Tinh thần Điện Biên Phủ trong lòng nhân dân Cuba - Kỳ 1: Niềm tin đánh bại thế lực thù địch

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử nhân loại như một trang chói lọi, làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới. Đặc biệt đối với Cuba, tinh thần của Điện Biên Phủ được nhìn nhận một cách rất cụ thể, nhất là trong những năm tháng sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Báo Tin Tức xin trích giới thiệu bài nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Mão (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ trong nhận thức của nhân dân Cuba” về tinh thần bách chiến, bách thắng của Điện Biên Phủ đã được Cuba phát huy ở những góc độ khác nhau.

 

Kỳ 1: Niềm tin đánh bại thế lực thù địch

 

Cách mạng giải phóng dân tộc Cuba diễn ra từ năm 1953 và giành được thắng lợi vào ngày 1/1/1959. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm ngọn cờ tư tưởng, một trường hợp điển hình ở khu vực Mỹ Latinh, đang đứng trước những thử thách vô cùng lớn lao.


Thắng lợi của cách mạng Cuba và con đường phát triển của nó theo xu hướng xã hội chủ nghĩa là niềm cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn khu vực Mỹ Latinh, nơi được mệnh danh là “khu vườn cấm”, “thiên đường đầu tư” của Mỹ. Cách mạng Cuba đã phá vỡ mắt xích của chủ nghĩa thực dân mới ở lục địa Mỹ Latinh, “làm xuất hiện một quốc gia xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở châu Mỹ, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đồng thời mở ra giai đoạn mới của phong trào cách mạng ở đây”.


Các thành viên ban lãnh đạo du kích quân Cuba tại căn cứ trong rừng sâu. Ảnh chụp tháng 6/1957.


Điều đáng lo ngại của Mỹ là cách mạng Cuba sẽ trở thành tiền lệ và ảnh hưởng trực tiếp đến địa vị và quyền lợi của Mỹ đã từng tồn tại hơn nửa thế kỷ ở khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ. Báo New York Times mùa xuân năm 1961 đã viết: “Mối tai họa còn lại cho Mỹ và các nước Mỹ Latinh không phải là Cuba mà là khả năng thực hiện các cuộc cách mạng khác”.


Tuy là nước nhỏ với diện tích chỉ bằng 1/3 diện tích của Việt Nam và dân số chỉ khoảng 7 triệu người khi cách mạng thành công, nhưng lại nằm ở vị trí quan trọng trong vùng biển Caribê, chỉ cách nước Mỹ chừng 90 hải lý, Cuba đã trở thành vật cản lớn trong chiến lược khu vực của cường quốc phương Bắc này. Việc loại bỏ những thành quả cách mạng Cuba, lấy lại uy tín và những gì Mỹ đã mất, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực là mục tiêu hàng đầu của Mỹ ở lục địa Mỹ Latinh. Tổng thống Mỹ Kennedy đã công khai tuyên bố trên tờ New York Times ngày 21/4/1961: “Cuba không được rơi vào tay cộng sản. Và chúng ta không có ý định vứt bỏ nước này… Nếu các nước ở lục địa này không chịu tham gia vào cuộc chiến đấu chống sự xâm nhập của chủ nghĩa cộng sản từ bên ngoài, thì chính phủ chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ hàng đầu đó một cách không do dự”.


Chủ tịch Fidel Castro diễn thuyết sau chiến thắng của cuộc cách mạng Cuba vào ngày đầu năm mới 1959.


Bằng mọi biện pháp, cô lập về kinh tế, gây mất ổn định về chính trị, phong tỏa ráo riết về ngoại giao, nhất là tấn công quân sự, Mỹ hòng tiêu diệt nhà nước cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Tây bán cầu. Theo thông báo của chính phủ Cuba, chỉ tính từ tháng 10/1962 cho tới năm 1964, Mỹ đã thực hiện gần 2.000 vụ khiêu khích, từ việc dùng căn cứ quân sự ở Guantanamo bắn và uy hiếp lãnh thổ Cuba, cho đến việc sử dụng các tổ chức phản cách mạng như nhóm “Alfa”, “Mặt trận dân tộc thứ II Excămbrây”… nhằm lật đổ Chính phủ cách mạng Cuba. Mỹ còn tiến hành xây dựng trên lãnh thổ các nước trong khu vực như Goatêmala, Nicaragoa…, các hệ thống sân bay, cơ sở quân sự bao quanh Cuba, viện trợ tài chính cho các nhóm phản cách mạng Cuba.


Hơn thế nữa, máy bay Mỹ từ Miami, Florida đã nhiều lần xâm nhập, đốt phá các cánh đồng mía Cuba nhằm phá hoại việc sản xuất đường, sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế Cuba. Nghiêm trọng hơn, tháng 4/1961, máy bay Mỹ ngụy trang bằng dấu hiệu của lực lượng vũ trang cách mạng ném bom ở nhiều nơi trên lãnh thổ Cuba và dùng trên 1.000 lính đánh thuê, chủ yếu là người Cuba, con em của các đại điền chủ, đại tư sản Cuba theo Mỹ và được Mỹ huấn luyện, đổ bộ lên bãi biển Hirôn và Bãi Dài thuộc vịnh Con Lợn, bờ biển phía tây nam La Habana.


Vì vậy khi đến với Việt Nam, Cuba đã tìm thấy sức mạnh tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ trong việc bảo vệ những thành quả của cách mạng và vững bước trên con đường của chủ nghĩa xã hội. “Trong lúc mặt trận Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt trên đất nước các bạn thì nhà lãnh đạo cách mạng của nước Cuba chúng tôi cùng với vài trăm người yêu nước đã đoàn kết được xung quanh mình toàn thể nhân dân Cuba để chiến đấu chống lại lực lượng hiếu chiến phản động đang bị các bạn đánh bại. Thắng lợi của các bạn đã chứng tỏ hùng hồn rằng, bất kỳ một dân tộc nhỏ bé nào, nếu đoàn kết kiên quyết đấu tranh cho tự do với một tương lai tươi sáng, đều có thể đánh bại được đế quốc”.


Đó chính là niềm tin và hy vọng của nhân dân Cuba trong sự nghiệp bảo vệ đất nước trước sự tấn công của kẻ thù bên ngoài.


Đón đọc kỳ tới: Kinh nghiệm về chiến tranh nhân dân

Tinh thần Điện Biên Phủ trong lòng nhân dân Cuba: Kỳ cuối: Phát huy tinh thần
Tinh thần Điện Biên Phủ trong lòng nhân dân Cuba: Kỳ cuối: Phát huy tinh thần

Ở Cuba, nhân dân đã phát huy tinh thần Điện Biên Phủ để tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và phát động phong trào thi đua sản xuất trong nước với nhiều hình thức sáng tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN