Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ 6: “Bão táp sa mạc”

Mờ sáng ngày 17/1/1991, tên lửa hành trình của Mỹ từ các tàu chiến phóng vào các mục tiêu quân sự của Iraq và máy bay tàng hình ném bom điều khiển trúng vào tòa nhà Thông tin ở Thủ đô Bagdad là những hành động quân sự mở đầu cho chiến dịch với mật danh “Bão táp sa mạc”. Tiếp đó, 400 máy bay chiến đấu của Mỹ, Anh, Saudi Arabia và Kuwait đã đánh trúng các đầu mối thông tin, căn cứ không quân, trận địa tên lửa, các nhà máy nguyên tử và hóa học, các tòa nhà của chính phủ và các trận địa tên lửa tại khu vực phía tây Iraq.


Sau 1 giờ, phía Iraq mới chống trả bằng tên lửa và pháo phòng không, đồng thời dùng tên lửa Scud bắn sang Israel và Saudi Arabia. 2 giờ sau những cuộc tấn công đầu tiên, Tổng thống Mỹ Bush đọc diễn văn trên đài truyền hình tuyên chiến chống Iraq.

 

Sơ đồ các mũi tấn công của liên quân trong Chiến dịch Bão táp sa mạc.


Trong chiến dịch không tập này, Mỹ và liên quân đã sử dụng trên 20 loại máy bay với 44 đời khác nhau với tổng cộng hơn 3.800 lượt cất cánh cùng 7/114 tàu sân bay của Mỹ cũng như các loại vệ tinh và tên lửa hành trình Tomahawk. Các loại máy bay chiến đấu, ném bom, vũ khí, các phương tiện bảo đảm thông tin chỉ huy, điều khiển đều thuộc thế hệ mới nhất, có uy lực mạnh và độ chính xác cao. Trong khi đó, hầu hết các máy bay hay vũ khí của Iraq đều thuộc thế hệ thứ 2, chỉ có một số ít thuộc thế hệ thứ 3 nhưng lại không đủ các thiết bị then chốt.


Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của liên minh là phá hủy sở chỉ huy đầu não, các cơ sở không quân và phòng không của Iraq. Nhiệm vụ này nhanh chóng hoàn thành và trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến, không quân liên minh hầu như không gặp phải trở ngại nào khi hoạt động.

 

Trực thăng AH - 64 Apache của Mỹ tiêu diệt xe tăng Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh.


Dù khả năng phòng không của Iraq được Mỹ đánh giá cao, nhưng liên minh chỉ thiệt hại 1 máy bay trong ngày mở màn chiến dịch. Máy bay tàng hình của Mỹ được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq; khi đã phá hủy xong những hệ thống đó, các máy bay chiến đấu khác có thể được đem ra sử dụng với độ an toàn cao hơn. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Saudi Arabia và các nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Persian.


Các mục tiêu tiếp theo của liên quân là các sở chỉ huy và thông tin. Những nhà lập kế hoạch bên phía liên quân hy vọng sự kháng cự của Iraq sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu hệ thống chỉ huy và liên lạc của họ bị phá hủy. Trong tuần đầu tiên của chiến dịch không quân Iraq ít khi xuất kích và cũng không gây thiệt hại gì đáng kể, 38 máy bay MiG của Iraq đã bị không quân liên quân bắn hạ. Ngay sau đó, không quân Iraq phải chạy trốn sang Iran với hơn 100 chiếc. Ngày 23/1, Iraq bắt đầu đổ gần 1 triệu tấn dầu thô xuống biển, gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử.


Giai đoạn thứ ba và lớn nhất trong chiến dịch không kích của lực lượng liên quân là nhằm vào các mục tiêu quân sự trên khắp Iraq và Kuwait: các bệ phóng tên lửa Scud, các địa điểm vũ khí hủy diệt hàng loạt, những cơ sở nghiên cứu vũ khí và các lực lượng hải quân. Khoảng 1/3 không lực liên quân được dành riêng để tấn công các bệ phóng tên lửa Scud do chúng nằm trên các xe tải nên rất khó tìm kiếm để tiêu diệt. Ngoài ra, họ cũng nhắm vào các mục tiêu có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự: các nhà máy điện, lò phản ứng hạt nhân, thiết bị thông tin liên lạc, cảng biển, nhà máy lọc và phân phối xăng dầu, đường sắt và cầu.


Iraq đáp trả bằng cách bắn tên lửa vào các căn cứ của liên quân tại Saudi Arabia và Israel cùng với hy vọng buộc Israel tham gia cuộc chiến và các nước Arập khác rút lui khỏi liên quân. Nhưng chiến thuật này tỏ ra không hiệu quả. Israel vẫn trung lập và tất cả các nước Arập khác tiếp tục tham chiến, trừ Jordan. Các tên lửa Scud nói chung là gây ra rất ít thiệt hại, dù nó cũng đã một lần chứng minh được sức mạnh vào ngày 25/2 khi một tên lửa Scud phá hủy doanh trại của Mỹ tại Dhahran khiến 28 binh sỹ thiệt mạng. Những tên lửa Scud nhắm vào Israel không có hiệu quả bởi vì khi tăng tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương của tên lửa này bị giảm đi rất nhiều.


Trận phản công được cho là lớn nhất của Iraq diễn ra vào ngày 29/1. Iraq sử dụng khoảng 1.500 quân với 80 xe tăng, xe bọc thép, tấn công lực lượng liên quân ở Khafji tại Saudi Arabia (cách biên giới Kuwait - Saudi 30 km). Tuy nhiên, Trận Khafji đã kết thúc khi quân Iraq phải lùi bước trước các lực lượng Saudi Arabia được lính thủy đánh bộ và không quân Mỹ yểm trợ 2 ngày sau đó.


Ngay sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Khafji đã trở thành một thành phố có vị trí chiến lược. Sự chậm chạp của Iraq khi đưa các sư đoàn thiết giáp vào Khafji và sau đó dùng nơi này làm bàn đạp để tiến vào phần phía đông được bảo vệ kém cỏi của Saudi Arabia là một sai lầm lớn về chiến lược. Nếu làm được như vậy, Iraq không chỉ kiểm soát được phần lớn những nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông mà sau đó còn đe dọa được lực lượng quân Mỹ triển khai dọc theo các đường chiến tuyến.


Với ưu thế áp đảo về vũ khí, với cách đánh nhanh, mạnh, liên tục, kéo dài làm cho toàn bộ hệ thống thông tin, radar, các lực lượng phòng không, không quân của Iraq hầu như bị tê liệt ngay từ ngày đầu, không có thời gian củng cố và tổ chức đánh trả. Hiệu quả của chiến dịch không quân là đã làm thiệt hại 10% toàn bộ lực lượng quân sự Iraq được triển khai trên sa mạc. Theo tờ The Time của Mỹ, sau 38 ngày đêm không kích, Mỹ và liên quân đã phá hủy 1685/5500 xe tăng, 1400/3500 khẩu pháo, 97 máy bay chiến đấu của Iraq. Hệ thống cầu cống, đường giao thông, các cơ sở kinh tế, quốc phòng chủ yếu... bị đánh phá dữ dội. Chiến dịch này cũng ngăn chặn một cách có hiệu quả việc tiếp tế của Iraq cho những đơn vị đồn trú chiến đấu phía trước và khiến số quân đông đảo (450.000) người không thể tập trung phát huy sức mạnh.

 

Công Thuận


 

Đón đọc kỳ tới: Chiến dịch “Thanh kiếm sa mạc”

Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ 5: Chiến dịch “Lá chắn sa mạc”
Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ 5: Chiến dịch “Lá chắn sa mạc”

Chỉ vài giờ sau khi Iraq tấn công Kuwait, các phái đoàn ngoại giao của Kuwait và Mỹ đã yêu cầu HĐBA LHQ nhóm họp, thông qua NQ 660, lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Iraq rút quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN