Cơ sở lưu trữ dầu của Caspian Pipeline Consortium (CPC) tại Vùng Krasnodar, Nga. Ảnh: Sputnik
Theo trang Asiatimes, Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) quy mô lớn nhằm vào trạm bơm của Dự án đường ống Caspian (CPC) do Mỹ sở hữu một phần tại khu vực Krasnodar, Nga vào sáng sớm ngày 17/2 theo giờ địa phương.
Cho đến nay, rất ít người biết về dự án này, chưa nói đến việc nó vẫn tiếp tục hoạt động mà không gặp bất kỳ vấn đề nào trong bối cảnh cuộc chiến ủy nhiệm giữa NATO và Nga ở Ukraine và lệnh trừng phạt chống Nga của phương Tây, nhưng đây là một trong những khoản đầu tư khu vực quan trọng nhất của Mỹ. Do đó, Asiatimes cho rằng, cuộc tấn công táo bạo này có nguy cơ khiến Tổng thống Donald Trump nổi giận.
Ngày 18/2, cựu Tổng thống Nga, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev đã đăng một bài viết dài trên Telegram, trong đó ông lập luận rằng Tổng thống Ukraine Zelensky biết về mối liên hệ giữa Mỹ và dự án CPC nhưng vẫn tiến hành cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái quy mô lớn bất chấp điều đó.
Theo ông Medvedev, đây được cho là "một đòn giáng mạnh vào ba công ty Mỹ, thị trường dầu mỏ và cá nhân ông Trump", động thái này được thực hiện nhằm đáp trả nỗi lo ngại của Kiev rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ buộc Ukraine phải nhượng bộ với Nga.
Tờ Telegraph cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tức giận trước nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm áp đặt các yêu cầu đối với Ukraine, mà theo đó quyền sở hữu của Mỹ đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ukraine "sẽ chiếm tỷ lệ trên GDP của Ukraine cao hơn so với khoản bồi thường áp dụng cho Đức theo Hiệp ước Versailles" nếu nước này đồng ý với đề xuất của ông Trump về đổi tài nguyên lấy hòa bình.
Một ngày trước bài đăng của ông Medvedev, nghị sĩ Nga Dmitry Belik đã suy đoán rằng các thành phần thù địch trong "nhà nước ngầm" của Mỹ cũng có thể đã cùng với Anh dựng lên hành động khiêu khích này để "làm đau (ông Trump)".
Dù thế nào đi nữa, những người đứng sau vụ tấn công bằng UAV nói trên có thể cũng không biết rằng CPC là một phần không thể thiếu đối với an ninh năng lượng của Israel - đồng minh hàng đầu của Mỹ. Israel đã nhận được một lượng dầu đáng kể từ siêu dự án này trong suốt cuộc xung đột khu vực gần đây nhất chống lại các lực lượng chiến binh của “Trục Kháng cự” do Iran lãnh đạo.
Trước thực tế là một cuộc chiến tranh tiếp diễn với Hamas và/hoặc Hezbollah có thể nổ ra bất cứ lúc nào do lệnh ngừng bắn của Israel với cả hai bên đều mong manh, thì không mấy người nghi ngờ việc Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để buộc ông Trump phải đảm bảo an ninh cho dự án CPC tại Nga trong trường hợp Trung Đông lại rơi vào xung đột.
Điều này có thể diễn ra dưới hình thức Tổng thống Trump, ít nhất là, đe dọa sẽ cắt viện trợ tài chính và/hoặc quân sự cho Ukraine trừ khi nước này đơn phương từ bỏ chính sách tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga.
Bối cảnh rộng hơn của các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Mỹ đang diễn ra về Ukraine thậm chí có thể dẫn đến việc Moskva có thể sẽ ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Đây có thể là bước đầu tiên hướng tới một lệnh ngừng bắn, giúp tạo điều kiện cho cuộc bầu cử diễn ra tại Ukraine – sự kiện có thể dẫn đến việc thay thế ông Zelensky.
Chưa biết chính xác Tổng thống Trump sẽ phản ứng như thế nào trước cuộc tấn công trên từ Kiev, nhưng rất khó có khả năng ông sẽ bỏ qua, đặc biệt là khi xem xét cách thức mà điều này cũng gián tiếp gây hại cho Israel.
Asiatimes cho rằng, do đó, cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV của Ukraine vào dự án CPC do Mỹ sở hữu một phần có thể sẽ trở thành điều mà Kiev phải hối tiếc. Sẽ là quá sớm để mô tả nó như một sự thay đổi cuộc chơi, nhưng vụ việc đã xảy ra vào một thời điểm không thể tệ hơn đối với Ukraine khi xét đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Mỹ về tương lai của nước này.