Pháp đã ứng xử thế nào trước thất bại tại Điện Biên Phủ?

Dựng lên một huyền thoại về “lòng quả cảm” và “sự hy sinh cao cả” của những người lính Pháp trước quân đội nhân dân Việt Nam để “bảo vệ tự do và danh dự nước Pháp” trong những trận đánh cực kỳ dũng cảm, bi thương và hùng tráng là cách mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Pháp đã làm để ứng xử với công luận trong nước sau thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ năm 1954.

 

Tiến sĩ Pierre Journoud (người ngồi giữa) tại một hội thảo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được tổ chức tại Paris vào tháng 11/2013.

 

Phóng viên TTXVN tại Pháp xin giới thiệu tóm lược quan điểm của tiến sĩ sử học Pierre Journoud trong một bài viết có nhan đề “Điện Biên Phủ: sự ra đời và số phận của một huyền thoại anh hùng” đăng trên tạp chí “Lịch sử và Văn học Tây Bắc Âu”. Ông Journoud là chuyên gia về Việt Nam của Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp, đồng thời là Phó Giáo sư tại Đại học Paris I.


Ngụy biện nhằm vớt vát danh dự


Theo tiến sỹ Pierre Journoud, khi nước Pháp nhận thức được rằng cuộc chiến tại Điện Biên Phủ sớm muộn sẽ trở thành thảm họa, giới chính trị và quân sự lúc bấy giờ đã làm tất cả mọi cách để giảm bớt mức độ nghiêm trọng. Họ tìm đến những bài học đạo đức về chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh dũng cảm nhằm biến một “thất bại thảm hại” thành một “thất bại vinh quang”.


Giới lãnh đạo Pháp thông qua báo chí, đã cố gắng nặn ra một thứ “chủ nghĩa anh hùng” của những người lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, tung hô họ là những người đã “chiến đấu cho vinh quang của nước Pháp” và kể cả khi họ thất bại thì cũng là một “thất bại trong vinh quang”.


Một số cá nhân như tướng De Castries, Bigeard, Langlais, hay bác sĩ Pau - Henri Grauwin và nữ y tá Genevière de Galard cứu chữa cho các thương bệnh binh tại Điện Biên Phủ đã được tôn vinh như những anh hùng của nước Pháp. Họ được độc quyền phát biểu với báo giới, với một sứ mạng duy nhất là không làm sứt mẻ hình ảnh người lính tại Điện Biên Phủ. Việc giới lãnh đạo chính trị và quân sự dường như có sự giao kèo ngầm với báo giới đã tước đi cơ hội được phát biểu, bày tỏ cảm xúc và ký ức thực của hàng nghìn người lính vô danh khác của nước Pháp chính quốc hoặc trong khối Liên hiệp Pháp lúc bấy giờ.


Tiến sĩ Pierre Journoud cho rằng quá trình tạo ra thứ huyền thoại đó được tiến hành đồng thời tại Hà Nội khi các tướng lĩnh quân sự nhận thấy thất bại là điều không tránh khỏi, và tại Paris do sự xúc động của người dân khi đọc những dòng tin mô tả sự chống trả quyết liệt và tuyệt vọng của những người lính Pháp tinh nhuệ nhất dưới quyền tướng De Castries.


Giới lãnh đạo quân sự Pháp dường như đã nhận thức được rằng số phận của đội quân viễn chinh đã được định đoạt ngay từ cuối tháng 3/1954 sau khi con đường tiếp tế bằng hàng không bị phá hủy. Chính vì vậy, một mặt họ ra sức chuẩn bị cho các cuộc thương lượng tại Geneva, mặt khác họ động viên tướng De Castries ráng cầm cự, càng lâu càng tốt, đồng thời đề cao các giá trị truyền thống như tinh thần quả cảm và sự bảo vệ danh dự của người lính nhằm khích lệ những người lính trên chiến trường.


Việc tin tức và hình ảnh về trận chiến Điện Biên Phủ gây xúc động xuất hiện ngày một dồn dập trên báo chí Pháp là sự tương phản với sự thờ ơ bấy lâu của người Pháp đối với chiến trường Đông Dương. Trên thực tế, cuộc chiến tranh ở Việt Nam chưa bao giờ là ưu tiên của nước Pháp. Nước Pháp vào những năm 1946 - 1954 có quá nhiều mối bận tâm đối với một loạt vấn đề như quá trình tái thiết sau chiến tranh, các cuộc chiến tranh tại Bắc Phi, sự chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra chống lại Liên Xô...


Vào ngày Điện Biên Phủ thất thủ, báo chí Pháp đã không tiếc lời ca ngợi và suy tôn anh hùng những người lính trên chiến trường. Báo France - Soir ngày 8/5/1954 viết: “Xung quanh tướng De Castries là 15.000 binh sĩ, những người đã viết bằng máu của mình trang sử vinh quang”. Tạp chí Paris - Match (số ra từ 8 - 15/5/1954) viết: “Họ chiến đấu anh dũng đến giờ tận phút cuối cùng, họ ngã xuống mà không hề kéo cờ trắng”. Báo Aurore ngày 8/5/1954 viết: “Nước Pháp tự hào về những người anh hùng”. Báo France - Soir ngày 9/5/1954 còn gọi cuộc chiến Điện Biên Phủ là “Bản anh hùng ca”.


Chính cách thông tin có chủ ý của giới lãnh đạo đã dẫn đến nhận thức sai lệch về những “sứ mệnh cao cả” của những người lính Pháp, khiến những người Pháp ngây thơ và thiếu thông tin quên đi việc đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của họ đã bị lợi dụng nhằm che đậy sai lầm của chính giới.

 

(Còn tiếp)


Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

“Chiến thắng Điện Biên Phủ” thời kỳ đổi mới
“Chiến thắng Điện Biên Phủ” thời kỳ đổi mới

Đến với Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 lịch sử. Chiến trường xưa nay đã trở thành một thành phố năng động, trẻ trung, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cả vùng Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN