Nước Pháp, nơi dung dưỡng "Nhà nước Hồi giáo"

Báo Pháp Le Monde số ra mới đây đăng bài viết có tiêu đề: "Nước Pháp, mục tiêu chính đồng thời là nơi dung dưỡng Nhà nước Hồi giáo".

Theo bài báo, kể từ khi "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tuyên bố thành lập ngày 29/6/2014, cùng với Mỹ, Pháp xuất hiện như là mục tiêu chính cho công cuộc tuyên truyền thánh chiến với những lời kêu gọi bằng nhiều hình thức nhằm thực hiện các vụ giết người, đặc biệt là việc tuyển mộ chiến binh cho một cuộc chiến lâu dài nhằm mở rộng lãnh thổ.

Các nhóm Hồi giáo chiếm được xe tăng của quân đội Syria. Ảnh: Le Monde


Tổ chức khủng bố IS quan tâm đến Pháp vì nhiều lý do: Pháp là nước có cộng đồng Hồi giáo đông nhất ở châu Âu; Pháp nằm rất gần những vùng chiến sự khốc liệt của Syria; Pháp có một sức hút cao vì quá khứ đi chiếm đóng thuộc địa của mình, vì các can thiệp quân sự được cho là thù địch với người Hồi giáo và việc Pháp đang thực hành chủ nghĩa thế tục. Chính vì vậy, Pháp là một mục tiêu tiềm tàng cho các cuộc tấn công đồng thời cũng là nơi cung cấp nguồn chiến binh cho "Nhà nước Hồi giáo".

Những "ứng viên" tham gia thánh chiến được tuyên truyền thông qua ba kênh: mạng xã hội, các tạp chí trực tuyến và các băng hình. Twitter là phương tiện tuyên truyền chính của IS với hàng chục ngàn tài khoản đăng tải thông tin thu hút người dùng Internet. Theo một nghiên cứu được công bố trong tháng Ba vừa qua của Viện Brookings, Pháp là ngôn ngữ được sử dụng đứng thứ ba với 6% số lượng tài khoản được sử dụng để tuyên truyền về thánh chiến, sau tiếng Anh (18%) và tiếng Arập (73%).  

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/7 tuyên bố cảnh sát Pháp vừa chặn đứng một số vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AFP/TTXVN


"Hành trình đến với cái chết"  

Trong một bài báo khác, báo Le Monde trích dẫn phát ngôn gây sốc của trùm khủng bố Osama bin Laden trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN bốn năm trước khi xảy ra các cuộc tấn công ngày 11/9/2001: "Chúng tôi yêu cái chết như các bạn yêu cuộc sống. Các chiến binh tử vì đạo vừa là công cụ đồng thời cũng là tương lai của học thuyết thánh chiến".
 
Hai thập kỷ sau đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) – "phiên bản mới" đồng thời cũng là đối thủ chính của al-Qaeda, đã mở rộng tham vọng ác quỷ của mình với các thông điệp không chỉ dành cho những chiến binh tiến hành các vụ đánh bom tự sát mà dành cho tất cả những ai chiến đấu cho "Caliphate" - "đế chế Hồi giáo"đang kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria.  

Trong các chiến dịch tuyển mộ phần tử thánh chiến, IS giới thiệu "Caliphate" như là nơi cứu rỗi những người "Hồi giáo thực sự" trong cuộc chiến cuối cùng chống lại cái ác. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp cập nhật đến cuối tháng Bảy vừa qua, kể từ khi cuộc xung đột tại Syria bắt đầu vào tháng 3/2011, 910 người Pháp bị quyến rũ bởi những phát ngôn có tính mê hoặc của IS đã đến quốc gia này để tham gia thánh chiến. 494 người Pháp đang có mặt tại Syria, 126 đã chết.

Tỷ lệ các chiến binh người Pháp chết tại Syria đã tăng lên đột biến trong những tháng gần đây. Tính từ tháng 7/2014 đến nay, số người Pháp đến Syria tăng 44%, nhưng số người chết đã tăng lên 280%. Hơn 50 Pháp thiệt mạng kể từ đầu năm đến nay tại Syria, trung bình 7 người chết/tháng, con số này bằng cả năm 2014. Theo Bộ Nội vụ Pháp, con số này cho thấy hành trình tới Syria là "hành trình đến với cái chết".  

