Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Nhà quản lý đầu tư hàng đầu của chính phủ Nga - người từng tốt nghiệp Harvard, làm việc cho Goldman Sachs và McKinsey - đã mang theo một bản in ngắn gọn đến các cuộc đàm phán hôm 18/2 với chính quyền Tổng thống Trump tại Saudi Arabia. Thông điệp đó là: Bằng cách rút khỏi Nga trong phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine, các công ty Mỹ đã từ bỏ những khoản lợi nhuận khổng lồ ở Nga.
"Tổn thất của các công ty Mỹ là ở mức độ công nghiệp", tài liệu viết. Nó đã được ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia của Nga, cho một phóng viên của tờ New York Times xem. "Tổng thiệt hại" lên tới 324 tỷ USD.
Khi đưa ra lời kêu gọi đó với Tổng thống Trump, Điện Kremlin đã tập trung vào mong muốn kiếm lợi nhuận của ông. Tổng thống Putin hôm 19/2 đã ca ngợi phái đoàn Mỹ tại Riyadh vì đã không chỉ trích Nga như các chính quyền tiền nhiệm đã làm. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng ngoài các vấn đề địa chính trị, hai nước hiện đang hướng tới sự tham gia sâu hơn vào không gian vũ trụ, kinh tế và "công việc chung của chúng ta trên thị trường năng lượng toàn cầu".
Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov cho biết sau cuộc gặp hôm 18/2 rằng, cuộc thảo luận đã "dành sự quan tâm lớn" đến "việc xóa bỏ các rào cản nhân tạo đối với sự phát triển của hợp tác kinh tế cùng có lợi" - một ám chỉ rõ ràng đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Trump đang hưởng ứng thông điệp từ Nga?
Đáng chú ý là chính quyền Tổng thống Trump dường như đang hưởng ứng thông điệp của Nga mà không yêu cầu “trả trước”. Với Ukraine, sau khi Kiev gợi ý khả năng ký kết các thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên với ông Trump, bộ trưởng tài chính của ông đã thúc đẩy để nước này ký kết thỏa thuận nhằm đổi lại một nửa tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Và Tổng thống Trump còn tiếp tục mô tả các đồng minh của Mỹ là những kẻ ăn bám, đe dọa áp thêm thuế quan và yêu cầu họ chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng của chính mình.
Ngược lại, với Nga, chính quyền Tổng thống Trump dường như đang ra hiệu rằng điều duy nhất mà ông Putin phải làm để mở đường cho việc thiết lập lại hoàn toàn mối quan hệ giữa Moskva và Washington là chấm dứt xung đột ở Ukraine. Nhiều người châu Âu và Ukraine lo ngại rằng ông Trump sẽ tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của Nga, đặc biệt là sau khi tổng thống Mỹ ám chỉ hôm 18/2 rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ngày 18/2 rằng việc chấm dứt chiến tranh sẽ là "chìa khóa mở ra cánh cửa" cho "các mối quan hệ đối tác kinh tế có khả năng mang tính lịch sử". Ông đồng tình với người đồng cấp Lavrov khi ám chỉ rằng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga như một phần của thỏa thuận như vậy.
"Có những lệnh trừng phạt được áp đặt do cuộc xung đột này", ông Rubio cho biết. "Tôi muốn nói với các bạn rằng để chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào thì phải có sự nhượng bộ từ tất cả các bên".
Sứ giả quan trọng
Đối với Điện Kremlin, một sứ giả quan trọng cho tư duy tiền tệ của ông Trump là ông Kirill Dmitriev, một đồng minh trẻ tuổi của Tổng thống Putin và là cựu chủ ngân hàng, người chuyên phát triển các dự án kinh doanh của Nga trên khắp thế giới. Ông có mối quan hệ chặt chẽ với người nắm thực quyền tại Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman, và ông cũng chính là người đã thúc đẩy việc phát triển và phân phối vaccine Covid-19 của Nga, Sputnik V, trên toàn cầu.
Nhà tài phiệt Kirill Dmitriev đang thúc đẩy các quan hệ kinh tế đi đôi với địa chính trị trong đàm phán Nga - Mỹ. Ảnh: Sputnik
Năm 2016, ông Dmitriev đã cố gắng sử dụng các mối quan hệ kinh doanh để xây dựng một kênh liên lạc bí mật với ông Trump dưới danh nghĩa "hòa giải" giữa Mỹ và Nga - theo báo cáo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm đó của Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert S. Mueller III.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, sự hòa giải đó đã không bao giờ xảy ra. Lần này, ông Dmitriev đã gặp may mắn hơn.
Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump, đã khen ngợi ông Dmitriev và Thái tử Mohammed vì vai trò của họ trong việc giúp Nga trả tự do cho Marc Vogel, một giáo viên người Mỹ bị giam giữ tại Moskva vào tuần trước. Là một thành viên phái đoàn Nga tham gia cuộc đàm phán hôm 18/2, ông Dmitriev cũng đã tranh thủ sử dụng các cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông phương Tây để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga và ở Bắc Cực.
"Con đường kinh tế cho phép ngoại giao, cho phép đối thoại, cho phép giành chiến thắng chung, cho phép thành công chung", ông Dmitriev khẳng định, "Và chúng tôi thấy rằng Tổng thống Trump tập trung vào việc đạt được thành công".
Ông cho biết các công ty dầu mỏ của Mỹ đã "thực sự được hưởng lợi từ ngành dầu mỏ của Nga", đồng thời nói thêm, "chúng tôi tin rằng tại một thời điểm nào đó, họ sẽ quay trở lại". Tài liệu mà Dmitriev mang đến cuộc họp hôm 18/2 với Mỹ cho thấy các ngành công nghiệp tổn thất lớn nhất trong số các công ty Mỹ rời khỏi Nga là ngành "công nghệ thông tin và Truyền thông" - ở mức 123 tỷ USD, và ngành " tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe", ở mức 94 tỷ USD.
Mặc dù thương mại của Mỹ với Nga trước khi các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine có hiệu lực vào năm 2014 là rất nhỏ so với thương mại Nga - Trung Quốc hoặc Nga - EU, các công ty năng lượng lớn của Mỹ đã đầu tư rất mạnh, còn các công ty hàng tiêu dùng và công nghệ của Mỹ coi Nga là một thị trường quan trọng.
Ông Dmitriev cho biết phép tính của ông không chỉ tính đến các đợt bán tháo và khấu hao mà còn tính đến "lợi nhuận bị mất đi". Các công ty phương Tây rời khỏi Nga đã chính thức tuyên bố thiệt hại hơn 100 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra, với nhiều tài sản giá trị của họ bị bán rẻ theo các điều khoản nặng nề do nhà nước Nga áp đặt.
Nhiều nước chuyển sang lợi ích kinh tế để "quyến rũ" ông Trump
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã chuyển sang thông điệp tập trung vào kinh doanh để phục vụ cho một tổng thống Mỹ có chính sách đối ngoại khác biệt như ông Trump. Nhưng trong số các chính phủ đang cố gắng tác động đến quan điểm của ông Trump về cuộc chiến ở Ukraine, Nga là nước duy nhất thành công trong việc khiến nhà lãnh đạo Mỹ bị thu hút.
Các quan chức Ukraine đã biến khả năng đạt được các thỏa thuận năng lượng và khoáng sản béo bở của Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc thành trọng tâm của một cuộc “tấn công quyến rũ” với ông Trump bắt đầu vào mùa thu năm ngoái. Thay vì chấp nhận lời mời hợp tác, ông Trump dường như quyết định rằng tài nguyên thiên nhiên của Ukraine sẽ đóng vai trò là khoản đền bù cho những sự hỗ trợ trước đây của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (giữa) trong cuộc gặp Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan (phải) tại Abu Dhabi ngày 19/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tại Kiev vào tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent theo đó Washington sẽ nắm giữ 50% cổ phần trong tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Người châu Âu cũng đã cố gắng sử dụng các cuộc đàm phán về các thỏa thuận để thu hút sự chú ý của ông Trump. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào cuối tháng 1, Tổng thư ký NATO, Mark Rutte, cho biết châu Âu sẽ sẵn sàng chi trả cho Mỹ để tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.
Những lời đề nghị như vậy không làm thay đổi nhiều quan điểm của ông Trump về việc châu Âu đang lợi dụng sự hỗ trợ an ninh của Mỹ, cũng như không ngăn cản ông loại trừ châu Âu khỏi các cuộc đàm phán với Nga.