Ðường Kách mệnh - những giá trị trường tồn

Tròn 90 năm kể từ khi cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xuất bản, những giá trị về lý luận và thực tiễn của cuốn sách vẫn vẹn nguyên và có ý nghĩa to lớn đối với con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Bảo vật Quốc gia

“Đường Kách mệnh” là tác phẩm tập hợp các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927. Đây là những bài giảng được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.

Cuốn sách ra đời trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau, thực tiễn lịch sử đòi hỏi phải có một tổ chức mới, có đường lối đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ thì mới lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Bởi vậy, cuốn sách “Đường Kách mệnh” có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam.

Cuốn sách “Đường Kách Mệnh” - Bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, cuốn sách “Đường Kách mệnh” hàm chứa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác, tạo lập các tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác phẩm đã chỉ rõ những quan điểm cơ bản về phương pháp cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tổng kết kinh nghiệm cách mạng các nước, là tư liệu tham khảo đặc biệt quan trọng, cơ sở lý luận để Đảng ta xây dựng phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình đất nước.

Đặc biệt, năm 2012, cuốn sách "Đường Kách mệnh" đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam (hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và trở thành một trong 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đến nay, cuốn sách liên tục được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành rộng rãi đến đông đảo bạn đọc.

Giá trị thực tiễn lớn lao

Với 15 đầu mục lớn, trong một số trang không nhiều (bản gốc dày 100 trang), “Ðường Kách mệnh” tuy được viết rất ngắn gọn, nhưng những nội dung hàm chứa trong đó có giá trị thực tiễn lớn lao.

- Đạo đức cách mạng là gốc

“Ðường Kách mệnh” đề cập trước tiên đến vấn đề Tư cách người cách mạng, với một hệ tiêu chuẩn gồm 3 bộ phận cấu thành: với mình, với người, với công việc. Với 23 điều răn, Người chỉ rõ: Với mình phải cần kiệm, vị công vong tư, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất...; với từng người thì phải khoan thứ, với đoàn thể thì phải nghiêm, có lòng bày vẽ cho người...; với công việc phải dũng cảm quyết đoán nhưng không phiêu lưu mạo hiểm, phải phục tùng đoàn thể...
Người coi việc giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản, nhằm xây dựng những con người cách mạng chân chính, để tiến tới xây dựng một Ðảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.

Có thể nói, việc lấy tiêu chuẩn đạo đức làm một trong hai tiêu chuẩn (đức và tài) của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản, ngay từ khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một sáng tạo độc đáo, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh.

- Xác định rõ mục tiêu Ðộc lập dân tộc và CNXH

“Ðường Kách mệnh” xác định rõ mục tiêu Ðộc lập dân tộc và CNXH, khẳng định con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn trên một nền tảng chung, đó là: Dân tộc cách mệnh (quốc gia) và cách mạng XHCN (quốc tế).

Cương lĩnh “Ðường Kách mệnh” trình bày một cách khái quát những quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường cách mạng Việt Nam. Đó là con đường: Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH, nhưng trước hết phải tập trung vào nhiệm vụ "dân tộc cách mệnh" "giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình", để chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hóa. Ðối tượng của "dân tộc cách mệnh" là đánh đổ chính quyền thuộc địa của Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng.

- Nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Ðảng

“Ðường Kách mệnh” nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Ðảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và việc lựa chọn mô hình nhà nước trong tương lai: "Trước hết phải có Ðảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Ðảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... " (Sđd, tập 2, tr 267)…

Có thể thấy, trong suốt 90 năm, kể từ sau khi tác phẩm ra đời, những tư tưởng và lý luận mà “Ðường Kách mệnh” đề cập luôn có ý nghĩa to lớn, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi, từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, trong những năm cả nước cùng đi lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong 30 năm Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và trong cả tương lai.

Tùng Lâm/TTXVN
 Kỷ niệm 90 năm xuất bản sách 'Đường Kách Mệnh': Kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam
Kỷ niệm 90 năm xuất bản sách 'Đường Kách Mệnh': Kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam

“Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm có vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN