Nhà tài phiệt, ‘sứ giả kinh tế’ đứng sau đàm phán Mỹ - Nga

“Vai trò chính của ông ấy, nhiệm vụ chính của ông ấy, là những gì Tổng thống Putin giao cho ông: khiến người Mỹ dỡ bỏ áp lực trừng phạt” - cựu Thứ trưởng ngoại giao Nga, nói với NBC News.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư ngân hàng người Nga Kirill Dmitriev (phải) đã đóng vai trò như một "sứ giả kinh tế" của Tổng thống Putin trong các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ tại thủ đô Ryiadh, Saudi Arabia. Ảnh: Sputnik

Ông là một nhà đầu tư ngân hàng chịu ảnh hưởng từ Mỹ rõ rệt, từng học tại Harvard và Stanford trước khi làm việc tại Goldman Sachs và McKinsey. Nhưng trong khi các nhà đàm phán Mỹ và Nga nỗ lực để đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Ukraine, có mặt trong phái đoàn từ Moskva, Kirill Dmitriev sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo thỏa thuận tốt nhất cho một người: Tổng thống Vladimir Putin.

Thông thạo tiếng Anh và kết hôn với một người bạn thân của con gái ông Putin, Dmitriev, 49 tuổi, là người bạn lâu năm của nhà lãnh đạo Nga, được giao nhiệm vụ điều hành quỹ đầu tư quốc gia của đất nước và là một nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán cấp cao gần đây tại Saudi Arrabia về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Dmitriev đã tham gia cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Cố vấn chính sách Đối ngoại Yuri Ushakov với một phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu. Ông cũng đã tham dự các cuộc họp riêng tại Riyadh và đưa ra một lập luận có thể hấp dẫn Tổng thống Donald Trump, rằng các lệnh trừng phạt đã khiến các công ty Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD.

"Vai trò chính của ông ấy, nhiệm vụ chính của ông ấy, là những gì Tổng thống Putin giao cho ông ấy, là khiến người Mỹ dỡ bỏ áp lực trừng phạt. Đó là công việc của ông ấy", Andrei Fedorov, cựu thứ trưởng ngoại giao Nga, nói với NBC News trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại vào tuần trước.

Tổng thống Putin coi Dmitriev là một quan chức đáng tin cậy - ông Fedorov cho hay và nói thêm rằng ông ấy là "người thực hiện rất tốt" khi tham gia các cuộc đàm phán.

Dmitriev đã “quyến rũ” chính quyền mới tại Washinton bằng cách đóng vai trò xúc tác quan trọng cho hoạt động trao đổi tù nhân dẫn đến việc thả công dân Mỹ Marc Fogel bị tòa án Nga tuyên án 14 năm tù liên quan đến một vi phạm cần sa y tế.

Fogel, một giáo viên 63 tuổi người bang Pennsylvania, đã bay trở lại Mỹ vào tuần trước cùng với đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Trung Đông, Steve Witkoff. Chính ông Witkoff ghi nhận rằng một người đàn ông tên là "Kirill" đã thực hiện thỏa thuận này.

“Chúng tôi đã liên lạc với một người làm trung gian giữa chính phủ Nga và chính phủ Mỹ và tôi đã trình bày điều đó”, đặc phái viên Witkoff nói với Fox News vài ngày sau khi chuyến bay chở Fogel hạ cánh xuống lãnh thổ Mỹ. “Tổng thống và tất cả chúng tôi đều xác định rằng điều đó là đáng tin cậy, rằng có cơ hội để đưa Marc Fogel trở về, và tổng thống đã lắng nghe, cẩn thận quyết định rằng điều đó có thể thực hiện được, và ông nói rằng hãy lên máy bay, chúng ta hãy hy vọng sẽ có kết quả tốt.”

Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman cũng tham gia rất nhiều vào thỏa thuận đảm bảo việc thả Fogel - theo một quan chức cấp cao Saudi, người cũng ghi nhận Dmitriev là nhân vật “hoàn toàn phù hợp” và “rất tích cực” trong các cuộc đàm phán xung quanh cuộc trao đổi.

Kirill Dmitriev từ lâu đã thiết lập mối quan hệ với nhà lãnh đạo Saudi và vào tháng 10/2019, ông đã được trao tặng Huân chương Công trạng hạng Nhì của Vua Abdulaziz vì công lao tăng cường hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia sau khi ông giúp đảm bảo một thỏa thuận về giá dầu theo diễn đàn các nhà sản xuất OPEC+ mở rộng.

"Ông ấy có mối quan hệ tốt với người Saudi; ông là một trong số họ", cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Fedorov nói. "Họ cùng nhau kiếm tiền". Ông nói thêm rằng khi cuộc trao đổi tù nhân được đưa ra, "người Saudi là những người đầu tiên xác nhận rằng họ sẵn sàng giúp đỡ vấn đề này".

