Lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại ghi nhận hai thảm kịch cướp đi nhiều sinh mạng nhất là các vụ nổ tàu vũ trụ Chanllenger và Columbia của Mỹ, mỗi vụ khiến 7 nhà du hành vũ trụ thiệt mạng. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, thế giới mới biết đến một thảm họa khác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Sự cố này xảy ra vào năm 1960 ở Liên Xô và được đánh giá là thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành tên lửa.
Kỳ 1: Cuộc đua tên lửa đạn đạo
Trong thời kỳ đầu của cuộc đua chinh phục vũ trụ, chương trình vũ trụ của Mỹ và Liên Xô đều gắn chặt với các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Những phương tiện này được chế tạo để phóng các đầu đạn hạt nhân đến những mục tiêu ở khoảng cách rất xa nhưng còn phục vụ một mục đích thứ hai, đó là chế tạo thế hệ tên lửa đầu tiên phục vụ cho công cuộc khám phá vũ trụ.
Nguyên soái Nedelin (trái) và Mikhail Yangel. |
Trong thực tế, việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik và chuyến bay của nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin của Liên Xô cũng như của vệ tinh vũ trụ Explorer I và người Mỹ đầu tiên John Glenn bay vòng quanh Trái đất đều được thực hiện nhờ sử dụng các loại tên lửa đạn đạo cải tiến. Loại tên lửa mà Liên Xô sử dụng thời kỳ đầu này là R - 7, phiên bản của nó đang được sử dụng để thực hiện hầu hết các chuyến bay vào vũ trụ của Nga ngày nay.
R - 7 ban đầu được phát triển nhằm mục đích chế tạo ra một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Chương trình này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Sergei Korolev, chuyên gia chế tạo tên lửa nổi tiếng thời đó của Liên Xô. Tên lửa R - 7 tiến hành thành công nhiều chuyến bay thử nghiệm trong khoảng từ năm 1957 đến 1959, trong đó bao gồm lần phóng hai vệ tinh nhân tạo đầu tiên. Đã có bốn phiên bản của tên lửa R - 7 được chế tạo trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1968 và mẫu thiết kế cơ bản đó vẫn được sử dụng trong chương trình vũ trụ của Nga. Các phiên bản hiện đại của tên lửa R - 7 tiếp tục được sử dụng để phóng các vệ tinh, các chuyến bay có người lái của tàu vũ trụ Soyuz. Tính đến năm 2000, người ta đã phóng loại tên lửa này hơn 1.600 lần với tỉ lệ thành công đạt gần 98%.
Vệ tinh vũ trụ Sputnik trên bãi phóng. |
Tuy nhiên, một loại tên lửa khác được chế tạo bởi người phụ tá cũ của Korolev là Mikhail Yangel cũng trong giai đoạn phát triển vào cuối những năm 1950. R - 16 là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại hơn được phát triển nhằm thay thế tên lửa R - 7. Tên lửa R - 7 được coi là không thích hợp cho mục đích quân sự bởi nó cần ôxy hóa lỏng được làm lạnh để làm nhiên liệu phóng. Tuy nhiên, muốn sử dụng loại nhiên liệu này đòi hỏi phải có các hệ thống kho chứa và bơm phức tạp. Tên lửa R - 16 lại sử dụng các loại nhiên liệu dễ bảo quản; chính vì vậy R - 16 tỏ ra ưu việt hơn hẳn R - 7, với khả năng đối phó nhanh hơn rất nhiều.
Kể từ khi ban lãnh đạo Liên Xô coi tên lửa R - 16 là một ưu tiên hàng đầu, việc giám sát thực hiện dự án này được giao cho Nguyên soái pháo binh Mitrofan Nedelin, Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô (hay còn gọi là lực lượng tên lửa hạt nhân).
Dưới sự động viên của Nguyên soái Nedelin, nhóm chế tạo làm việc liên tục, không ngừng nghỉ để hoàn thành tên lửa R - 16 đầu tiên càng sớm càng tốt. Mặc dù quá trình phát triển bị ảnh hưởng bởi vô số các vấn đề kỹ thuật, nhưng nhà thiết kế hàng đầu Yangel vẫn đồng ý chuyển tên lửa đầu tiên đến bãi thử, ngày nay được biết đến dưới tên gọi Sân bay vũ trụ Baikonur, vào tháng 9/1960.
Tuy nhiên, sự cố kỹ thuật với hệ thống điều khiển tiếp tục xảy ra trong quá trình chuẩn bị cho lần phóng thử nghiệm. Bất chấp những trở ngại này, tên lửa đã được vận chuyển từ cơ sở lắp ráp đến bãi phóng ở một địa điểm được gọi là Công trường 41 vào ngày 21/10/1960.
Vào thời điểm này, việc nạp nhiên liệu cho tên lửa bắt đầu được tiến hành. Nội quy an toàn quy định rằng tất cả những người không có nhiệm vụ không được có mặt ở khu vực này trong quá trình nạp nhiên liệu, đề phòng xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, Nguyên soái Nedelin lại yêu cầu đặt một cái ghế ở bãi phóng để từ đó ông có thể giám sát công tác chuẩn bị. Ước tính có khoảng 150 nhân viên dân sự và quân nhân cũng có mặt ở vị trí đó theo lệnh của Nedelin.
Khi công tác chuẩn bị cho việc phóng tên lửa đang được tiến hành thì nhiên liệu bị rò ra ngoài ngày càng nhiều và các sự cố về điện cũng bắt đầu xuất hiện. Hôm 23/10, hàng loạt các lỗi kỹ thuật về điện xảy ra khiến cho việc bơm nhiên liệu không thể diễn ra suôn sẻ.
Khánh Chi (tổng hợp)
Kỳ 2: Sơ suất chết người