Quốc kỳ Panama. Ảnh: Getty Images.
Cuộc chiến đẫm máu vì quốc kỳ Panama
Vào những năm 1950, chính phủ Panama đã gửi một danh sách dài các khiếu nại lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Eisenhower. Những khiếu này ấy bao gồm việc: công nhân Panama được trả lương thấp hơn cho cùng một công việc trên kênh đào; hàng hóa nước ngoài được nhập khẩu và bán ở Khu vực kênh đào theo những cách gây tổn hại đến nền kinh tế Panama; và sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Khu vực kênh đào.
Tuy nhiên, một biểu tượng thống nhất cho toàn thể sự bất mãn của người dân Panama đối với việc Mỹ kiểm soát kênh đào chính là lá cờ Tổ quốc. Theo đó, Mỹ cho phép “độc quyền” treo quốc kỳ của nước này tại Khu vực kênh đào.
Năm 1959, các cuộc bạo loạn chống Mỹ nổ ra ở thành phố Panama vì Mỹ từ chối treo cờ Panama ở Khu vực Kênh đào. Chính quyền của Tổng thống Eisenhower đã phải có một số động thái nhượng bộ khi tiến hành một kế hoạch cải thiện điều kiện kinh tế ở Panama và chỉ định một địa điểm duy nhất trong Khu vực kênh đào làm nơi cờ Mỹ và cờ Panama sẽ được tung bay cạnh nhau.
Năm 1963, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã có một quyết định hài hòa hơn cho người Panama khi ký một sắc lệnh hành pháp nêu rõ rằng cả cờ Mỹ và cờ Panama đều phải được treo tại tất cả các địa điểm phi quân sự trong Khu vực Kênh đào, bao gồm cả trường học. Nhưng nhiều người Zonians đã bất chấp sắc lệnh này, bao gồm cả học sinh tại trường trung học Balboa ở Khu vực kênh đào.
Vào ngày 9/1/1964, một nhóm sinh viên Panama đã diễu hành đến “biên giới” của Khu vực kênh đào mang theo một lá cờ Panama. Họ yêu cầu trường trung học Balboa treo lá cờ này bên cạnh lá cờ Mỹ, nhưng người Zonians đã giẫm đạp và xé rách lá cờ Panama. Chính điều này đã châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai bên nhưng khá may mắn là không ai bị thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, tin tức về vụ việc lá cờ đã được lan truyền và rắc rối lúc này mới thực sự bắt đầu. Người Panama ném đá vào Đại sứ quán Mỹ. Các tòa nhà văn phòng và cửa hàng của Mỹ bị cướp bóc và đốt cháy. Quân đội Mỹ được điều động để dập tắt cuộc bạo loạn. Trong 3 ngày xảy ra cuộc đụng độ, 22 người Panama đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Tổng thống Panama Roberto Chiari đã tiến hành đáp trả các hành động trên bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia Mỹ Latinh thực hiện biện pháp đó.
Con đường dài dẫn đến hiệp ước trao trả kênh đào
Ông Maurer cho biết các tổng thống Mỹ đã bắt đầu thảo luận về việc nhượng lại kênh đào Panama cho chính người Panama ngay từ thời chính quyền của ông Truman. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2 tầm quan trọng kinh tế và quân sự của kênh đào đối với Mỹ đã dần suy giảm.
Đối với người Mỹ, kênh đào Panama mang lại lợi nhuận kinh tế lớn nhất vào những năm 1920 và 1930, khi được sử dụng để vận chuyển dầu và gỗ từ Bờ Tây đến các nhà máy lọc dầu và nhà máy ở Bờ Đông. Nhưng đến những năm 1940, ngành đường sắt đã chuyển sang dùng động cơ diesel và việc vận chuyển bằng đường sắt rẻ hơn và nhanh hơn so với đường biển.
Ngoài ra, kinh nghiệm của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2 đã chứng minh rằng kênh đào Panama không quan trọng về mặt chiến lược như nước này từng nghĩ trước đó. Kênh đào không được sử dụng cho bất kỳ hoạt động quân sự lớn nào. Bên cạnh đó, tuyến đường thủy thông qua kênh đào cũng có thể dễ dàng bị tê liệt chỉ với một nỗ lực tấn công, phá hoại kể cả khá nhỏ.
Tuy nhiên, nỗi lo về Chiến tranh Lạnh đã khiến viễn cảnh trả lại kênh đào cho Panama không được tiếp tục đưa ra thảo luận, đặc biệt là sau Cách mạng Cuba năm 1959. Với đất nước Cuba theo đường lối xã hội chủ nghĩa ở rất gần, việc nhượng quyền sở hữu kênh đào từ Mỹ sang Panama được xem là có nguy cơ sẽ trao thẳng vào tay của Liên Xô – thành trì của xã hội chủ nghĩa.
Nhưng sau cuộc bạo loạn năm 1964 thì tình hình đã có nhiều sự thay đổi. Bắt đầu từ thời chính quyền của Tổng thống Johnson và các tổng thống kế tiếp đó của nước Mỹ, quốc gia này đều vật lộn để tìm hướng đi đúng đắn cho kênh đào Panama.
Ông Maurer nói rằng Tổng thống Gerald Ford, một thành viên đảng Cộng hòa bảo thủ, đã sẵn sàng từ bỏ việc kiểm soát kênh đào một cách khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều này được lý giải là vì những lý do riêng của bản thân vị tổng thống Mỹ này.
Ông Maurer nói thêm rằng Tổng thống Ford ghét những người Zonians. Thật đáng kinh ngạc khi đọc những dòng thể hiện sự giận dữ bên trong của ông Gerald Ford đối với những người sinh sống trong Khu vực kênh đào. Ông Ford coi đó là những người ngồi đó và bám vào ngân sách chính phủ theo cách không giống người Mỹ nhất.
Tổng thống Carter trả lại kênh đào cho Panama
Khi ông Jimmy Carter nhậm chức Tổng thống vào năm 1977, các cuộc đàm phán với Panama đã diễn ra trong gần một thập kỷ. Với sự phản đối từ phía đảng Cộng hòa đang dịu đi, Tổng thống Carter và các cố vấn của ông đã nhìn thấy con đường dẫn đến cơ hội ký kết một hiệp ước.
Theo Maurer, vào thời điểm đó, Mỹ không còn quá nhiều lợi ích khi tiếp tục kiểm soát kênh đào, dù xét về chính trị hay kinh tế. Trong khi đó, Liên Xô coi việc Mỹ nắm giữ kênh đào như một biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc. Hơn nữa, quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ kênh đào Panama trong những năm 1970 lại là Nhật Bản. Khi đó, Nhật Bản sử dụng tuyến đường này để vận chuyển xe hơi và thiết bị điện tử giá rẻ, gây khó khăn cho chính các công ty Mỹ.
Năm 1977, Tổng thống Carter đã ký hai hiệp ước với Panama tạo ra khuôn khổ để bàn giao kênh đào. Đầu tiên, Hiệp ước Trung lập trao cho quân đội Mỹ quyền bảo vệ Kênh đào Panama nếu có bất kỳ mối đe dọa nào đối với "tính trung lập" của tuyến đường biển này. Thứ hai, Hiệp ước kênh đào Panama nêu rõ rằng Khu vực kênh đào sẽ chính thức bị giải thể kể từ ngày 1/10/1979 và kênh đào này sẽ được chính thức bàn giao hoàn toàn cho Panama vào ngày 31/12/1999.
Ông Lasso nói rằng đó là thời khắc ăn mừng trọng đại ở Panama. Không chỉ khi hiệp ước được ký kết, điều vốn đã rất quan trọng, mà còn vào năm 1979, khi người dân Panama có thể hoàn toàn tự do vào Khu vực kênh đào. Đây cũng là một sự kiện mang ý nghĩa lớn đối với toàn bộ khu vực Mỹ Latinh, vì được xem như dấu chấm hết cho thuộc địa cuối cùng ở lục địa này.
Trong 20 năm, từ năm 1979 đến năm 1999, cả cờ Mỹ và cờ Panama đều tung bay tại tất cả các tiền đồn dân sự và quân sự và hai nước cũng hợp tác để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
“Khi việc quản lý kênh đào chuyển từ Mỹ sang Panama, đó không phải là một sự thay đổi đột ngột. Quá trình được thiết kế để diễn ra một cách rất chậm và cẩn thận. Điều đó đảm bảo rằng kênh đào Panama sẽ tiếp tục hoạt động mà không gặp bất kỳ vấn đề nào như trong 25 năm qua”, ông Lasso nói.