'Sở thú người' - Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc - Kỳ cuối

Người châu Âu có thể thích sở thú người. Nhưng đối với những người bị buộc phải làm việc trong sở thú, cuộc sống đó vô cùng tồi tệ, chưa kể còn nguy hiểm.

Kỳ cuối: Cuộc sống của những người bị trưng bày

Cuộc đời của Theodor Wonja Michael là một ví dụ. Theodor là một nam diễn viên trong thời kỳ Đức Quốc xã, một người sống sót sau thời gian ở trại tập trung và từng làm điệp viên trong Chiến tranh Lạnh.

Chú thích ảnh
Ông Theodor Wonja Michael. Ảnh: DW

Nhưng khi còn nhỏ, ông bị buộc phải làm việc trong một cuộc triển lãm, phải mặc một chiếc váy raffia và giả làm một cậu bé châu Phi hoang dã. Cha ông nhập cư từ Cameroon và công việc được trả lương kha khá duy nhất mà ông có thể tìm được là làm việc trong sở thú người.

Khi Theodor mới được một tuổi, mẹ ông qua đời. Tòa án ra phán quyết rằng cha ông không có khả năng chăm sóc bốn đứa con. Gia đình sau đó ly tán, mỗi đứa trẻ làm việc cho một sở thú người khác nhau.

Đối với Theodor, điều đó thật kinh khủng. Ông không chỉ bị buộc phải rời khỏi gia đình mà còn hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn bất chợt của người chủ sở thú.

Sở thú người là một môi trường áp bức khủng khiếp. Mọi người xô đẩy chen lấn trước những hàng rào cản ngăn cách tại các cuộc triển lãm. Họ chế nhạo và la ó những người biểu diễn. Họ không ngần ngại tỏ ra bất bình khi không đạt được điều mình mong muốn.

Vào tháng 11/1881, tại một cuộc triển lãm ở Berlin, một đám đông không có cơ hội nhìn thấy người thổ dân vì họ đã trốn bên trong lều.

Quá tức giận, đám đông đã tiến vào khu vực người thổ dân và phá hủy hàng rào để nhìn thấy các đối tượng của cuộc triển lãm. Đối với những người bị mắc kẹt bên trong khu triển lãm, phản ứng của đám đông khiến họ thấy rất sợ.

Trong thực tế, nhiều người thổ dân bị dụ dỗ đến châu Âu với những lời hứa hão huyền và họ đã nhận ra quá muộn sai lầm nghiêm trọng mà họ đã mắc phải khi tin vào những doanh nhân hám lợi nhuận.

Có một nhóm 8 người Inuit được đưa vào một cuộc triển lãm ở Berlin. Họ cho biết: “Xung quanh liên tục có tiếng ồn do người đi bộ và lái xe”. Nhóm 8 người Inuit đặc biệt này chỉ phải chịu đựng vài tháng cho tới khi từng người một chết vì bệnh đậu mùa.

Những tiếng nói phản đối đầu tiên

Chú thích ảnh
Các thành viên của bộ tộc Bambuti. Ảnh: Dailymail

Theo The New York Times, mặc dù rất ít người bày tỏ phản đối rõ ràng về việc nhìn thấy một con người bị nhốt trong lồng với khỉ nhưng tranh cãi đã nổ ra khi các giáo sĩ da đen trong thành phố New York tỏ ra vô cùng tức giận. Đức cha James H. Gordon, Giám đốc Trại tị nạn Trẻ mồ côi Da màu Howard ở Brooklyn cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chủng tộc của chúng tôi đã đủ gây buồn phiền rồi, chứ không cần tới việc trưng bày một người trong số chúng tôi cùng với loài khỉ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi xứng đáng được coi là con người, có tâm hồn”.

Thị trưởng thành phố New York George B. McClellan Jr. từ chối gặp Giáo sĩ Gordon, trong khi khen ngợi giám đốc sở thú Bronx là ông William Hornaday. Ông Hornaday từng cho trưng bày người Benga cùng với khỉ. Ông này viết cho Thị trưởng New York: “Khi viết về lịch sử của Công viên Động vật học, sự kiện này sẽ là đoạn thú vị nhất”.

Khi cuộc tranh cãi về sở thú người tiếp tục, ông Hornaday vẫn không hối lỗi, nhấn mạnh rằng ý định duy nhất của ông là tổ chức một cuộc triển lãm dân tộc học. Trong một lá thư khác, ông nói rằng nhất định xã hội không được để các giáo sĩ da đen ra lệnh.

Năm 1903 chứng kiến một trong những cuộc biểu tình rộng rãi đầu tiên phản đối sở thú người tại triển lãm Human Pavilion ở Osaka, Nhật Bản. Cuộc triển lãm về người Hàn Quốc và người Okinawa trong những ngôi nhà "nguyên thủy" đã khiến chính quyền Hàn Quốc và Okinawa phản đối.

Một giáo viên người Ainu đã bị ép phải trưng bày bản thân trong sở thú để quyên tiền xây dựng trường học của mình vì chính phủ Nhật Bản từ chối trả tiền. Sự kiện này đã bị lên án và gọi việc trưng bày con người là những cảnh tượng là vô nhân đạo.

Dấu chấm hết của sở thú người

Chú thích ảnh
Người châu Phi tạo dáng chụp ảnh trong chương trình Nam Phi Hoang dã. Ảnh: Dailymail

Sở thú người có vẻ giống như một tàn tích của quá khứ, nhưng thời đại bóc lột chủng tộc chưa bao giờ thực sự kết thúc.

Nhiều sở thú người đóng cửa sau Thế chiến thứ nhất. Điều này một phần là do những người sống sót đã bắt đầu hòa nhập với xã hội và không ai có thể buộc họ phải làm việc trong điều kiện khốn khổ như vậy nữa. Nhưng các Hội chợ Thế giới và sở thú vẫn tiếp tục đưa con người vào triển lãm trong nhiều thập kỷ nữa.

Năm 1958, Hội chợ Thế giới Brussels tái hiện một ngôi làng Congo, nơi đàn ông và phụ nữ phải mặc trang phục truyền thống và thực hiện các công việc liên quan nghề thủ công trước đám đông người xem. Nếu du khách không hài lòng với màn trình diễn, người ta sẽ la hét và ném chuối hoặc tiền vào họ.

Thậm chí gần đây nhất là vào năm 2005 tại Augsburg (Đức), một lễ kỷ niệm văn hóa châu Phi được gọi là lễ hội “Làng châu Phi” đã diễn ra ở trung tâm sở thú của thành phố.

Mặc dù người tổ chức sự kiện thấy không có gì sai khi tổ chức lễ hội bên cạnh chuồng khỉ, nhưng nhiều người khác đã cảm thấy khó chịu. Một số người bức xúc đến mức còn dọa đốt sở thú.

Mặc dù thời kỳ nhốt con người vào lồng để giải trí ở nơi công cộng có thể đã kết thúc nhưng rõ ràng lịch sử sở thú người đã để lại một vết sẹo sâu có thể không bao giờ lành hẳn.

Xem lại kỳ 1 tại đây.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Historydefined/Dailymail)
'Sở thú người' - Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc - Kỳ 1
'Sở thú người' - Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc - Kỳ 1

Trong thời kỳ mà chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ ở hầu hết các nơi trên thế giới, các “sở thú người” vẫn là điểm đến thu hút hàng triệu người châu Âu và Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN