Lý do Đặc phái viên Mỹ về Ukraine bất ngờ ‘mất tích’ trong đàm phán Mỹ-Nga về Ukraine

Cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Saudi Arabia, trong đó có nội dung chấm dứt chiến tranh Ukraine đã không có sự tham dự của ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Liên bang Nga và Ukraine.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Khi các cuộc đàm phán giữa Washington và Moskva (Moscow) về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine diễn ra tại thủ đo Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18/2, ông Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Liên bang Nga và Ukraine, không có mặt.

Thay vì tham gia vào các cuộc thảo luận với Liên bang Nga, ông Kellogg sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán với Ukraine và châu Âu, trong khi ông Steve Witkoff đang nổi lên như một nhà đàm phán chủ chốt với Moskva bất chấp vai trò là Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông.

Tại sao ông Kellogg không có mặt trong đàm phán Mỹ - Nga tại Saudi Arabia?

Một số chuyên gia cho rằng lập trường ủng hộ Ukraine của ông Kellogg là lý do khiến nhân vật này bị Moskva phản đối. Ông Kellogg từng đề xuất chính sách hòa bình thông qua sức mạnh và cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Ngược lại với ông Kellogg, quan điểm của ông Witkoff về Ukraine và Liên bang Nga chưa rõ ràng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể dễ dàng chấp nhận các điều kiện do Liên bang Nga đặt ra hơn.

Ông Witkoff từng là người dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas vào ngày 15/1 và một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump có thể hy vọng ông Witkoff này sẽ làm được điều tương tự ở Ukraine.

Chuyên gia John Herbst tại Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói với báo The Kyiv Independent rằng:“Không rõ ông ta (Witkoff ) mang đến bàn đàm phán điều gì liên quan đến cuộc chiến của Moskva ở Ukraine, ngoài tình bạn cá nhân với ông Trump”.

Ông Witkoff trở thành nhà đàm phán chính với Liên bang Nga

Vào ngày 11/2, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông, ông Witkoff đã đàm phán thành công việc thả tự do cho ông Marc Fogel, một giáo viên người Mỹ bị bắt ở Liên bang Nga năm 2021 vì mang cần sa y tế vào nước này. Ông Fogel đã được đưa ra khỏi Liên bang Nga trên chiếc máy bay của ông Witkoff.

Khi được hỏi ông đã làm việc với ai ở Liên bang Nga để đảm bảo việc thả ông Fogel, ông Witkoff cho biết ông đã hợp tác với một người tên là Kirill. Theo hãng tin Reuters ngày 12/2, ông Kirill Dmitriyev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Liên bang Nga, đã tham gia vào quá trình đàm phán này.

Sau vụ trao đổi tù nhân, Tổng thống Trump tuyên bố vào ngày 12/2 rằng ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và đồng ý với người đồng cấp phía Liên bang Nga “ngay lập tức” bắt đầu đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ông Trump cũng thông báo rằng ông đã giao nhiệm vụ cho ông Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Ratcliffe dẫn đầu các cuộc đàm phán với Liên bang Nga, nhưng tên của ông Kellogg không có trong danh sách đó.

Cũng trong ngày 12/2, ông Trump còn nói rằng cuộc gặp đầu tiên với ông Putin sẽ được thực hiện ở Saudi Arabia.

Vào ngày 18/2, các ông Witkoff, Waltz và Rubio đến Saudi Arabia đàm phán với Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergei Lavrov và Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov.

Theo Ngoại trưởng Liên bang Nga Lavrov, cả hai bên đã đồng ý khởi động tiến trình giải quyết xung đột Ukraine, bổ nhiệm Đại sứ tại mỗi nước, gỡ bỏ các rào cản trong thực thi nhiệm vụ ngoại giao và thiết lập điều kiện để khôi phục hợp tác Mỹ - Nga.

Ông Kellogg không tham gia đàm phán với Moskva vì “quá cứng rắn” với Liên bang Nga

Chia sẻ với các nhà báo hôm 17/2 ở Brussels, Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga cho biết vào ngày 18/2, ông sẽ đến Vacsava (Warsaw) và từ đó sẽ đi tàu đêm đến Kiev. “Tôi sẽ lên tàu vào tối mai. Tôi sẽ có mặt ở đó vào sáng 19/2”, ông Kellogg nói. Và như vậy, rõ ràng là ông Kellogg không tham gia đàm phán với Liên bang Nga về việc chấm dứt chiến tranh Ukraine tại Saudia Arabia.

Ông Kellogg là đồng tác giả một kế hoạch hòa bình, bao gồm: Đóng băng tiền tuyến ở Ukraine; loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong một thời gian dài; dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt áp đặt lên Liên bang Nga. Tuy nhiên, ông Kellogg cũng nhấn mạnh rằng Ukraine nên đàm phán từ thế mạnh.

Theo kế hoạch của ông Kellogg, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như đảm bảo an ninh cho Kiev nhằm ngăn chặn việc Liên bang Nga tiếp tục gây hấn. Kế hoạch này không yêu cầu Ukraine cắt giảm quân đội hoặc công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là của Liên bang Nga.

Chuyên gia Herbst cho biết Moskva không thích Kellogg vì ông có quan điểm cứng rắn về việc buộc Liên bang Nga phải đàm phán và đàm phán một cách thiện chí.

Trong một phát biểu với báo The Kyiv Independent, chuyên gia Herbst nói: “Ông Kellogg là người cứng rắn nhất trong số họ” và “đương nhiên, (Tổng thống Liên bang Nga Vladimir) Putin muốn đảm bảo rằng kênh liên lạc chính giữa Liên bang Nga và Mỹ là giữa mình và (Tổng thống Mỹ Donald) Trump, không phải ai khác. Và chắc chắn, Liên bang Nga không muốn ông Kellogg - người luôn cứng rắn với Moskva - tham gia vào quá trình này”.

