Tạp chí Dabiq - Vũ khí của khủng bố

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện có một bộ máy tuyên truyền gây ảnh hưởng sâu rộng, một trong số các công cụ là tạp chí Dabiq.

Với thiết kế đồ họa ấn tượng, trang bìa bắt mắt, các bài viết chi tiết về chiến dịch khủng bố của IS bằng tiếng Anh và một vài ngôn ngữ khác, tạp chí Dabiq khiến những người có xu hướng cực đoan bị mê hoặc, dễ sa vào mồi nhử của IS.

Lớp vỏ hào nhoáng

Dabiq được đặt theo tên một thị trấn nhỏ ở Syria, nơi IS cho rằng sẽ diễn ra trận chiến sinh tử cuối cùng trước khi thế giới diệt vong theo lời tiên tri của Hồi giáo. Tạp chí này do al - Hayat, một trong các trung tâm truyền thông của IS được đặt tại Syria và Iraq, lập ra. Thông qua al - Hayat, IS đã xuất bản hơn một chục số tạp chí Dabiq từ tháng 7/2014. Mặc dù thiết kế bên ngoài của tạp chí này ngày càng trở nên hiện đại và bắt mắt hơn, nhưng nội dung và giọng điệu sặc mùi bạo lực, chết chóc vẫn được giữ nguyên.

Chân dung các kẻ thực hiện tấn công khủng bố ở Paris trên một số của tạp chí Dabiq.

Mỗi số của Dabiq có độ dài khoảng 50 - 60 trang, chủ yếu đăng các nội dung như các luật lệ Hồi giáo cực đoan, lý lịch các tay súng và tin tức chiến trường được xuyên tạc, bóp méo sao cho có lợi cho IS. Xét về một góc độ, Dabiq không khác gì một tạp chí dành cho người hâm mộ đội tuyển thể thao nào đó. Tạp chí có các bài viết ca ngợi mọi đặc điểm của tổ chức trong khi thúc đẩy bản sắc chung. Một trong số các dấu hiệu nhận biết của Dabiq là các hình ảnh được chỉnh sửa, lắp ghép rất kỹ lưỡng, từ hình ảnh lá cờ đen của IS trên Tòa thánh Vatican đến các hình ảnh đồ họa như poster phim có in hình những tên khủng bố đứng sau vụ tấn công hàng loạt ở Paris (Pháp) hồi năm ngoái.

Mỗi khi đăng các thông tin kích động, Dabiq thường bị báo chí phương Tây chỉ trích gay gắt. Trường hợp điển hình là khi một số của Dabiq sử dụng hình ảnh Alan Kurdi, cậu bé Syria 3 tuổi chết đuối khi cùng gia đình vượt biển tới Hy Lạp, nhằm can ngăn người tị nạn rời khỏi vùng đất do IS kiểm soát, hay như khi Dabiq đăng các poster in hình hai trong số các con tin nước ngoài bị bắt cóc để đòi tiền chuộc.

Theo Tiến sĩ Haroro Ingram, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, đây là một phần của cái gọi là “chiến lược thả câu” của IS, nhằm kích động thế giới bên ngoài phản ứng. Ngoài việc kích động bạo lực, Dabiq cũng thường đăng các hình ảnh cho thấy cuộc sống “tươi đẹp” như thế nào dưới sự cai trị của IS nhằm dụ dỗ các tay súng khắp nơi đến đầu quân cho IS.

Nhiệm vụ kép

Việc các nhóm tay súng lập ra các tạp chí tiếng Anh nhằm mục đích tuyên truyền không phải là ý tưởng mới mẻ. Tại Afghanistan, các phần tử cực đoan đã xuất bản một loạt ấn phẩm từ những năm 1980, trong đó có nguyệt san The Mujahideen và tạp chí In Fight của Taliban.

Tạp chí Dabiq có thiết kế đồ họa giống các tạp chí hiện đại.

Dabiq có nhiều đặc điểm tương tự như tạp chí Inspire của al - Qaeda được xuất bản lần đầu từ năm 2010. Cả hai tạp chí này có phong cách thiết kế rất giống nhau, với các hình ảnh cách điệu các tay súng cùng các hình minh họa tán dương sự nghiệp của các kẻ khủng bố hoặc lên án kẻ thù.

Dabiq còn sao chép một vài chuyên mục của tạp chí Inspire, trong đó trích dẫn lại các bài báo và phát biểu của truyền thông và chính khách phương Tây để mỉa mai họ. Trong tạp chí Dabiq, chuyên mục này được gọi là “Những lời lẽ của kẻ thù”, bao gồm trích dẫn các phát biểu của các chính khách và các bài xã luận như trên tờ New York Times.

Tuy vậy, không giống như Inspire hay các ấn phẩm cực đoan khác, Dabiq gần như không đăng tên tác giả cụ thể, ngoại trừ một số trường hợp như các bài bình luận của nhà báo người Anh bị bắt cóc John Cantlie. Trong các bài viết xã luận còn lại trên Dabiq, giọng điệu các bài thường không thay đổi, thể hiện tư tưởng của cả IS chứ không phải là các tác giả cá nhân.
Theo Tiến sĩ Ingram, ngoại các lý do an ninh cho các biên tập viên tạp chí, IS có lý do chiến lược để giữ kín tên tác giả. Khi không công khai tên tác giả bài viết và sử dụng nhiều trích dẫn từ kinh Koran, Dabiq đang tìm cách thể hiện rằng IS là một chính quyền tôn giáo hợp pháp.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Dabiq và các tạp chí khác, theo ông Ingram, đó là tạp chí này có sức hút trong dụ dỗ các thanh niên Hồi giáo bất mãn. Một mặt, tạp chí đã vẽ ra được viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp dưới sự kiểm soát của IS và rằng các nước phương Tây đã không thể bảo vệ và chu cấp cho người dân. Mặc khác, Dabiq cũng làm tốt nhiệm vụ dụ dỗ nam thanh niên Hồi giáo dòng Sunni sống ở phương Tây ủng hộ IS. Tạp chí đã tiêm nhiễm tư tưởng bất mãn, thù hận với những đối tượng này để họ tự mình thực hiện các cuộc tấn công ở nhiều nơi khác trên thế giới chống lại các “kẻ bội giáo”.

Ông Ingram khẳng định: “Dabiq đã thực hiện quá hoàn hảo nhiệm vụ kép”. Mặc dù Dabiq chỉ là một công cụ nhỏ trong bộ máy tuyên truyền khổng lồ của IS, nhưng nó đã khiến phương Tây phải chú ý và không thể coi thường.
Bích Hạnh
Nước Pháp, nơi dung dưỡng "Nhà nước Hồi giáo"
Nước Pháp, nơi dung dưỡng "Nhà nước Hồi giáo"

Báo Pháp Le Monde số ra mới đây đăng bài viết có tiêu đề: "Nước Pháp, mục tiêu chính đồng thời là nơi dung dưỡng Nhà nước Hồi giáo".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN