Kỳ cuối: Sự trở lại của bản giao hưởng thứ hai
Điều này xảy ra sau khi ông Alexandre Rachmaninoff qua đời. Tài liệu đã được bán với giá 1,2 triệu bảng Anh cho người sưu tập người Mỹ, ông Robert Owen Lehman Jr. Bộ sưu tập nghệ thuật do gia đình Lehman tập hợp được coi là một trong những bộ sưu tập tư nhân tinh hoa nhất ở Mỹ. Bản thảo nói trên đã được đặt tại Thư viện & Bảo tàng Morgan ở New York.
Sergei Rachmaninoff năm 1936. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, không giống như các chủ sở hữu trước đó, ông Robert Owen Lehman Jr. đã chọn chia sẻ tài liệu quý báu này với thế giới. Dù trong bối cảnh tẩy chay văn hóa ngày càng gia tăng nhắm vào nghệ thuật Nga do xung đột ở Ukraine, ông Robert Owen Lehman Jr. đã quyết định cung cấp cho Nhà xuất bản Âm nhạc Nga một bản sao kỹ thuật số của bản thảo để nghiên cứu, biên soạn và chuẩn bị cho ấn bản học thuật đầu tiên.
Ông Dmitriev cảm kích: “Hành động của ông Robert Owen Lehman Jr. là một ví dụ độc đáo về hợp tác liên quốc gia. Những tiền lệ như vậy cho thấy ở bất kỳ quốc gia nào cũng có những con người, bất kể quốc tịch hay nguồn gốc, có thể giao tiếp mà không dùng ngôn ngữ của những mệnh lệnh và vẫn giữ được tính nhân văn”.
Ông Dmitriev kể: “Chúng tôi đã gửi cho ông Robert Owen Lehman Jr. ba tập và ông đã có cơ hội làm quen với dự án. Chúng tôi biết ơn đồng nghiệp tại Thư viện Anh đã kể lại cho ông chính xác toàn bộ câu chuyện”.
Dự án RCW đã được công nhận rộng rãi trong cộng đồng âm nhạc toàn cầu như là ấn bản học thuật đầu tiên và duy nhất về các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga. Các tập được sử dụng trong nghiên cứu phê bình văn bản âm nhạc tại Đại học Cambridge như là tiêu chuẩn để soạn thảo các ấn bản dựa trên nguồn tư liệu cho các ấn bản học thuật hiện đại.
Các bản nhạc của Sergei Rachmaninoff được bảo quản tốt. Đa số tác phẩm của ông đã tồn tại cho đến nay dưới dạng các bản thảo viết tay sạch sẽ, với những chỉnh sửa do chính tác giả thực hiện. Tuy nhiên, Sergei Rachmaninoff đã rời Nga vào năm 1917 nên tài liệu của ông đã bị phân tán khắp các thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ và các bộ sưu tập tư nhân ở Nga, Mỹ và châu Âu.
Sergei Rachmaninoff không có ý định di cư, ông đã có kế hoạch trở về. Ông để lại tất cả các bản thảo viết tay, toàn bộ tác phẩm trong căn hộ của mình ở Moskva. Ông thậm chí còn để lại cả những gì ông đang làm dở. Đối với ông, Nga luôn là quê hương. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ông đã giúp Hồng quân hơn bất kỳ ai trong cộng đồng người lưu vong của chúng ta. Ông đã làm điều đó bằng cả trái tim và luôn đứng về phía người dân.
Công việc khoa học không thể tiến triển nếu không có một cuộc nghiên cứu sâu sắc về quá trình sáng tạo. Các học giả cố gắng tái hiện lại những gì đang diễn ra trong đầu nhà soạn nhạc, cách mà ông viết ra các tác phẩm của mình. Có nhiều loại quá trình sáng tạo khác nhau. Ví dụ, Bach và Beethoven theo nguyên tắc 'từ đơn giản đến phức tạp': ban đầu họ viết ra một phiên bản đơn giản của tác phẩm, sau đó là vài bản phác thảo và dần dần trở nên phức tạp hơn.
Tuy nhiên, Sergei Rachmaninoff lại làm việc theo một cách hoàn toàn khác. Nhà soạn nhạc này không đi theo các nguyên tắc chung vì quá trình sáng tạo của ông hoàn toàn là duy nhất.
Sergei Rachmaninoff có một trí nhớ sáng tạo phi thường. Phần lớn quá trình sáng tác của ông diễn ra trong trí nhớ sáng tạo của mình. Ông chỉ ghi chúng xuống giấy khi thật sự cần thiết để chuyển cho nhà xuất bản.
Phần thú vị nhất là khi Sergei Rachmaninoff bắt đầu biểu diễn các tác phẩm của chính mình tại các buổi ra mắt. Phiên bản nghệ sĩ dương cầm trong Sergei Rachmaninoff sẽ can thiệp, bắt đầu chỉnh sửa phiên bản nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff. Ông rút bớt, đơn giản hóa kết cấu, cắt bỏ những phần riêng lẻ. Ông có một kiểu sáng tạo rất đặc trưng, trong đó không giống như các nhà soạn nhạc khác, nơi họ phải xuất bản phiên bản cuối cùng, thì ở đây ta cần xuất bản các phiên bản ban đầu.
Nhà xuất bản Âm nhạc Nga đã nhận được các bản sao kỹ thuật số chất lượng cao, cho phép các học giả kiểm tra kỹ lưỡng bản thảo viết tay của bản giao hưởng thứ hai. Hiện nay, một nỗ lực đầy thử thách đang được tiến hành để biên soạn lại tài liệu này.
Ông Dmitriev cho biết: “Việc đưa tài liệu này trở lại Nga trở nên khả thi nhờ sự hợp tác quốc tế độc đáo, điều này đặc biệt quan trọng cần được duy trì trong thời kỳ có những bất đồng chính trị”.
Sergei Rachmaninoff sinh ngày 1/4/1873 tại Novgorod (Nga), mất ngày 28/3/1943 tại Beverly Hills (Mỹ). Ông là nhà soạn nhạc người Nga, bậc thầy dương cầm và nhạc trưởng vào cuối thời kỳ Lãng mạn. Một số tác phẩm của ông đã trở thành kinh điển trong giai đoạn âm nhạc Lãng mạn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Sergei Rachmaninoff được học piano từ khi lên bốn tuổi. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Moscow năm 1892, lúc này ông đã sáng tác một số tác phẩm cho piano và dàn nhạc. Năm 1897, sau khi bản Giao hưởng số 1 của ông bị chỉ trích nặng nề, Rachmaninoff rơi vào trạng thái trầm cảm và sáng tác rất ít trong thời gian này. Bốn năm sau, việc trị liệu tâm lý thành công cho phép ông hoàn thành bản Concerto cho piano số 2 vào cuối năm 1901. Tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng và mang lại tiếng tăm cho Rachmanioff. Đến nay, bản Concerto này vẫn được coi là đỉnh cao và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Trong mười sáu năm tiếp theo, Rachmaninoff làm chỉ huy tại Nhà hát Bolshoi, rồi chuyển đến Dresden, Đức và lần đầu tiên lưu diễn ở Mỹ.
Ban đầu, các sáng tác của Rachmanioff chịu ảnh hưởng từ những nhà soạn nhạc Nga danh tiếng như Tchaikovsky, Rimsky-Korsakov, Balakirev, Mussorgsky. Dần dần, tác phẩm của ông càng mang đậm dấu ấn cá nhân, nổi bật là giai điệu uyển chuyển, tính biểu cảm và màu sắc của dàn nhạc.