Bên cạnh việc trúng bom của các đợt không kích do Liên minh quốc tế chống IS thực hiện, các chiến binh người Pháp còn bỏ mạng trong các cuộc giao tranh chống lại quân nổi dậy Syria, lực lượng Hồi giáo Jabhat Al – Nusra và trong cuộc chiến chống lại người Kurd nhằm kiểm soát thành phố Kobané. Tuy nhiên, điều làm các nhà chức trách Pháp lo ngại nhất là sự tham gia ngày càng nhiều của các phần tử thánh chiến người Pháp vào các vụ tấn công tự sát. Trong số 11 vụ tấn công tự sát được thực hiện bởi người Pháp từ trước đến nay thì 8 vụ diễn ra trong năm 2015. Hơn một nửa số vụ được thực hiện bởi những người Pháp cải sang đạo Hồi.

Pierre C., 19 tuổi, rời bỏ ngôi nhà của mình tại tỉnh Haute-Saône, vùng Franche-Comté, phía Đông nước Pháp để sang Syria vào tháng 10/2013. Khi ra đi, cậu ta để lại bức thư cho cha mẹ: "Bố, mẹ, con ra đi để giúp đỡ người dân Syria. Bố mẹ đừng lo lắng, con sẽ thông tin cho Bố mẹ bất kỳ khi nào con có thể". Dưới cái tên mới là Abu Talha Al - Faransi, chàng trai này đã cho nổ tung thân mình vào tháng 2 vừa qua tại một căn cứ quân sự ở Tikrit, Iraq. 

Báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp cũng cho biết bên cạnh con số gần 500 người Pháp vẫn ở lại Syria, 290 người muốn quay về trong đó 223 đã trở về Pháp. Như vậy, nước Pháp có tổng cộng khoảng 800 công dân trong đó nhiều người đã chứng kiến những cảnh man rợ hoặc thậm chí đã gây tội ác, một ngày nào đó sẽ lại có mặt trên đất Pháp. Vấn đề đặt ra là phải giám sát những người này hoặc hỗ trợ họ về tâm lý. Mặc dù chỉ có một số rất ít là có ý nghĩ muốn thực hiện các cuộc tấn công trên đất Pháp, phần đông là nạn nhân của hội chứng rối loạn tâm lý sau những chấn thương tinh thần, nhưng những đối tượng này thực sự là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với chính họ và môi trường xung quanh.

100 quốc gia có liên quan đến IS  


Liên quan đến số lượng các quốc gia có công dân tham gia thánh chiến, có thể nói mọi sự so sánh trên phạm vi quốc tế đều có những hạn chế do mỗi cơ quan tình báo là có cách tính toán riêng và đưa ra những con số mang tính tương đối. Theo một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 5, khoảng một trăm quốc gia, tức là một nửa số quốc gia trên trái đất có công dân tham gia đội quân thánh chiến gồm 25.000 chiến binh nước ngoài tại các vùng đất rộng lớn trên lãnh thổ Iraq-Syria.

Cùng với Nga, Marốc và Tunisia, Pháp là một trong số ít các quốc gia tuy không biên giới chung với Syria hay Iraq nhưng có số người tham gia lên đến gần ngàn người kể từ đầu cuộc xung đột. Pháp cũng là nước đứng đầu châu Âu về số người tham gia thánh chiến. Các chuyên gia tin rằng nếu không có đội quân chiến binh nước ngoài này, lực lượng của IS có thể đã bị đánh bại và tan rã.

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Tình báo Mỹ: IS không hề bị suy yếu
Tình báo Mỹ: IS không hề bị suy yếu

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng mặc dù bị mất hàng tỷ USD và hơn 10.000 tay súng cực đoan nhưng về cơ bản, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng không hề bị suy yếu so với thời điểm diễn ra chiến dịch đánh bom do Mỹ cầm đầu nhằm vào tổ chức này cách đây một năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN