Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991: Kỳ 1: Cuộc xâm lược Kuwait

Cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (17/1/1990 - 28/2/1991) giữa một bên là Iraq và bên kia là lực lượng liên quân gần 30 quốc gia, do Mỹ đứng đầu, là cuộc xung đột lớn đầu tiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Mỹ coi Trung Đông là trọng điểm thực hiện chiến lược toàn cầu chi phối các nước khác. Vì thế, cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait năm 1990 là cơ hội “ngàn năm có một” để Washington thực hiện ý đồ của mình.

 

Bối cảnh cuộc chiến


Quan hệ Iraq - Kuwait đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, nhưng với tư cách là hai quốc gia độc lập mới thực sự chỉ bắt đầu sau khi Iraq tiến hành cuộc cách mạng chống đế quốc, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1958 và khi Kuwait tuyên bố độc lập năm 1961. Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ không rõ ràng do các thế lực phong kiến, đế quốc gây ra đã dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng kéo dài giữa hai nước. Điều đó giải thích nguyên nhân sâu xa việc Iraq đem quân xâm lược Kuwait - một quốc gia cùng trong cộng đồng các nước Arập - để rồi chấp nhận một cuộc đối đầu không cân sức với Mỹ và liên quân.


 

Tổng thống Iraq Saddam Hussein và Quốc vương Kuwait Emir Shaikh Jaber Al Ahmad Al Sabah trong một cuộc gặp trước khi xảy ra chiến tranh.

 

Vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sau khi phát hiện ra nguồn dầu lửa to lớn, Trung Đông trở thành “miếng mồi” của các cường quốc phương Tây. Ở chiều ngược lại, để tồn tại, các nước Trung Đông - Vùng Vịnh cũng tìm cách dựa vào các thế lực phương Tây. Đây chính là điều kiện lý tưởng để các nước phương Tây xâm nhập và tranh giành ảnh hưởng tại khu vực rộng lớn nhiều tài nguyên này.


Năm 1958, nước Cộng hòa Iraq ra đời. 3 năm sau, Kuwait cũng tuyên bố độc lập và tham gia Liên đoàn Arập và Liên hợp quốc, nhưng phía Iraq đã không công nhận đường biên giới thiếu rõ ràng với Kuwait. Quan hệ hai nước còn bất đồng về chủ quyền đối với hai hòn đảo Warbah và Bubiyan phía tây vịnh Persian. Năm 1973, Iraq chiếm một đồn biên phòng của Kuwait, nhưng sau đó buộc phải rút quân do sự phản đối mạnh mẽ của các nước Arập. Năm 1975, hai bên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng trên hai vấn đề lớn là biên giới và chủ quyền hải đảo, nhưng không đi đến kết quả.


Trong những năm 80, quan hệ hai nước có chiều hướng bớt căng thẳng vì Iraq mải lo chiến tranh với Iran. Trong cuộc chiến đẫm máu này, với tư cách là “anh em Arập”, Kuwait đứng về phía Iraq, tài trợ cho Iraq 17 tỷ USD để tiến hành chiến tranh chống lại một nước phi Arập. Trớ trêu thay khi chiến tranh Iraq - Iran kết thúc thì cũng là lúc bất đồng giữa Iraq và Kuwait nổi lên.


Trong cuộc họp thượng đỉnh của Liên đoàn Arập tại Bagdad (5/1990), Tổng thống Iraq Sadam Hussein tố cáo các nước Arập, đặc biệt là Kuwait sản xuất dầu quá mức hạn định, khiến giá dầu thô hạ, gây thiệt hại cho Iraq. Hussein đòi các nước Arập phải xóa nợ viện trợ cho nước này.


Sau đó, phía Iraq còn tố cáo Kuwait khai thác dầu mỏ ở Rumaila, vùng đất vẫn đang tranh chấp giữa hai nước. Để giải quyết những bất đồng giữa hai bên, một số nước Arập như Ai Cập, Saudi Arabia… đã tiến hành các hoạt động hòa giải. Nhưng chính trong giai đoạn này, Iraq bắt đầu triển khai lực lượng quân sự ở vùng biên giới. Đến ngày 30/7/1990, Iraq đã tập trung khoảng 10 vạn quân, 300 xe tăng, 300 khẩu pháo hạng nặng, tiến hành lập các tuyến tiếp tế phục vụ cho việc triển khai lực lượng, phương tiện chiến tranh. Mục đích của việc này là gây áp lực với Kuwait trên bàn đàm phán, nhưng cũng là hành động sẵn sàng đánh chiếm Kuwait khi thương lượng thất bại. Và thực tế cuộc đàm phán giữa hai nước ngày 30/7/1900 tại Jeddah (Saudi Arabia) hoàn toàn bế tắc do lập trường khác biệt giữa hai bên.


Tấn công


Ngày 2/8/1990, sau 1 ngày cuộc thương lượng không thành, quân đội Iraq tiến hành đánh chiếm Kuwait. Đúng 1 giờ sáng, 3 sư đoàn của bộ chỉ huy các lực lượng Vệ binh cộng hòa (RGFC) đã vượt biên giới tấn công vào Kuwait, một sư đoàn bộ binh cơ giới và một sư đoàn thiết giáp thực hiện cuộc tấn công theo hướng nam dọc theo trục Sapwan-Abdally, tiến tới đèo Al-Jalra. Một sư đoàn thiết giáp khác tấn công yểm trợ từ phía tây. Cùng lúc, vào 1 giờ 30 phút, một lực lượng tác chiến đặc biệt thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào thủ đô Kuwait City - một cuộc tấn công bằng trực thăng vào các cơ sở chủ chốt của chính phủ Kuwait.

 

Bản đồ Kuwait và các mũi tiến công xâm lược của Iraq.

 

Trong khi đó, các đội biệt kích đổ bộ bằng đường biển tấn công vào cung điện của quốc vương và các cơ sở quan trọng khác của Kuwait. Quốc vương nước này đã kịp trốn sang Saudi Arabia, nhưng người em trai của ông bị sát hại trong khi quân Iraq tấn công vào cung điện Dasman. Đến tối 2/8, xe tăng của Iraq đã tiến về phía nam dọc theo bờ biển để đánh chiếm những hải cảng.


Các lực lượng vũ trang của Kuwait đã không thể chống chọi lại một lực lượng tập trung và bị đánh quỵ một cách vô vọng. Một vài đơn vị phải rút sang biên giới với Saudi Arabia do tuyến phòng thủ bị vỡ, máy bay Kuwait thì chỉ thực hiện được những vụ không kích có giới hạn vì hai sân bay quân sự chính của nước này đã bị quân Iraq chiếm.


Đến giữa trưa 3/8, quân Iraq đã chiếm được các vị trí gần biên giới với Saudi Arabia. Ngày 4/8, xe tăng của Iraq thiết lập các vị trí phòng thủ. Hàng trăm xe hậu cần di chuyển người, đạn dược và đồ tiếp tế xuống phía nam, các sư đoàn bộ binh được triển khai ở vùng biên giới vào cuối tháng 7 đã di chuyển chiếm đóng Kuwait City và đảm bảo được tuyến liên lạc ban đầu đi và đến vùng phía nam của Iraq.


Ngày 6/8, quân Iraq tiếp tục củng cố và bổ sung lực lượng. Vào thời điểm này, ít nhất 11 sư đoàn Iraq đã ở hoặc đang tiến vào Kuwait với quân số lên tới 200.000 người, được trên 2.000 xe tăng yểm trợ. Hai ngày sau, Saddam Hussein thông báo sáp nhập đất nước nhỏ bé Kuwait thành “tỉnh thứ 19” của Iraq.



Công Thuận

 

Đón đọc kỳ tới: Âm mưu chiến lược của Mỹ

Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ cuối: Hậu quả
Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ cuối: Hậu quả

Kết thúc Chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ và liên quân thắng, Iraq thua là rõ ràng. Nhưng đó là một thắng lợi có nhiều hạn chế, không đạt được toàn bộ mục tiêu trực tiếp của cuộc chiến, không tương xứng với nỗ lực và quy mô huy động lực lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN