Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu ngân hàng: Từng bước xử lý sở hữu chéo

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, để lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thì việc xử lý nợ xấu đang được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, sáp nhập của các TCTD được tiên đoán là sẽ sôi động vì đây là một trong những cách thức để thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiệu quả.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Co-op Bank, phố Nguyễn Thị Định (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt – TTXVN

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký Quyết định số 1085/QĐ - NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC”. Thông tin này một lần nữa thể hiện sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc xử lý “tận gốc” nợ xấu.

 

Tuy nhiên gần đây, vẫn có một số ý kiến hoài nghi về số liệu nợ xấu do các TCTD công bố. Mặc dù VAMC đi vào hoạt động hơn 1 tháng và chưa mua được khoản nợ nào được chuyển nhượng từ TCTD nhưng báo cáo tài chính gần đây của nhiều TCTD cho thấy, số nợ xấu đã giảm mạnh, xuống dưới 3% tổng dư nợ.


Năm 2012, trong nhóm 10 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn nhất có khá nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3% như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với nợ xấu chiếm 5,8% trên tổng dư nợ (27.803 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nợ xấu tới 8,53%, tương đương 4.844 tỷ đồng do gánh thêm nợ xấu sau khi hợp nhất với Ngân Hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank)... Đến hết quý I/2013, nợ xấu của nhiều đơn vị tiếp tục gia tăng so với cuối năm 2012.


Tuy nhiên trong những tháng gần đây, số nợ xấu của nhiều NHTM được cải thiện khá nhanh. Ví dụ: Trong 15 NHTM công bố tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3 ngân hàng có tỷ lệ vượt mức 3% - ngưỡng phải bán cho VAMC - gồm NHTM cổ phần Nam Việt - NaviBank (6,1%), SHB (9,04%) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam - TechcomBank (5,28%). Số còn lại đều có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Đơn cử: Tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank), 6 tháng đầu năm, cũng nhờ lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng vọt (từ hơn 180 tỷ lên trên 637 tỷ đồng) giúp ngân hàng đạt trên 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp khoảng 5 lần cùng kỳ 2012 (dù các loại chi phí đều tăng). Nợ xấu chiếm 2,77% tổng dư nợ.


Trước đó trả lời báo giới, Tổng Giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy khẳng định: VAMC sẽ ưu tiên các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và những món nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản. Để mua các khoản nợ xấu, trong thời gian tới, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng với tổng giá trị nợ xấu mua khoảng 10.000 tỷ đồng.


PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: Để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng trước hết và cần thiết phải giải quyết triệt để nợ xấu. Xử lý nợ xấu phải trở thành một chương trình hành động Quốc gia, phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của NHNN, sự tham gia của chính các NHTM. “Vừa qua NHTM cơ cấu lại khoản nợ xấu cũng là một biện pháp để giảm nợ xấu trước mắt. Nhưng nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, DN được cơ cấu lại nợ, được tiếp tục vay mới... sau đó lại không trả được nợ ngân hàng, thì nợ xấu ở những giai đoạn tiếp theo sẽ tăng cao”, bà Mùi nói.


Đại diện Vietinbank cho rằng: Việc ra đời VAMC cũng là một trong những giải pháp cần thiết. Nhưng để VAMC hoạt động hiệu quả, cần giải quyết vấn đề về quan hệ sở hữu vốn đan xen lẫn nhau, giữa TCTD với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế (sở hữu chéo). Chính vì điều này, không dễ đưa ra được con số chính xác về nợ xấu của hệ thống. Do đó, phải chỉ ra tận gốc của sở hữu chéo, khoản sở hữu nào là hợp lý sở hữu nào là không hợp lý. Nếu tồn tại sự bất hợp lý dễ gây bất ổn hệ thống thì cần có biện pháp phù hợp để tháo gỡ và khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.


Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9. Theo đó, trong trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt không thực hiện yêu cầu về việc tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc sáp nhập, Thống đốc NHNN có quyền chỉ định TCTD khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Quyết định này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong bối cảnh giải quyết nợ xấu còn gặp nhiều trở ngại, nổi bật là những vướng mắc về thủ tục pháp lý. Bởi mặc dù VAMC đã hoạt động được hơn 1 tháng nay nhưng hiện vẫn chưa có khoản nợ nào được chuyển nhượng từ TCTD. Tuy nhiên, sự ra đời của Quyết định 48 sẽ có tác dụng hỗ trợ cho VAMC đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu hơn; đồng thời sẽ từng bước xử lý được vấn đề sở hữu chéo hiện nay, hạn chế tình trạng chuyển nợ từ TCTD sang các công ty con và công ty liên kết, qua đó điều chỉnh số liệu trên sổ sách kế toán.


Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quyết định này của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết để giúp cơ cấu lại những khoản nợ xấu, nhất là những khoản nợ có thể gây ra những áp lực lên nền kinh tế, hay gây ra áp lực về những đổ vỡ mang tính chất lan tỏa. “Quyết định này mang tính chất bổ sung cho những cơ chế khác mà chúng ta đang có để VAMC góp phần giải quyết nhanh hơn tốt hơn và toàn diện hơn những điểm nhạy cảm và những khoản nợ cần phải xử lý từ đó giúp cho tính ổn định và quá trính tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giúp cho việc thúc đẩy toàn bộ để nền kinh tế phát triển hơn”, ông Phong nói.

 

Minh Phương

Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém
Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém

Trong tình hình kinh tế hiện nay, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, tính an toàn cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN