Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali - Kỳ I

Muhammad Ali, người từng ba lần vô địch giải quyền anh hạng nặng thế giới, đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 3/6 sau 32 năm chống chọi với căn bệnh rối loạn thần kinh Parkinson.

TAY ĐẤM “VĨ ĐẠI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI”

Muhammad Ali, người từng ba lần vô địch giải quyền anh (boxing) hạng nặng thế giới, đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 3/6 sau 32 năm chống chọi với căn bệnh rối loạn thần kinh Parkinson.

Người phát ngôn của gia đình ngôi sao đấm bốc, Bob Gunnell thông báo ông Ali đã qua đời ở tuổi 74 tại một bệnh viện ở thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại quê nhà Louisville, bang Kentucky. “Gia đình Ali muốn nói lời cảm ơn tới tất cả vì sự quan tâm, lời cầu nguyện và sự ủng hộ của mọi người”, Gunnell chia sẻ.

Chân dung tay đấm huyền thoại.

Thông tin Muhammad Ali - được mệnh danh tay đấm bốc “vĩ đại nhất mọi thời đại” - qua đời, đã nhanh chóng lan truyền khắp các mạng xã hội. Nhà cựu vô địch quyền anh thế giới Roy Jones Jr. và Mike Tyson đều đã chia sẻ nỗi tiếc thương của mình đối với huyền thoại Ali. “Trái tim tôi đau buồn sâu sắc nhưng cảm thấy biết ơn và thanh thản rằng người tuyệt vời nhất hiện đã được yên nghỉ ở chốn tuyệt vời nhất”, Roy Jones Jr. giãi bày trên Twitter.

“Bay như bướm, đốt như ong”

Muhammad Ali sinh ngày 17/1/1942 tại thành phố Louisville, bang Arizona. Ông tên thật là Cassius Marcellus Clay, bén duyên với nghiệp boxing từ năm 12 tuổi, sau một lần tới sở cảnh sát để trình báo bị cướp xe đạp. Lúc đó, một cảnh sát đã khuyên Ali tập môn thể thao mạnh mẽ này để tự bảo vệ mình. Ali sau đó tiến bộ nhanh chóng và trở thành một võ sĩ xuất chúng, một nhà thể thao vĩ đại ở tầm cỡ thế giới.

Tên tuổi của ông lần đầu được thế giới chú ý tới là tại kỳ Thế vận hội Olympic 1960, nơi ông giành được huy chương vàng quyền anh hạng nặng. Danh tiếng của Ali trở nên “bùng cháy” hơn nữa kể từ năm 1964, sau khi đánh bại đối thủ Sonny Liston để giành lấy ngôi vô địch hạng nặng chuyên nghiệp. Được mô tả có lối đánh “bay bổng như một con bướm và đốt như một con ong”, võ sĩ Ali đã hạ gục đối thủ Liston suốt 7 hiệp đấu và trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử khi mới 22 tuổi. 

Thượng nghị sĩ Obama chuẩn bị diễn văn tại văn phòng tại Chicago năm 2004. Trên tường là bức ảnh nổi tiếng của võ sĩ Ali.

Câu nói “Tôi là người giỏi nhất” sau khi Ali đánh thắng Liston đã gắn bó với ông trong suốt sự nghiệp quyền anh của mình. Trong khi môn đấm bốc mang lại cho Ali sự nổi tiếng thì những hoạt động xảy ra bên ngoài vòng sân đấu đã “tạc tượng” ông thành một con người đáng nhớ nhất trên thế giới. Bên cạnh là một đấu sĩ tài năng thì ông còn là một nhà hoạt động tích cực đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chiến tranh và bài xích tôn giáo. Con người ông thể hiện sự thẳng thắn, tự tin và hài hước - hình mẫu lý tưởng của những người Mỹ gốc Phi giữa lúc cao trào của thời đại dân quyền. Từng bị thua thê thảm dưới những cú đấm sắt đá của huyền thoại Ali trong trận so găng kinh điển năm 1974, George Foreman vẫn dành tình cảm tốt đẹp lúc nhắc tới con người tài giỏi này: “Không nghi ngờ gì, ông ấy chính là một trong những con người tuyệt vời nhất sống trong thời đại này. Nếu chỉ xếp ông là một võ sĩ đấm bốc thì thật bất công”.

“Phát ngôn viên” của người da màu

Năm 1964, Muhammad Ali đã nhận được cả sự ủng hộ lẫn lên án của hàng triệu người dân Mỹ và thế giới sau khi chính thức cải đạo và gia nhập “Quốc gia Hồi giáo” – phong trào của những người Hồi giáo Mỹ gốc Phi. Sau đó, võ sĩ da màu này tiếp tục gây “chấn động” hơn nữa với khi trở thành “phát ngôn viên không chính thức” cho người da màu, công khai tình bạn với nhà hoạt động vì quyền của những người thiểu số Malcolm X và đặc biệt là chống đối lại lệnh nhập ngũ sang Việt Nam tham chiến. Trong một lá thư ngỏ, ông đã giận dữ viết: "Tại sao tôi phải mặc quân phục rồi đi cả vạn dặm để thả bom và nã đạn vào những người da vàng Việt Nam trong khi nhiều người khác đang bị gọi là mọi đen ở Louisville, bị đối xử như những con chó và quyền con người cơ bản của họ đều bị phủ nhận? Không, tôi sẽ không đi xa từng ấy để giết người và hủy hoại một đất nước nghèo khác chỉ vì những người da trắng muốn nô lệ hóa tất cả những người có màu da tối hơn trên thế giới".

Nét ngạo nghễ của Ali ở bên ngoài phiên tòa xử tội trốn nhập ngũ.

Tháng 6/1967, ông bị một tòa án ở Houston tuyên phạt 5 năm tù và 10.000 USD vì từ chối nhập ngũ. Tuy chưa phải ngồi tù nhưng ông bị tịch thu hộ chiếu và đình chỉ giấy phép thi đấu tại 50 bang cho tới khi Tòa án Tối cao Mỹ xóa án vào năm 1971. Trở lại võ đài sau 4 năm bị treo găng, tay đấm cao 191 cm, nặng 113 kg này đã tiếp tục giành ngôi vô địch thế giới hai lần vào năm 1974 và 1978, và bảo vệ được danh hiệu của mình 19 lần. Sau 21 năm làm võ sĩ chuyên nghiệp, Muhammad Ali thi đấu tổng cộng 61 trận và chiến thắng 56 trận trong số đó có 37 lần thắng knock-out. Bị bệnh tật dày vò hơn ba thập kỷ nhưng Ali chưa từng bị gục ngã. Ông vẫn nhiều lần xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là tự tay thắp ngọn đuốc Thế vận hội Atlanta 1996 và ngồi xe lăn tới dự khai mạc Thế vận hội London 2012.

Trong suốt và ngay cả sau thời kỳ hoàng kim sự nghiệp, người võ sĩ này gặp gỡ không ít nhà lãnh đạo thế giới, đã có lúc ông được mệnh danh là người được nhận ra nhiều nhất trên Trái đất, thậm chí người dân tại những ngôi làng hẻo lánh ở các quốc gia xa xôi cũng biết tới ông. Ông được coi là một biểu tượng thể thao và văn hóa tại Mỹ.

Ở cương vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Barack Obama cảm kích Ali như một “người đàn ông đấu tranh vì người da đen” và đặt ông ngang hàng với những thủ lĩnh của cuộc chiến đấu chống nạn phân biệt chủng tộc vĩ đại như Martin Luther King Jr. và Nelson Mandela. Chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng nhận xét: “Trận đấu ở bên ngoài võ đài có thể tước đi danh hiệu và vị thế trước công chúng của ông ấy. Nó có thể mang tới những kẻ thù, khiến ông ấy bị chỉ trích và gần như tống giam ông ấy. Nhưng Ali đã đứng vững. Và chiến thắng của ông giúp chúng ta làm quen được với nước Mỹ mà chúng ta công nhận ngày hôm nay”.


Hoàng Trang
Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali - Kỳ 2
Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali - Kỳ 2

Ngày 29/10/1974, dưới cái nắng oi ả của xứ Kinshasa nay thuộc Cộng hòa Congo, Ali đã gặp đối thủ định mệnh của đời mình - George Foreman. Trong trận đấu được nhớ tới dưới tên gọi “Âm vang trong rừng xanh”, Ali đã 32 tuổi còn Foreman “cỗ máy xay thịt” mới 25 tuổi, đang tràn trề sức mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN