Ngày 28/1/1986, vào lúc 11 giờ 38 phút, tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, khi hàng triệu người trên khắp thế giới đang theo dõi thời khắc con tàu mang tên Challenger (tạm dịch là Kẻ thách thức) - tàu con thoi thứ hai của Mỹ - rời khỏi bệ phóng bay vào không gian với các nhiệm vụ: Triển khai một số thiết bị quan sát lên quỹ đạo, phóng thiết bị theo dõi sao chổi Halley và tiến hành dự án "Giáo viên trong không gian" nhằm tôn vinh các nhà giáo, khuyến khích sinh viên, học sinh tìm hiểu về khoa học và công nghệ vũ trụ.
Tàu Challenger phát nổ 73 giây sau khi rời bệ phóng. |
Nhưng khi vệt khói trắng bất thường xuất hiện trên bầu trời vào giây thứ 64, mọi người bắt đầu nhận thấy có chuyện gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra với Challenger. Sau đó 9 giây, con tàu tách làm đôi trước khi vỡ vụn ở độ cao 14.000 m. Toàn bộ 7 thành viên phi hành đoàn bao gồm: chỉ huy Francis R. Scobee, phi công Michael Smith, cùng 5 chuyên viên: Judith A. Resnik, Ellison S. Onizuka, Ronald E. McNair, Gregory B. Jarvis và đặc biệt là Christa McAuliffe, một cô giáo tại Trường Trung học Concord - người được chọn từ 11.000 ứng viên để trở thành giáo viên đầu tiên được lên vũ trụ, đã thiệt mạng.
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, các nhà điều tra đã vào cuộc để xác định nguyên nhân gì khiến lần khởi hành vào không gian thứ 10 của Challenger biến thành thảm họa. Cuối cùng họ đã kết luận rằng cái lạnh chính là nguyên nhân của vụ tai nạn khủng khiếp. Hình ảnh các trụ băng bám quanh tháp phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy được chụp lại cho thấy tàu Challenger đã được phóng lên vũ trụ trong điều kiện thời tiết dưới 0o C, lạnh nhất trong lịch sử các phi vụ tương tự của NASA. Trước đó, chuyến đi cũng đã phải hoãn lại vài ngày vì thời tiết quá lạnh. Giá rét đã khiến vòng đệm của tên lửa đẩy gặp sự cố, bình nhiên liệu gắn ngoài con tàu bị vỡ làm toàn bộ khí hydro cũng như oxy phát tán ra bên ngoài. Khi hai chất trộn lại, chúng tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trên không trung và làm con tàu tách khỏi thùng chứa nhiên liệu nên không thể có được lực đẩy cần thiết. Động cơ phía đuôi và động cơ chính bị rời ra. Cabin của phi hành đoàn và phần trước của con tàu rời hẳn khỏi khoang chứa đồ rồi vỡ nát trước khi lao xuống mặt biển với vận tốc khoảng 300 km/giờ, kết thúc quá trình hoạt động của tàu con thoi Challenger.
Toàn bộ 7 phi hành gia trên tàu đều tử nạn. |
Trước khi tai nạn xảy ra, tàu con thoi Challenger đã thực hiện được tất cả 10 chuyến bay vào không gian trong thời gian từ 4/4/1983 đến 28/1/1986. Tàu đã ở trong không gian 62,41 ngày; bay 995 vòng quanh quỹ đạo Trái đất với chiều dài tổng cộng là 41.544.342 km; đã đưa 10 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất. Mặc dù vậy, ngay sau thảm họa Challenger, NASA vẫn phải quyết định tạm ngừng chương trình phóng các tàu con thoi vào vũ trụ để nghiên cứu các biện pháp và nâng cấp các thiết bị với mục tiêu bảo vệ sự an toàn cho các phi hành gia trước những sự cố tương tự.
Gần 3 năm sau chuyến bay định mệnh của tàu Challenger, tháng 10/1988, NASA mới tiếp tục nối lại chương trình đưa người lên tàu vũ trụ với việc phóng tàu con thoi khác mang tên Discovery (Thám hiểm). Con tàu được giao trọng trách nối lại hành trình chinh phục không gian của Mỹ. Đây là tàu con thoi thứ ba của Mỹ được đưa vào hoạt động với nhiệm vụ vừa phục vụ nghiên cứu, vừa phục vụ việc lắp đặt Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Cũng chính trong chuyến bay đầu tiên của tàu con thoi sau thảm họa Challenger, Discovery đã gánh vác nhiệm vụ đưa nhà du hành vũ trụ John Glenn, lúc đó đã 77 tuổi, trở lại không gian, và ông trở thành phi hành gia lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ. Ngoài ra, Discovery cũng chính là con tàu đưa lên quĩ đạo kính viễn vọng Hubble, tạo nên cuộc cách mạng cho sự hiểu biết của con người về thiên văn học, và sau đó cũng 2 lần tham gia nhiệm vụ sửa chữa kính viễn vọng nổi tiếng này.
Gần hai thập kỷ sau vụ nổ tàu Challenger, khi các chuyến bay của tàu con thoi có vẻ như bình thường trở lại, thì lại một thảm kịch mới làm sững sờ cả nước Mỹ khi tàu Columbia - con tàu đầu tiên trong phi đội tàu con thoi của NASA bay vào vũ trụ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/4/1981 - vỡ tan thành từng mảnh ngay trước khi hạ cánh vào năm 2003 làm 7 phi hành gia trên con tàu thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là do hư hại từ một mảnh gốm cách nhiệt ở thùng chứa nhiên liệu đã bật ra và va vào cánh của con tàu trong quá trình hạ cánh. Vụ việc đã khiến một lần nữa chương trình tàu con thoi phải đình lại để NASA thực hiện những thay đổi quyết liệt nhằm mục đích cải thiện lề lối làm việc và sự an toàn trong tổ chức này.
Nhưng hai năm sau, Tổng thống Mỹ George Bush lúc bấy giờ đã thông báo tạm hủy bỏ chương trình phóng tàu con thoi lên vũ trụ. Và đến ngày 21/7/2011, trang sử của các tàu con thoi mà Mỹ sử dụng để khám phá vũ trụ chính thức khép lại.
30 năm hoạt động, với tổng cộng 135 chuyến bay, chương trình đầy tham vọng này đã tiêu tốn của chính phủ Mỹ hàng trăm tỷ USD. Rất nhiều nhiệm vụ phức tạp đã được các tàu con thoi thực hiện trong suốt những năm qua, giúp người Mỹ khám phá ra nhiều bí ẩn trong khoảng không vũ trụ. Thành công có, thất bại cũng phải trải qua nhưng giờ đây các tàu con thoi huyền thoại đó đã phải dừng lại, nhường bước cho các “thế hệ mới”.
Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày thảm họa tàu con thoi Challenger xảy ra, nhưng hàng năm cứ đến ngày này, hàng trăm người dân trên khắp nước Mỹ vẫn tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida để tưởng niệm sự kiện đau buồn đã đi vào lịch sử hành trình chinh phục không gian của nước Mỹ.