Giảng viên chính trị quốc tế Jenny Mathers tại Đại học Aberystwyth (Anh), đồng ý với nhận định của chuyên gia Herbst, nói rằng: “Ông Kellogg dường như là người trong chính quyền Trump có thái độ thân thiện nhất với Ukraine, mặc dù ông không hoàn toàn ủng hộ tất cả các điều kiện mà Kiev đưa ra cho một nền hòa bình thực sự và bền vững”.

Người đứng đầu Chương trình nghiên cứu Ukraine tại Viện Kennan, ông Mykhailo Minakov cho rằng:“Ông Kellogg là một trong những người giàu kinh nghiệm nhất trong đội ngũ này. Ông ấy cân bằng giữa việc tôn trọng lợi ích quốc gia của Ukraine và lắng nghe ý kiến từ Ủy ban châu Âu. Ông Kellogg mang đến sự hiểu biết sâu rộng và sự khôn ngoan đối với lợi ích của Kiev và EU (Liên minh châu Âu)”.

Ông Kellogg có hoàn toàn bị gạt khỏi các cuộc đàm phán với Liên bang Nga không?

Một số chuyên gia cho rằng ông Kellogg đã thực sự bị loại khỏi tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Liên bang Nga.

Chuyên gia chính sách đối ngoại Daniel Hamilton tại Viện Brookings, nhận định: “Ông Trump nói rằng ông Kellogg sẽ đóng một vai trò, nhưng dường như ông không còn là người dẫn đầu trong các cuộc đàm phán nữa”.

Giảng viên chính trị quốc tế Mathers cũng cho rằng ông Kellogg chỉ được giao nhiệm vụ đến các thủ đô châu Âu, bao gồm Kiev, trong khi ông Witkoff đã đến Moskva - địa điểm được ông Trump coi là trung tâm quyền lực.

Giảng viên chính trị quốc tế Mathers nói:“Ông Kellogg cũng không có tên trong danh sách đội ngũ đàm phán mà ông Trump vừa công bố” và “điều này có thể là một sự thiếu sót hơn là cố ý loại trừ (chính quyền này không quá giỏi trong việc chú ý đến chi tiết). Nhưng ngay cả khi đó chỉ là một sơ suất và ông ấy sẽ được bổ sung sau này, điều đó vẫn cho thấy rằng ông Trump không nghĩ ngay đến ông Kellogg trong bối cảnh này, mặc dù đã bổ nhiệm ông làm đặc phái viên về Ukraine và Liên bang Nga”

Vào ngày 15/2, Ông Kellogg làm rõ rằng ông sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán với Ukraine và châu Âu, trong khi ông Witkoff sẽ chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán với Liên bang Nga.

Ông Witkoff - nhà đàm phán mới của Mỹ là ai?

Ông Steve Witkoff, một tỷ phú đầu tư bất động sản, là bạn thân lâu năm của Trump.

Sau khi tốt nghiệp trường luật vào năm 1983, ông Witkoff làm việc tại Dreyer & Traub, một công ty luật bất động sản ở New York - nơi ông Trump là khách hàng của ông.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, ông Witkoff là thành viên của Nhóm Công nghiệp phục hồi kinh tế Mỹ, do ông Trump thành lập năm 2020 để đối phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Giảng viên chính trị quốc tế Mathers cho biết: “Ông Witkoff là bạn thân lâu năm của ông Trump và, giống như ông Trump, kiếm được gia tài từ lĩnh vực bất động sản ở New York. Ông Trump cảm thấy thoải mái khi làm việc với những người ông ấy biết rõ và tin tưởng, với lòng trung thành cá nhân là tiêu chí quan trọng nhất để thăng tiến trong chính quyền này”.

Aron Lund, chuyên gia về Trung Đông tại Century International, cũng đồng tình khi nói rằng:“Ông Trump đơn giản là tin tưởng người này (ông Witkoff) trên phương diện cá nhân”.

Chuyên gia Lund nói thêm: “Chúng ta đều biết ông Trump không thực sự tin tưởng các thiết chế trong chính phủ Mỹ, nhưng ông Witkoff là một người bạn cũ của ông ấy, đến từ cùng một bối cảnh. Chúng ta có vẻ sắp bước vào một giai đoạn mà ngoại giao Mỹ sẽ trở nên cá nhân hóa hơn, và sự gần gũi với tổng thống có thể quan trọng hơn là chức vụ chính thức”.

Theo chuyên gia Lund, ông Witkoff sẽ điều hành các cuộc đàm phán ở cả Trung Đông và Ukraine, trở thành “người đại diện chính thức của tổng thống trong các vấn đề ngoại giao phức tạp”.

Tuy nhiên, chuyên gia Herbst nhấn mạnh rằng ông Witkoff không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và chưa từng có kinh nghiệm về đối ngoại, mà chỉ là một doanh nhân thành đạt và là bạn thân của ông Trump.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo The Kyiv Independent/Sky News/United24)
Tin nóng thế giới sáng 19/2/2025
Tin nóng thế giới sáng 19/2/2025

Bản tin nóng thế giới sáng 19/2/2025 có những nội dung sau đây:
- Mỹ và Liên bang Nga tiết lộ kết quả đàm phán về Ukraine tại Saudi Arabia;
- EU cam kết hỗ trợ 30 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2025;
- Canada kiên quyết phản đối Liên bang Nga tái gia nhập G7;
- Hamas sẵn sàng thực thi các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận ngừng bắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN