Vụ đánh bom thành phố Oklahoma - Kỳ cuối: Đền tội

Ngày 24/4/1997, một trong những phiên tòa rầm rộ nhất nước Mỹ đã được mở, thu hút đông đảo phóng viên. Dẫn đầu đoàn luật sư bào chữa là Stephen Jones, người đã biện hộ cho nhiều kẻ phạm tội trong sự nghiệp của mình, nhưng McVeigh có lẽ là khách hàng bị ghê tởm nhất mà ông từng bào chữa.


Đoàn luật sư bên công tố, đứng đầu là Joseph Hartzler, cũng có rất nhiều thế mạnh và lợi thế. Joseph Hartzler có nhiều kinh nghiệm trong những vụ án sử dụng bằng chứng gián tiếp. Kinh nghiệm này rất có ý nghĩa trong vụ xét xử McVeigh vì thực tế không ai nhìn thấy McVeigh có mặt tại hiện trường vụ đánh bom.

 

Bàn tiêm thuốc độc dành cho McVeigh.


Thẩm phán Robert Matsch, người đứng đầu tòa án quận Colorado và nổi tiếng nhờ trí tuệ, sự công tâm đã quyết định xét xử McVeigh và Nichols riêng rẽ. Phiên tòa cũng được chuyển từ Oklahoma tới Colorado để khỏi bị áp lực từ người dân.


Bên công tố có tới 141 nhân chứng, trong khi đó bên bào chữa chỉ có 27. Các phiên tranh tụng diễn ra căng thẳng với nhiều tình tiết được cả hai bên đưa ra. Tuy nhiên, tất cả đều cho thấy một điều rằng: Timothy McVeigh là một tên tội phạm đáng khinh bỉ. Bồi thẩm đoàn mất ba ngày để đưa ra quyết định: Timothy James McVeigh chính là kẻ đã đánh bom tòa nhà Murrah.


Với lời tuyên án đó, hắn ta sẽ phải trả cái giá đắt nhất là tử hình. Khoảng hai tháng sau, thẩm phán Matsch chính thức tuyên án: Timothy James McVeigh bị kết án tử hình với 11 tội danh đã nêu trong bản cáo trạng. Terry Nichols, đồng phạm của McVeigh đã bị tòa liên bang kết án tù chung thân vì có tham gia vụ đánh bom tòa nhà Murrah. Một đồng phạm khác trong vụ đánh bom là Michael Fortier nhận bản án tù 12 năm vì đã không báo cho cảnh sát biết kế hoạch đánh bom thành phố Oklahoma của McVeigh.


Chờ ngày chết trong nhà tù Terre Haute, McVeigh cũng như nhiều tử tù khác chỉ quanh quẩn tập thể dục, ăn uống thất thường, ngủ, xem tivi và suy ngẫm về quá khứ.

 

Đài tưởng niệm nạn nhân vụ đánh bom thành phố Oklahoma.


Ngày 12/6/2001, McVeigh bị đưa đi hành hình. Hắn đề nghị phát sóng truyền hình rộng rãi vụ hành quyết của mình, để cho những người khinh miệt hắn có thể hài lòng với cái chết của hắn. Tuy nhiên, FBI cho rằng truyền hình công khai buổi hành hình là vi hiến. Chỉ có những người sống sót sau vụ đánh bom và thân nhân những người đã chết mới được xem buổi hành quyết qua truyền hình khép kín.


Trước khi vào phòng hành quyết, McVeigh được ăn một bữa cuối cùng trị giá gần 20 USD. Sau đó, hắn ta chờ hành quyết trong khoảng 4 tiếng đồng hồ. McVeigh được kiểm tra về thể chất, đưa ra khỏi phòng biệt giam và bị giải đến phòng xử tử.


Ở đó, hắn ta bị buộc chặt trên chiếc bàn tiêm và thuốc độc được truyền từ từ vào tĩnh mạch cho đến chết. Quá trình tiêm thuốc độc diễn ra trong thời gian 10 phút với sự chứng kiến của 30 người, trong đó đại diện truyền thông có 10 người.


Một khu vực gần nơi hành quyết đã được dành cho các nhóm biểu tình, trong đó có những người phản đối và ủng hộ hình phạt tử hình. Nhóm ủng hộ án tử hình đề nghị chính quyền chỉ cho McVeigh một bữa ăn chay.


Nhiều người được phép nhưng đã không tham dự buổi truyền hình khép kín, trong đó có bố của Timothy McVeigh. Ông đã không đến theo đề nghị của McVeigh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ USA Today, ông nói rằng: “Điều gì tốt đẹp sẽ dành cho tôi nếu đến đó? Liệu anh có muốn nhìn thấy con trai mình chết hay không?” Bố của McVeigh mong con trai mình ít nhất sẽ bày tỏ ăn năn và chỉ muốn nhớ về con với hình ảnh một đứa bé đang mỉm cười. Ông liên tục tự hỏi bản thân mình câu hỏi tại sao một đứa bé như vậy lại trở thành nỗi kinh tởm của nước Mỹ.


McVeigh là trường hợp đầu tiên mà chính phủ Mỹ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Đây cũng là vụ án tử hình cấp độ liên bang đầu tiên trong vòng 38 năm qua. Hơn 1.400 phóng viên đã tập hợp bên ngoài nhà tù. Thi thể của McVeigh được gia đình hỏa thiêu tại Terre Haute, thị trấn miền tây bang Indriana.


Nguyễn Bình

Vụ đánh bom thành phố Oklahoma - Kỳ 4: Âm mưu
Vụ đánh bom thành phố Oklahoma - Kỳ 4: Âm mưu

Sau khi Mỹ siết chặt luật để hạn chế người dân sử dụng vũ khí, McVeigh càng căm hận chính phủ hơn vì nó ảnh hưởng đến cần câu cơm của hắn ta. McVeigh thường dùng tên mình mua súng và vũ khí cho những ai không muốn có tên trong danh sách người sở hữu súng của chính phủ rồi nhận tiền công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN