Báo Sputnik dẫn nghiên cứu của tờ The National Interest (Mỹ) cho rằng “tất cả những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa và động cơ tên lửa đều có ảnh hưởng của các kỹ sư Ukraine”.
Một phân tích của tác giả Charlie Gao đã chỉ ra mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ukraine trong các lĩnh vực thiết kế và chế tạo các tên lửa đạn đạo cũng như những bộ phận của tên lửa.
Khai thác sức người
Theo Charlie Gao, Trung Quốc đã thuê các kỹ sư Ukraine và Liên Xô để lợi dụng những khả năng của họ. Từ khi Ukraine tuyên bố từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân năm 1994, nhiều kỹ sư am hiểu về lĩnh vực vũ khí đã là đối tượng săn đón của Trung Quốc.
Trung Quốc đã thuê các chuyên gia công nghiệp quân sự, đặc biệt là những chuyên gia về chế tạo xe tăng và tàu chiến. Điều này đã giúp Trung Quốc chế tạo thành công hệ thống radar mảng pha.
Có những tin đồn về những thành phố Trung Quốc nơi các kỹ sư Ukraine sinh sống làm việc cho các công ty Trung Quốc. Một trong những điển hình về sự hợp tác đó là Bắc Kinh đã thuê Valeri Babich, cha đẻ của tàu sân bay Variag mà Trung Quốc đã mua của Ukraine và sau này gọi là Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Khôi phục các dự án
Trung Quốc không chỉ thuê các chuyên gia chế tạo tên lửa đạn đạo và các bộ phận tên lửa mà còn tìm mua tài liệu kỹ thuật giúp các kỹ sư Trung Quốc tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, phát minh.
Một ví dụ của mánh khóe này được phơi bày trong vụ bắt giữ một nhân viên của phòng thiết kế Yuzhnoye của Ukraine đang bán tài liệu kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20, một tên lửa được Liên Xô thiết kế và chế tạo thời Chiến tranh Lạnh.
Gần đây nhất là hồi năm 2016, một nhà khoa học của Đại học quốc gia Dnepropetrovsk (Ucraine) đã trốn sang Trung Quốc, mang theo những tài liệu mật về các tên lửa vũ trụ.
Mua trực tiếp
Ngoài nhiều dự án vũ khí và công nghệ của Trung Quốc đã có sự hỗ trợ gián tiếp của các kỹ sư Ukraine, đôi khi Trung Quốc còn tiến hành mua trực tiếp những thứ mà họ muốn. Năm 2005, một số doanh nhân Ucraine đã bán cho Trung Quốc những tên lửa hành trình Kh-55 trong kho vũ khí của Ukraine. Những tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân nhưng đem lại cho Trung Quốc những thông tin vô cùng quý giá để nghiên cứu và sao chép công nghệ tên lửa của Liên Xô mà Ukraine lưu giữ.
Một trường hợp xảy ra gần đây là vào năm 2017, phòng thiết kế Yuzhnoye bị tố cáo là đã bán các động cơ tên lửa cho Triều Tiên.
Những sự trùng hợp đáng nghi
Theo tác giả Charlie Gao, dù không có những bằng chứng cụ thể về ảnh hưởng của Ukraine trong các dự án quốc phòng khác của Trung Quốc nhưng có thể thấy những sự trùng hợp đáng ngờ.
Mối quan tâm của Trung Quốc trong việc mua những tên lửa SR-20 là để nắm được công nghệ tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRV). Người ta chưa biết rõ liệu những tài liệu kỹ thuật về loại tên lửa này đã đến tay người Trung Quốc hay chưa, nhưng những thông số kỹ thuật của tên lửa liên lục địa DF-5 của Trung Quốc rất giống những thông số của tên lửa RS-20 của Liên Xô.
Người ta cũng thấy sự giống nhau giữa nhiều loại tên lửa khác của Trung Quốc và những tên lửa Liên Xô. Vì thế Charlie Gao khẳng định rằng Ukraine đã có ảnh hưởng bằng cách này hay cách khác trong sự phát triển các tên lửa liên lục địa của Trung Quốc.