Trận không kích vào Schweinfur - Waterloo của nước Mỹ

Trận không kích vào Schweinfur - Waterloo của nước Mỹ-Kỳ 1: “Mắt xích” của ngành sản xuất vũ khí

Trận Waterloo năm 1815 là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới. Trong trận chiến này, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã bị liên quân, do Công tước Wellington, người Anh, chỉ huy, đánh bại; từ đó, châu Âu thoát khỏi ách bá quyền của Napoleon.

Trận không kích vào Schweinfur (Đức) của quân đồng minh vào năm 1943 cũng được ví như trận Waterloo năm xưa. Tại trận này, các cơ sở sản xuất vũ khí, đạn dược của phát xít Đức đã bị phá hủy nặng nề. Trong bối cảnh Hồng quân Liên Xô gia tăng các đợt tấn công phát xít, sức mạnh quân sự của Đức bị suy giảm và Chiến tranh Thế giới lần II cũng bước vào giai đoạn cuối…

Kỳ 1: “Mắt xích” của ngành sản xuất vũ khí

Nếu không vì bạc đạn của động cơ (bạc đạn là cách gọi chung cho "ổ lăn", tức là ổ đỡ sử dụng ma sát lăn làm giảm phát sinh hao mòn và phá hủy trong ổ trục, thành phần không thể thiếu trong sản xuất vũ khí), có lẽ Schweinfur vẫn là một thị trấn nhỏ, thanh bình ở xứ Bavaria, Đức. Tuy nhiên, vào năm 1883, một người thợ cơ khí ở đây, Friedrich Fischer, đã phát minh ra một chiếc máy có thể sản xuất hàng loạt bạc đạn động cơ. Rồi năm 1906, con trai của ông thành lập công ty Kugelfischer, đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất bạc đạn trong tương lai và biến Schweinfurt thành “thủ phủ” của ngành sản xuất bạc đạn.

Nguyên soái không quân Anh Arthur T. Harris (giữa).


Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã tạo ra nhu cầu lớn đối với các bạc đạn động cơ. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp hàng không Đức đã cần đến 2,4 triệu bạc đạn động cơ trong một tháng. Hoạt động sản xuất bạc đạn động cơ được tập trung chủ yếu ở Schweinfurt. Sản lượng bạc đạn của 5 nhà máy ở đây chiếm gần 2/3 sản lượng của toàn nước Đức. Trong khoảng từ năm 1922 đến năm 1943, sự gia tăng hoạt động sản xuất bạc đạn động cơ đã khiến dân số thị trấn tăng gấp ba lần, lên đến 50.000 người.

Mùa hè năm 1943, các sĩ quan tham mưu của Mỹ và Anh làm việc tại Bộ Tư lệnh ném bom chiến lược xác định ngành công nghiệp sản xuất bạc đạn động cơ là mục tiêu tấn công số một. Nếu ngành công nghiệp này bị tàn phá, ngành công nghiệp chiến tranh có thể bị đình đốn và cuộc chiến tranh có thể được rút ngắn. Nhưng Nguyên soái Không quân Arthur T. Harris, chỉ huy bộ tư lệnh ném bom chiến lược của Không quân Hoàng gia Anh, một mực phản đối.

Hoạt động trong những nhà máy sản xuất bạc đạn.


Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh, Không quân Hoàng gia đã biết rằng họ không thể tấn công chính xác các mục tiêu riêng lẻ và sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu cứ cố tiến hành. Năm 1942, họ quyết định chuyển sang ném bom vào các khu vực tập trung vào ban đêm, nhằm vào các thành phố của Đức. Việc làm này đồng thời hỗ trợ cho chính sách “tiêu thổ” trên nước Đức, làm nhụt ý chí của phát xít Đức. Harris phản đối việc coi ngành công nghiệp sản xuất bạc đạn động cơ và một số địa điểm trọng yếu khác là các mục tiêu tấn công chủ yếu. Ông cho rằng vào ban đêm các máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia sẽ không thể tìm thấy một thị trấn nhỏ như Schweinfurt, chứ chưa nói đến các nhà máy.

Trong khi đó, Schweinfurt lại chính là mục tiêu mà không đoàn số 8 của Mỹ muốn tấn công để chứng tỏ hiệu quả của kỹ thuật ném bom chính xác vào ban ngày mà lực lượng không quân Mỹ thường xuyên áp dụng. Lực lượng máy bay ném bom B -17 của không đoàn số 8 đã bay đến Anh kể từ tháng 9/1942, nhưng hiếm khi tiến hành các chiến dịch lớn. Thiếu tướng Ira C. Eaker, chỉ huy không đoàn số 8, không thể tiến hành các trận đánh lớn. Nhiều trong số các máy bay thuộc đơn vị ông phải chuyển sang thực hiện các chiến dịch ở Bắc Phi. Hơn nửa lực lượng còn lại được giao nhiệm vụ tấn công các bến tàu ngầm của Đức, một ưu tiên chính đối với nước Anh, cho dù thiệt hại gây ra không đáng kể.

Những mục tiêu chính của trận không kích.


Eaker chịu áp lực lớn phải tạo ra một thành công mang tính chiến lược. Tháng 8/1943, ông đã có thể tập hợp đủ số lượng máy bay B -17 cần thiết để tiến hành một chiến dịch lớn. Theo kế hoạch, gần như toàn bộ 400 máy bay ném bom sẽ tiến hành không kích các nhà máy sản xuất bạc đạn động cơ ở thị trấn Schweinfurt và nhà máy Messerschmitt thuộc thành phố Regensburg.

Chiến dịch bị hoãn một lần do thời tiết xấu nhưng được khởi động lại vào ngày 17/8/1943. Lực lượng tham gia tấn công được chia làm hai bộ phận. Sư đoàn không quân số 3, dưới sự chỉ huy của Đại tá Curtis E. LeMay, sẽ xuất phát trước và ném bom thành phố Regensburg. Sư đoàn không quân số 1, dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Robert B. Williams, sẽ xuất kích sau đó 8 phút, có nhiệm vụ đánh phá thị trấn Schweinfurt. Williams chỉ huy lực lượng lớn hơn, 230 máy bay B -17 so với 146 máy bay của LeMay.

Cả hai sư đoàn sẽ bay theo cùng một đường trong hầu hết cuộc hành trình, nhưng đến không phận Frankfurt, sư đoàn 1 sẽ chuyển hướng về phía thị trấn Schweinfurt. Ý định của kế hoạch là cả hai sư đoàn sẽ tiếp cận mục tiêu vào cùng một thời điểm. Việc xuất kích cách nhau 9 phút là bởi vì vị trí của Schweinfurt gần hơn Regensburg 120 km. Những quả bom đầu tiên dự kiến sẽ được ném xuống thị trấn Schweinfurt lúc 10 giờ 12 sáng và xuống thành phố Regensburg một phút sau đó.

Mặc dù nhà máy Messerschmitt có ý nghĩa rất quan trọng - sản xuất đến 400 máy bay chiến đấu Me 109 trong một tháng - nhưng nó không phải là mục tiêu chính. Với việc xuất kích trước, sư đoàn của LeMay dự kiến sẽ thu hút các máy bay chiến đấu của Đức để tạo điều kiện cho lực lượng của Williams dễ dàng đánh phá các nhà máy sản xuất bạc đạn ở thị trấn Schweinfurt.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Cú “trời giáng”… không đau

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN