Google kháng cáo án phạt chống độc quyền kỷ lục của EU

Công ty công nghệ Google thông báo đã kháng cáo một án phạt chống độc quyền kỷ lục của Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cáo buộc “đại gia” công nghệ này có hành vi hạn chế cạnh tranh thông qua sự thống trị của hệ điều hành Android.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Google tại California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, Google muốn chống lại quyết định đưa ra hồi năm 2018 từ Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan thực thi chống độc quyền hàng đầu của khối này, về áp khoản tiền phạt 4,34 tỷ euro (5 tỷ USD) lên công ty này. Tới hiện tại, đây vẫn là khoản tiền phạt lớn nhất mà Brussels từng áp dụng cho hành vi phản cạnh tranh.

Trong quyết định ban đầu, EC cho biết các hoạt động của Google đang hạn chế tính cạnh tranh và giảm sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất, vượt qua cả iOS của Apple và có mặt trên 80% số thiết bị di động ở châu Âu. Theo phán quyết của EC, Google đã phá vỡ các quy tắc của EU khi yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) cung cấp một gói ứng dụng của Google nếu họ muốn sử dụng bất kỳ ứng dụng nào từ “đại gia” công nghệ này.

Gói này chứa 11 ứng dụng, bao gồm YouTube, Maps và Gmail. Nhưng các cơ quan quản lý tập trung vào ba ứng dụng có thị phần lớn nhất: Google Search (công cụ tìm kiếm), Chrome (công cụ lướt web) và cửa hàng ứng dụng Play Store.

Google đưa ra lập luận rằng vì Android là mã nguồn mở và miễn phí, các nhà sản xuất smartphone hoặc người tiêu dùng có thể tự quyết định sẽ cài đặt ứng dụng nào trên thiết bị của họ.

Ngoài ra, Google là công ty duy nhất chịu chi phí phát triển và duy trì Android, do đó họ phải tìm cách bù đắp khoản chi phí đó. Giải pháp của Google là đưa vào các ứng dụng sẽ tạo ra doanh thu gồm Google Search và Chrome.

Phía Google cũng lập luận rằng chỉ vì các ứng dụng của họ được cài đặt sẵn trên điện thoại Android, điều đó không có nghĩa là người dùng không thể tải xuống các dịch vụ của đối thủ.

EC cũng đã nêu ra vấn đề với các khoản thanh toán của Google cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà sản xuất điện thoại để cài đặt trước ứng dụng Google Search. Nhưng Google cho biết những thương vụ đó chỉ chiếm chưa đến 5% thị phần trên thị trường, vì vậy chúng không thể làm tổn thương các đối thủ của họ.

Án phạt nêu trên là một phần trong ba án phạt chống độc quyền với tổng trị giá hơn 8 tỷ USD mà EC đã áp lên Google từ năm 2017 đến năm 2019. Các hình phạt khác tập trung vào hoạt động mua sắm và tìm kiếm, và Google đang kháng cáo cả ba.

Song dù các án phạt đều ở mức rất cao, giới quan sát chỉ ra rằng Google có thể dễ dàng thanh toán chúng và những khoản tiền phạt không có tác dụng nhiều trong việc giúp mở rộng cạnh tranh trên thị trường.

H.Thủy/TTXVN (Theo AP)
Australia: Google thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến gây tổn hại cho doanh nghiệp trong nước
Australia: Google thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến gây tổn hại cho doanh nghiệp trong nước

Ngày 28/9, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết vị thế thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Australia của Google đã đến mức gây tổn hại cho các đơn vị xuất bản, quảng cáo và người tiêu dùng nước này, do đó cần thiết lập các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN