Lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ dự án khí LNG tại Alaska

Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với một dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên (LNG) lớn ở bang Alaska.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Marathon Petroleum tại Kenai, Alaska. Ảnh: marathonpetroleum

Đây là một dự án đã gặp nhiều khó khăn trong nhiều năm bất chấp sự ủng hộ từ các lãnh đạo bang.

Tổng thống Trump đã nhắc đến dự án này trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vào đầu tháng này. Theo đó, đường ống dài gần 1.300 km sẽ vận chuyển khí đốt từ vùng North Slope của Alaska đến cảng xuất khẩu, chủ yếu nhắm đến thị trường châu Á.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng đây chỉ là một phiên bản sửa đổi của một kế hoạch đã tồn tại hàng chục năm nhưng chưa đạt được tiến triển đáng kể. Những trở ngại bao gồm chi phí cao, ước tính khoảng 44 tỷ USD cho đường ống và cơ sở hạ tầng liên quan, sự cạnh tranh từ các dự án khác và tính khả thi về kinh tế. Một thượng nghị sĩ bang cho biết Alaska đã chi khoảng 1 tỷ USD trong nhiều năm để cố gắng triển khai dự án đường ống này.

Dự án Alaska đề xuất xây dựng một đường ống từ các mỏ khí đốt tại North Slope đến miền Nam trung tâm Alaska. Một cơ sở hóa lỏng khí tại Nikiski, phía Tây Nam Anchorage, sẽ xử lý và xuất khẩu LNG.

Sau khi đắc cử, Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ đảm bảo dự án được triển khai để cung cấp năng lượng giá rẻ cho Alaska và các đồng minh trên toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh đây là ưu tiên trong một sắc lệnh hành pháp tập trung vào phát triển tài nguyên tại Alaska mà ông ký ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản, ông Trump nhấn mạnh lợi thế về vị trí địa lý của dự án Alaska đối với Nhật Bản và đề cập đến khả năng hợp tác "dưới hình thức một liên doanh nào đó", nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra theo hướng có lợi cho cả hai bên và xác nhận hai nước sẽ hợp tác nhằm tăng cường an ninh năng lượng, bao gồm tăng xuất khẩu LNG sang Nhật Bản, nhưng không đề cập cụ thể đến dự án Alaska.

Ông Trump đã từng ủng hộ dự án này trong nhiệm kỳ đầu tiên. Năm 2017, ông tham dự lễ ký kết thỏa thuận tại Bắc Kinh giữa cựu Thống đốc Alaska Bill Walker và đại diện các công ty Trung Quốc để cùng hợp tác triển khai dự án. Tuy nhiên, thỏa thuận này sau đó bị đình trệ khi ông Walker rời nhiệm sở năm 2018 và Thống đốc Dunleavy theo đuổi một hướng đi khác. Dự án này từng nhiều lần thay đổi định hướng mỗi khi có thống đốc mới.

Hiện tại, không có cách nào để đưa trữ lượng khí đốt khổng lồ của Alaska ra thị trường. Trong nhiều thập kỷ, các công ty dầu khí lớn tập trung khai thác dầu mỏ sinh lời cao hơn tại North Slope. Đường ống dẫn dầu xuyên Alaska dài 1.280 km, đi vào hoạt động từ năm 1977, vẫn là huyết mạch kinh tế của bang.

Lãnh đạo bang đang đối mặt với viễn cảnh phải nhập khẩu khí đốt để đáp ứng nhu cầu của khu vực đông dân nhất bang do sản lượng suy giảm tại lưu vực Cook Inlet, cách North Slope hàng trăm km về phía Nam. Cook Inlet là khu vực sản xuất dầu khí lâu đời nhất của Alaska, hoạt động từ những năm 1950.

Ngay cả một năm trước, ý tưởng nhập khẩu khí đốt vẫn bị nhiều nhà lập pháp xem là một điều đáng xấu hổ. Nhưng hiện tại, điều này đang dần được chấp nhận, với hy vọng rằng đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi đường ống khí được xây dựng.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Alaska, Chuck Kopp, kêu gọi người dân giữ vững niềm tin và tránh tư duy tiêu cực. "Chúng ta cần thận trọng với cách nói của mình vì điều đó có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Một dự án năng lượng quy mô như thế này, nếu thành công, sẽ là bước ngoặt đối với an ninh kinh tế của bang", ông nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế dầu khí Roger Marks tại Alaska lại hoài nghi về khả năng dự án thành hiện thực và cho rằng cần tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho khả năng nhập khẩu khí đốt. "Duy trì những kỳ vọng không thực tế chỉ khiến chúng ta mất tập trung khỏi những gì thực sự cần làm," ông nhận định.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo asahi)
Dự án Alaska LNG hồi sinh nhờ sắc lệnh thuế của Tổng thống Trump
Dự án Alaska LNG hồi sinh nhờ sắc lệnh thuế của Tổng thống Trump

Dự án Alaska LNG, kế hoạch vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ bang Alaska giàu tài nguyên của Mỹ đến thị trường toàn cầu, đang được hồi sinh sau một thời gian dài đình trệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN