương. Các nhà khoa học cũng cho rằng nghiên cứu về ISON cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khu vực rìa Mặt Trời.
TTXVN/Tin tức