Huân chương của Saudi là một trong số nhiều danh hiệu dành cho Dmitriev. Tại đất nước của mình, ông đã được Điện Kremlin trao tặng không dưới ba danh hiệu, Huân chương Alexander Nevsky, Huân chương Danh dự và Huân chương Hữu nghị.

Nhưng thành công của Dmitriev không có gì đáng ngạc nhiên đối với những người theo dõi sự nghiệp của ông.

Sinh ra tại Kiev, Ukraine (khi đó là một phần của Liên Xô), thời niên thiếu, Dmitriev đã tham gia một chương trình trao đổi trung học với Mỹ. Sau này ông quay lại để lấy bằng cử nhân tại Đại học Stanford và bằng MBA tại Harvard. Năm 2009, Dmitriev là một "nhà lãnh đạo toàn cầu trẻ" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Dmitriev tiếp tục làm việc tại Ukraine trước khi chuyển về Nga, nơi các kênh truyền thông kinh doanh của Mỹ là CNBC và Bloomberg dành nhiều bài giới thiệu ông vì hiểu biết chuyên môn về thị trường địa phương.

Sau đó, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm Kirill Dmitriev làm Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, một quỹ được thành lập vào năm 2011 để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài

Chú thích ảnh
Ông Kirill Dmitriev có nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt với Nga. Ảnh: TASS

Mô tả ông là "cực kỳ thông minh", một giám đốc tài chính cấp cao của Mỹ yêu cầu không nêu tên để bảo vệ mối quan hệ kinh doanh của họ, cho biết Dmitriev cũng rất giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ và làm việc với các đối tác phương Tây.

"Rất nhiều người Nga nói tiếng Anh giỏi không biết chúng tôi nghĩ gì", vị giám đốc tài chính nói. "Còn ông ấy là người đã trải nghiệm nhiều thời gian với người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, và ông ấy thực sự có cảm nhận khá tốt về cách chúng tôi xử lý thông tin".

Mặc dù Dmitriev "rất ủng hộ Mỹ và phương Tây", ông nói thêm rằng ông "hoàn toàn trung thành và yêu nước đối với Nga" và Tổng thống Putin.

Trong vai trò lãnh đạo Quỹ đầu tư, Dmitriev đã bảo vệ đất nước của mình và khuyến khích đầu tư trước làn sóng thù địch của phương Tây liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea.

Ông cũng đóng vai trò trong những cuộc tiếp xúc ban đầu với phía Mỹ khi Tổng thống Trump lần đầu tiên được bầu làm tổng thống vào năm 2016. Trong số những người ông gặp có Erik Prince, người sáng lập công ty an ninh Blackwater hiện đã không còn tồn tại, và là người ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump.

Cuộc gặp bí mật của họ tại Khách sạn Four Seasons ở Seychelles, vào ngày 11/1/2017, đã được nêu trong báo cáo của cố vấn đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, trong đó có nói rằng Dmitriev đã tìm cách giới thiệu với một thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống Trump để bắt đầu nỗ lực cải thiện mối quan hệ Mỹ - Nga.

Hai năm sau, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Dmitriev đã nỗ lực quảng bá vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga.

Nhưng sau khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt lược vào Ukraine ngày 24/2/2022, Dmitriev dường như biến mất khỏi ánh mắt công chúng ở phương Tây, mặc dù ông vẫn thường xuyên tham dự các sự kiện lớn ở Nga và gặp Tổng thống Putin nhiều lần. Ông cũng thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông tại quê nhà.

Bốn ngày sau khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Dmitriev, gọi ông là "cộng sự thân cận của Putin". Vợ ông, bà Natalya Popova, "được cho là thân thiết với con gái của Tổng thống Putin, Katerina Tikhonova", cũng bị trừng phạt.

Nhưng sau khi ông Trump tái đắc cử vào năm ngoái, Dmitriev đã trở lại ánh đèn sân khấu, ca ngợi sự "lãnh đạo quyết đoán" của tổng thống Mỹ khi ông ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp.

Một tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, Dmitriev đã gặp Tổng thống Putin để thảo luận về các khoản đầu tư của Nga, theo trang web của Điện Kremlin.

Sau các cuộc đàm phán về Ukraine ở Riyadh vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết cả hai nước đã nhất trí tái lập "chức năng của các phái bộ tương ứng của chúng tôi tại Washington và Moskva", và Washington sẽ thành lập một nhóm cấp cao để làm việc trên con đường chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Dmitriev có mặt ở đó để thảo luận về "các vấn đề kinh tế", theo ông Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin.

Không rõ liệu những cuộc thảo luận đó có bao gồm việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ hay không, nhưng cựu Thứ trưởng ngoại giao Nga Fedorov tin rằng cuối cùng ông sẽ đạt được mục tiêu đó. "Khi được giao nhiệm vụ, ông ấy sẽ làm", ông Fedorov nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NBC News)
Lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ dự án khí LNG tại Alaska
Lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ dự án khí LNG tại Alaska

Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với một dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên (LNG) lớn ở bang Alaska.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN