Vụ mất tích bí ẩn của ngôi sao phim câm năm 1919

Ngôi sao phim câm Anh Marie Empress, được ca ngợi là “người phụ nữ chụp ảnh đẹp nhất”, đã biến mất khỏi tàu thủy R.M.S Orduna mà cả nghìn hành khách và thủy thủ trên tàu không ai biết. Vụ mất tích bí ẩn năm 1919 này đến nay vẫn chưa có lời giải.

Chú thích ảnh
Bài báo ngày 16/11/1919 trên tờ Richmond Times viết về vụ biến mất bí ẩn của Mari Empress. Ảnh:
Chronicling America/Library of Congress

Theo trang History.com, sau khi Marie Empress biến mất, nhiều giả thiết đã được đặt ra: Ca sĩ, nghệ sĩ múa kiêm diễn viên phim câm nổi tiếng này đã nhảy khỏi tàu, ngã hay bị đẩy xuống biển? Cô có cải trang để ra khỏi tàu mà không ai để ý?

Một thế kỷ đã trôi qua nhưng vụ mất tích của Marie Empress vẫn là một trong những bí ẩn của biển khơi.

Đầu giờ chiều 27/10/1919, chiếc Orduna đậu ở bến tàu Cunard Line, thành phố New York. Con tàu này vừa mới bắt đầu hành trình xuyên Đại Tây Dương 11 ngày trước đó từ Liverpool (Anh), dừng chân ở Halifax, Nova Scotia rồi tới New York. Trên tàu, có cả khách quan trọng, khách bình thường và người nhập cư. Trong số những tên tuổi nổi tiếng nhất là nữ diễn viên 35 tuổi Marie Empress.

Từ khi khởi nghiệp ở Anh cách đó 10 năm, Empress đã nổi tiếng cả ở hai bờ Đại Tây Dương khi là ca sĩ, nghệ sĩ múa và diễn viên truyền hình. Cô được đánh giá là một trong những phụ nữ quyến rũ đàn ông giỏi nhất trên màn ảnh và là một trong những người đóng giả nam tốt nhất. 

Marie Empress đã biến mất khỏi tàu Orduna ngày đó. Thủy thủ đoàn đã tìm kiếm cô khắp tàu ba lần. Vụ mất tích của Empress khiến báo chí thế giới xôn xao. Phóng viên phỏng vấn hành khách đi cùng tàu và thủy thủ đoàn. Trong số những người đó, có một nữ phụ vụ là nhiệt tình nhất. Nhiều báo đã dẫn lời kể của nữ phục vụ. Cô gái cho biết đã mang bữa tối tới phòng của Empress vào chiều cuối cùng khi con tàu trên biển và trở lại dọn đĩa lúc 18 giờ 30 phút. Empress đã bảo cô mang bánh sandwich đến lúc 21 giờ 30 phút.

Khi cô phục vụ quay lại vào giờ hẹn, Empress không có trong phòng và cô đã để bánh sandwich tại đó. Sáng hôm sau, cô phục vụ thấy bánh còn nguyên và để ý thấy giường không có dấu hiệu có người ngủ đêm qua.

Cô phục vụ cho phóng viên xem khoang hạng nhất số 480 của Empress. Trên giá phía trên giường ngủ, có nhiều bức ảnh chân dung Empress được để riêng để trao cho báo chí khi tới New York. Còn có một bản sao bức điện mà Empress đã gửi về khách sạn ở New York: “Đến vào thứ hai. Hãy giữ phòng cho tôi”. Phòng 480 có cửa ra vào mở ra hành lang bên trong. Ô cửa sổ duy nhất chỉ rộng 33cm. Một người như Marie Empress không thể chui qua. Cửa sổ này cũng khóa từ bên trong. Nếu không chui qua cửa sổ thì Empress ra khỏi tàu bằng cách nào?

Khi tìm hiểu về đường mà Empress có thể đi, phóng viên phát hiện ra rằng để lên boong tàu, Empress sẽ phải đi qua nhiều lối đi và phòng mà người ra vào liên tục vào giờ đó. Một người nổi bật như cô không thể nào đi qua mà không ai chú ý. Không chỉ sẽ gặp nhiều hành khách, Empress sẽ phải đi qua nhiều người phục vụ và sĩ quan trên tàu. Khả năng Empress lên boong tàu, tới lan can vào nhảy xuống mà không bị ai phát hiện ra là điều gần như không thể xảy ra. Mọi khu vực trên boong và chỗ đi dạo đều sáng trưng đến đêm. 

Cô phục vụ nói trên cung cấp một số chi tiết gây tò mò là Empress mặc toàn màu đen trên cả hành trình, kể cả mũ và mạng che mặt, trông như góa phụ. Các nhân chứng khác cho biết tâm trạng của Empress không có gì bất thường và cô vui vẻ, sống động, mong chờ gặp bạn bè ở Mỹ.

Ngay sau đó, báo chí lại đột ngột đưa tin theo hướng khác hẳn. Một tờ báo nói rằng Empress sẽ sớm xuất hiện trong nhà hát ở New York trong tiếng vỗ tay của khán giả. Có báo nói Empress đã lên boong tàu trong trang phục thủy thủ và lẫn vào thủy thủ đoàn trước khi tàu tới New York. Thậm chí, có báo nói rằng Empress đã cải trang thành nam giới để trà trộn vào nhóm người xúc than trên tàu vì cô rất giỏi cải trang.

Chú thích ảnh
Tàu Orduna năm 1914. Ảnh: Getty Images

Một hạ sĩ quan giấu tên trên tàu Orduna có giả thiết riêng: Empress có thể đã mặc quần áo nam giới vì trong hành lý của cô có quần áo đàn ông. Có thể cô chán làm phụ nữ và thử làm đàn ông trong một thời gian.

Ngoài ra, còn có giải thiết đây là một trò đùa của các nhân viên phụ trách báo chí ở sân khấu Broadway. Tờ New York Tribune viết: “Bí ẩn về việc Marie Empress mất tích đã có lời giải. Marie còn sống nhưng không ai được biết thông tin này. Thực tế là nhân viên báo chí chưa tiết lộ tung tích”. 

Tờ New York Tribune cho rằng chính Walter J. Kingsley, giám đốc phụ trách nhân viên báo chí ở Broadway là người đứng đằng sau trò đùa này. Ông này là tác giả của nhiều trò đùa tương tự. Kingsley không thừa nhận cũng không bác bỏ mà chỉ nói lửng lơ: “Biết đâu một tàu cá đã đón cô ấy ngoài bờ biển hoặc có điều gì thú vị tương tự đã xảy ra?”. Tuy nhiên, không ai chắc chắn về điều đã xảy ra với Marie Empress. 

Trong suốt sự nghiệp, Empress rất giỏi che giấu danh tính thực. Cô có nhiều cái tên và nhiều câu chuyện về danh tính nhưng không cái nào đúng sự thật. Đằng sau mỗi mặt nạ lại là một mặt nạ khác.

Cô từng nói mình sinh ra ở Pháp, Anh và Mỹ vào các năm khác nhau. Cô thường nghĩ ra các thành viên gia đình tưởng tượng nhưng không ai có thật. Cô giao du với người lạ và có khi biến mất hàng tháng trời trước công chúng. Cô chưa bao giờ cung cấp tên người thân để liên lạc khi đi tàu mặc dù đã đi xuyên Đại Tây Dương cả chục lần mà nói là đi thăm người thân.

Mặc dù có lần nói cha là cựu Thị trưởng London và mẹ là nữ diễn viên nổi tiếng người Pháp, nhưng thực ra, Empress sinh ra với cái tên Mary Ann Louisa Taylor ở Birmingham, Anh năm 1884. Cha cô là người đấu thầu tranh và mẹ làm nội trợ. Năm 1902, khi 18 tuổi, Empress kết hôn với một bác sĩ nha khoa và từ đó dùng tên Mary Ann Louis Horton. Bốn năm sau, cặp đôi ly hôn khi Empress trở nên đam mê sân khấu.

Ngày 8/11/1921, khoảng hai năm sau khi Empress biến mất. Công báo London đăng thông báo pháp lý của người thi hành di chúc cho Empress, nói rằng Horton, tức Marie Empress, đã chết vào ngày hoặc từ ngày 25/10/1919. Theo luật pháp, người ta công nhận Empress chính thức đã chết.

Chính phủ Anh cũng kết thúc điều tra về vụ mất tích của Empress. Theo sổ đăng ký về công dân chết ở nước ngoài, nguyên nhân chết là “nhảy ra khỏi tàu, coi như là chết đuối” và vị trí chết là khu vực trên Đại Tây Dương cách Cape Cod, bang Masachusetts 112km. Kết luận này chủ yếu dựa trên suy đoán.

Do thiếu bằng chứng nên báo chí sau đó lại đưa ra nhiều đồn đoán và giả thiết. Đầu năm 1920, không báo nào nhắc tới Empress nữa. Thế giới lại tiếp tục như chưa có chuyện gì. 

Một thế kỷ trôi qua. Marie Empress đã bị lãng quên. Cũng như nhiều bộ phim câm thời kỳ đó, các bộ phim của cô đều bị thất lạc. Mặc dù cô hát rất nhiều bài nhưng dường như không có bài nào được ghi âm. Ngoài một số bức ảnh cũ và mẩu báo ngả vàng, Marie Empress không để lại dấu ấn nào để người sau nhớ về cô. Tất cả những gì người ta biết chỉ là vụ mất tích bí ẩn tới tận ngày nay. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trận chiến đẫm máu khiến Thụy Sĩ trung lập suốt 500 năm qua
Trận chiến đẫm máu khiến Thụy Sĩ trung lập suốt 500 năm qua

Thụy Sĩ đã thực thi chính sách trung lập suốt 5 thế kỷ qua, dù trước đó họ nổi tiếng với những đội quân đánh thuê thiện chiến nhất châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN