Trước thực trạng số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh, các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent đã tung ra các dịch vụ khám bệnh từ xa thông qua các nền tảng riêng của mình. Ví dụ, hồi cuối tháng 1 vừa qua, ứng dụng Ali Health của Alibaba đã mở một cổng tư vấn chữa bệnh miễn phí trên nền tảng mua sắm Taobao dành cho những người sử dụng ứng dụng này tại thành phố Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh. Hàng trăm bác sĩ chuyên khoa về đường hô hấp đã tham gia trả lời trực tuyến qua ứng dụng này.
Trong khi đó, ứng dụng tin nhắn phổ biến của Trung Quốc - WeChat cũng mở một cổng thông tin cho những người cung cấp manh mối và kiến nghị liên quan tới dịch bệnh. Trang này sẽ hướng dẫn mọi người tới một ứng dựng chính thức được Quốc vụ viện Trung Quốc được mở ra vào ngày 24/1 nhằm tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân về những vấn đề liên quan tới kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở các địa phương.
Trong bối cảnh người dân Trung Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các tập đoàn viễn thông và công nghệ của Trung Quốc như China Mobile và Tencent đã tung ra các dịch vụ miễn phí như tin nhắn video, họp trực tuyến qua video, tư vấn từ xa nhằm tạo thuận lợi cho người dân làm việc ở nhà, không cần phải đến công ty, từ đó làm giảm nhu cầu đi lại.
Bên cạnh đó, các cơ quan chính phủ cũng đang thúc đẩy các hoạt động trực tuyến trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ví dụ, tòa án nhân dân tối cao ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã yêu cầu các tòa án ở mọi cấp trong tỉnh ưu tiên hướng dẫn các bên nộp đơn khiếu kiện, liên lạc với thẩm phản, nộp hồ sơ và tổ chức xét xử hay hòa giải thông qua mạng trực tuyến trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Tương tự, Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc và các ban ngành liên quan đã ban hành thông tư hướng dẫn các nhà đầu tư tiến hành giao dịch trên mạng.
Trong khi đó, tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nhân viên cộng đồng đang sử dụng một ứng dụng trên điện thoại di động tạo thuận lợi cho công việc của họ. Hu Xiuhua, người đứng đầu một cộng đồng ở quận Giang Can cho biết ứng dụng này đã hỗ trợ đắc lực cho công việc của mình. Anh nói: "Trong trường hợp chúng tôi cần thông báo cho cộng đồng khác về một cư dân địa phương sẽ bị cách ly tại nhà. Chúng tôi thay vì phải gọi điện thoại như trước đây, nay có thể tải thông tin thông qua điện thoại di động và chia sẻ trực tiếp thông tin này với cộng đồng. Chúng tôi cũng có thể liên lạc với giới chức liên quan ở thành phố Hàng Châu và thậm chí là ở các nơi khác trong tỉnh một cách kịp thời".
Ứng dụng DingTalk của Tập đoàn Alibaba cũng công bố một module về đánh giá tình hình sức khỏe hằng ngày của các nhân viên thông qua việc thu thập nhanh số liệu thông kê mới nhất. Theo tập đoàn, tính đến ngày 27/1, gần 500.000 các xí nghiệp và tổ chức tại Trung Quốc đã giám sát tình hình sức khỏe của nhân viên thông qua module này.