Tàu hàng di chuyển qua kênh đào Panama. Ảnh: THX/TTXVN
Bình luận này được đưa ra sau khi quốc gia Trung Mỹ này chấm dứt tham gia dự án cơ sở hạ tầng này như một động thái nhượng bộ Washington.
“Trung Quốc lấy làm tiếc về quyết định của Panama”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian tuyên bố, đồng thời kêu gọi Panama “cân nhắc lợi ích song phương lâu dài” và “chống lại sự can thiệp từ bên ngoài”.
Việc Panama rời khỏi BRI diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ sau khi đắc cử tháng 11/2024, đã nhiều lần từ chối loại trừ khả năng dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama, tuyến hàng hải quan trọng do Washington xây dựng hơn một thế kỷ trước và được bàn giao lại cho Panama năm 1999.
Khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ đi qua tuyến đường thủy hẹp này, nối liền biển Caribe với Thái Bình Dương.
Ngoài các khoản phí thu được từ kênh đào, Mỹ cũng quan ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào tuyến vận tải dài 80 km này, nơi xử lý 5% thương mại hàng hải toàn cầu.
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino ngày 6/2 xác nhận nước này đã rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường, chấm dứt một chương trình hợp tác mà chính quyền tiền nhiệm đã ký kết với Bắc Kinh vào năm 2017.
Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối việc Mỹ sử dụng áp lực và cưỡng ép nhằm bôi nhọ và phá hoại hợp tác Vành đai và Con đường.
“Những thành tựu của sáng kiến này đã mang lại lợi ích cho người dân tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Panama”, ông Lin Jian nhấn mạnh.
Sáng kiến Vành đai và Con đường, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, là một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua các khoản đầu tư vào đường bộ, cảng biển và các dự án trọng điểm khác.
Tuy nhiên, phương Tây chỉ trích Trung Quốc sử dụng sáng kiến này để ràng buộc các quốc gia đang phát triển vào những khoản nợ không bền vững, từ đó gia tăng đòn bẩy ngoại giao hoặc thậm chí tiếp quản tài sản khi con nợ không thể trả khoản vay.
Việc Panama rút khỏi BRI có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng từ Washington trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là với một quốc gia nắm giữ tuyến hàng hải chiến lược như Panama.