Đáng lẽ người ta phải rút hết nhiên liệu trong buồng chứa ra trước khi bắt đầu sửa chữa nhưng Nguyên soái Nedelin không đồng ý với phương án này bởi như thế thời gian phóng tên lửa sẽ bị trì hoãn ít nhất là vài giờ. Thay vào đó, ông ra lệnh cho các nhân viên tiến hành sửa chữa tên lửa trong khi nhiên liệu vẫn còn ở trong buồng chứa.
Công việc sửa chữa kéo dài sang ngày hôm sau thôi thúc Nedelin ra tận bãi phóng để “tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra”. Ngoài Nedelin và các cấp dưới của ông, Yangel và nhiều nhân vật tên tuổi khác cũng ra bãi phóng để trực tiếp thị sát công tác chuẩn bị. Sự có mặt của nhiều nhân vật quyền lực lại càng tạo ra áp lực lớn đối với các công nhân. Công tác kiểm tra và các hoạt động khác được tiến hành trong khi các quy tắc an toàn bị bỏ qua để tiết kiệm thời gian.
Tên lửa liên lục địa R-16. |
Sơ suất chết người nhất liên quan đến một thiết bị có tên là Bộ phân phối dòng điện (PTR) làm nhiệm vụ kích hoạt các hệ thống khác nhau của tên lửa. Sau một lần kiểm tra, PTR đã vô tình bị điều chỉnh sai vị trí. Sai sót này khiến các pin và ống dẫn nhiên liệu của tên lửa được kích hoạt, nghĩa là chỉ có một van đơn ngăn các động cơ tên lửa không bị khởi động sớm. Khi một nhân viên kỹ thuật vô tình cài đặt lại PTR, thiết bị an toàn cuối cùng bị gỡ bỏ. Và tất nhiên, vào giờ phút đó, không ai có thể biết rằng, một thảm họa khủng khiếp sắp sửa diễn ra.
Vào 18 giờ 45, khi khoảng 250 người đang có mặt quanh bãi phóng, động cơ tầng thứ hai của tên lửa R-16 được khởi động. Lượng khí thoát ra ngay lập tức được đẩy qua buồng chứa nhiên liệu trong tầng đầu tiên, tạo ra một vụ nổ lớn làm bắn tung axít ra khắp khu vực bãi phóng. Một số người bị chết cháy ngay tức khắc trong quả cầu lửa bao trùm toàn bộ quả tên lửa. Những người khác đón nhận cái chết một cách chậm chạp hơn bởi họ bị bỏng trong khi tìm cách thoát thân khỏi thảm họa kinh hoàng. Có những nạn nhân thoát khỏi khu vực lân cận quanh bãi phóng nhưng rồi lại bị chết ngạt bởi khói độc do nhiên liệu cháy tạo ra. Các vụ nổ lớn tiếp tục rung chuyển bãi phóng tên lửa trong khoảng 20 giây và những đám cháy kéo dài trong vòng hai giờ. Vụ nổ được cho là có thể nhìn thấy từ nơi cách xa hiện trường tới 50 km.
Một nhân chứng kể: “Lúc xảy ra vụ nổ, tôi đang ở cách bệ phóng tên lửa khoảng 30 mét. Một cột lửa khổng lồ bất ngờ bùng lên, bao trùm lên tất cả. Một số quan chức quân đội và các nhân viên đang tiến hành các bước kiểm tra cuối cùng, theo bản năng, tìm cách tháo chạy khỏi khu vực nguy hiểm, mọi người chạy sang phía bên kia của bãi phóng, về phía boongke ẩn nấp… Nhưng tuyến đường này mới được trải nhựa và nó ngay lập tức bị tan chảy. Nhiều người bị mắc kẹt trong đống nhựa nhớp nháp và trở thành nạn nhân của vụ cháy… Số phận bi thảm nhất giáng xuống đầu những người ở những tầng trên của giàn cần cẩu: họ bị lửa bao trùm và bùng cháy trông giống như những ngọn nến. Nhiệt độ ở tâm của vụ hỏa hoạn là vào khoảng 3.000 độ C. Người nào chạy được thì vừa chạy vừa cố gắng xé mớ quần áo đang bốc cháy trên người. Thế nhưng, nhiều người chưa kịp làm điều này thì đã ngã xuống”.
Các nạn nhân tìm cách thoát khỏi thảm họa kinh hoàng. |
“Các máy ảnh tự động được kích hoạt cùng với các động cơ và chúng ghi lại cảnh tượng xảy ra. Những người trên giàn giáo chạy tán loạn trong quầng lửa và khói; nhiều người liều lĩnh nhảy xuống và biến mất trong biển lửa. Một người đàn ông may mắn thoát khỏi đám cháy nhưng lại bị vướng vào hàng rào thép gai bao quanh bãi phóng. Chốc lát sau, anh cũng rơi vào trong biển lửa”.
“Một cột lửa bùng lên phía trên bệ phóng. Bàng hoàng. Chúng tôi chứng kiến ngọn lửa bùng đi bùng lại và những tiếng nổ…, cho đến khi mọi thứ im lặng hoàn toàn”.
Yangel và một vài quan chức cấp cao khác may mắn thoát nạn bởi trước khi xảy ra vụ nổ vài phút họ đã vào một boongke để nghỉ giải lao. Nhiều người khác, trong đó có những nhà khoa học hàng đầu của chương trình vũ trụ của Liên Xô, đã không được may mắn như thế. Trong những người thiệt mạng có Nguyên soái Mitrofan Nedelin, nhà chế tạo đầu ngành hệ thống điều khiển tên lửa R-16 Boris Konoplev, Phó Chủ tịch Ủy ban công nghệ quốc phòng Lev Grishin, Chỉ huy trưởng sân bay vũ trụ Baikonur Đại tá A. Nosov…
Vụ nổ tên lửa này được đặt tên là “thảm họa Nedelin”, theo tên của Nguyên soái Mitrofan Nedelin, Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô, người liên quan chặt chẽ tới chương trình phát triển tên lửa R-16 cũng như thảm họa kinh hoàng này.
Khánh Chi
Đón đọc kỳ cuối: Sự thật đằng sau vụ nổ