Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ cuối: Hậu quả

Kết thúc Chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ và liên quân thắng, Iraq thua là rõ ràng. Nhưng đó là một thắng lợi có nhiều hạn chế, không đạt được toàn bộ mục tiêu trực tiếp của cuộc chiến, không tương xứng với nỗ lực và quy mô huy động lực lượng.


Hạn chế của Mỹ


Trong cuộc chiến này, Mỹ đã gặp nhiều hạn chế mà trước hết là về chính trị. Ngay từ đầu, sự ủng hộ của nước Mỹ đối với Chiến tranh Vùng Vịnh là rất có hạn. Thực tế là chính quyền Bush đã làm đủ mọi cách hòng tranh thủ “sự ủng hộ hoàn toàn” ở trong nước nhưng đã không đạt được ý muốn và ngay trong nội bộ chính giới Mỹ cũng có những bất đồng khá lớn.


Tên lửa Scud của Iraq đánh trúng một căn cứ của Mỹ khiến 28 binh sỹ thiệt mạng.


Ngoài ra, trong cuộc chiến tranh này có những mâu thuẫn không kém phần gay gắt giữa Mỹ và các nước khác trong liên quân như Pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha... Bộ trưởng quốc phòng Pháp, Tư lệnh hải quân Italy từ chức vì bất đồng về mục tiêu chiến tranh. Hơn 100 nghị sỹ quốc hội châu Âu ký tên đòi “chấm dứt ngay lập tức chiến tranh”.


Về mặt quân sự, công bằng mà nói, Mỹ đã giải quyết tương đối thành công một số vấn đề như tổ chức đảm bảo hậu cần, cơ động lực lượng đường dài, sử dụng mạng vệ tinh phục vụ hoạt động tác chiến trên bộ... Nhưng đồng thời Mỹ đã bộc lộ ra khá nhiều sai lầm và nhược điểm về chỉ đạo chiến lược.
Sai lầm thứ nhất: Mỹ không biết rõ đối phương nhưng vẫn phát động chiến tranh. Theo các tài liệu đã công bố trên báo chí, Mỹ coi Iraq là “cường quốc quân sự thứ 4 trên thế giới”, và Iraq còn mạnh hơn cả Đức, Pháp, Anh, Italy, Pakistan. Mỹ chuẩn bị “hết sức chu đáo” cho cuộc chiến tranh đến mức Lầu Năm Góc đã đặt mua sẵn 20.000 cỗ quan tài và 25.000 túi nhựa chở đến tận chiến trường sẵn sàng để đựng xác lính Mỹ.


Sai lầm thứ hai: Bộ máy cầm quyền và quân sự cao nhất của Mỹ không nắm quyền chỉ đạo chiến tranh. G.Leman, cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ, cho rằng Mỹ tiến hành chiến tranh chống Iraq “không có sự quản lý vĩ mô của Washington”, “các nhà chính trị không can thiệp vào công việc của giới quân sự”. Tổng thống “để cho Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Colin Powell tự do hành động”. Còn Powell thì lại để cho Tướng Schwarzkopf “toàn quyền quyết định”, thậm chí Bộ Quốc phòng Mỹ cũng “đứng ngoài cuộc chiến”.


Xác chiếc máy bay F-16C của Mỹ bị bắn rơi.


Điều nguy hiểm hơn nữa là trong kế hoạch của chiến dịch “Bão táp sa mạc”, người ta không khỏi rùng mình khi thấy ngay trong giai đoạn đầu, Schwarzkopf đã cho “dùng tên lửa hành trình, máy bay tàng hình và máy bay ném bom thông thường có thể đánh gục các mục tiêu như các cơ sở hạt nhân” của Iraq. Rất may là tình báo Mỹ bị hạn chế và các phương tiện oanh tạc của Mỹ đánh kém hiệu quả. Nếu không, cứ giả thiết là chỉ cần một quả bom đánh trúng một cơ sở hạt nhân của Iraq, cuộc chiến Vùng Vịnh phút chốc có thể biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, và điều gì xảy ra sau đó?


Hậu quả của cuộc chiến


Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, 149 binh sĩ Mỹ đã chết trận (trong đó có 35 người chết do trúng đạn của quân đồng minh). Ngoài ra, Anh có 24 binh sĩ, Pháp 2 binh sĩ, và các quốc gia Arập có 39 binh sĩ thiệt mạng. Số người bị thương là 776 người, trong đó có 467 binh sĩ Mỹ. Khoảng 30% trong số 700.000 người phục vụ trong quân đội Mỹ tại Chiến tranh Vùng Vịnh cho đến nay vẫn phải gánh chịu nhiều hội chứng trầm trọng mà nguyên nhân chưa được làm rõ.


Về phía Iraq, theo một báo cáo của Không quân Mỹ, ước tính có khoảng 10.000 - 12.000 binh sĩ tử trận trong chiến dịch trên không và khoảng 10.000 tử trận trong cuộc chiến trên bộ. Theo số liệu của chính phủ Iraq, có khoảng 2.300 thường dân thiệt mạng trong các chiến dịch không kích của liên quân.


Tuy lượng bom đạn sử dụng trong cuộc chiến tranh này tương đương với số lượng bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai nhưng những tai họa về môi trường sinh thái thì không thể thống kê nổi và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Trong thời gian chiến tranh có khoảng một triệu thùng dầu thô đổ ra vịnh Ba Tư, hơn 570 giếng dầu bị đốt cháy làm ô nhiễm nghiêm trọng vùng trời, đất đai, nguồn nước, sinh vật... ở Vùng Vịnh cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái các khu vực khác.


Về chi phí của cuộc chiến, các chuyên gia ước tính lên tới 71 tỷ USD. Khoảng 53 tỷ USD trong số đó do các nước khác chi trả. Quân đội Mỹ chiếm 74% tổng lực lượng liên quân, và vì thế tổng chi phí của họ cũng cao hơn.


Hậu quả chính của Chiến tranh Vùng Vịnh là nó khiến cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hồi sinh mạnh mẽ. Việc chế độ Saddam bị lật đổ không được các nhóm Hồi giáo ủng hộ nhiều. Vì thế, sau chiến tranh, hoạt động của các nhóm Hồi giáo chống Mỹ tăng lên dữ dội.


Chiến tranh Vùng Vịnh không những gây ra những tổn thất to lớn đối với nhân dân Iraq và Kuwait, biến Iraq thành mảnh đất của máu và nước mắt, mà còn làm thiệt hại không nhỏ cho nhiều nước khác, để lại những hậu quả nặng nề như chết chóc, bệnh tật, đói nghèo, ly hương, không nhà cửa, chia rẽ sắc tộc, tôn giáo... Chiến tranh Vùng Vịnh cũng đã làm thay đổi trật tự ở Trung Đông, đồng thời tác động chung đến cục diện thế giới.


Công Thuận

Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991- Kỳ 8: Lý do Iraq bại trận
Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991- Kỳ 8: Lý do Iraq bại trận

Khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh bùng nổ, nhiều người, trong đó cả các chiến lược gia, các nhà quân sự nghi ngờ về sự thắng lợi nhanh chóng của Mỹ và đồng minh đối với Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN