Khi phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan tháng 9/1939, ông Nathan Lewin khi đó 3 tuổi được cha mẹ, bà ngoại và chú đưa vào rừng sâu ngay trong đêm để rời khỏi quốc gia này.
Một nhà ngoại giao Hà Lan hứa hẹn với gia đình ông Nathan Lewin rằng họ sẽ được nhập cảnh vào đảo Curaçao không cần thị thực, tuy nhiên, họ vẫn cần thị thực quá cảnh từ một quốc gia khác để có thể đến được Curaçao.
Từ đây, ông Nathan Lewin (84 tuổi) kể lại với tờ Washington Post câu chuyện về nhà ngoại giao Nhật Bản đã giúp đỡ hàng nghìn người Do Thái thoát khỏi lưỡi hái tử thần của Phát xít Đức.
Đó là lúc họ biết đến Chiune “Sempo” Sugihara – nhà ngoại giao Nhật Bản có thể nói thành thạo tiếng Nga. Ông Chiune “Sempo” Sugihara khi đó được cử đến thành phố Kaunas của Litva để theo dõi động thái của binh sĩ Đức và Liên Xô.
Khi gia đình Lewin đến Lãnh sự quán Nhật Bản vào cuối tháng 7/1940, ông Sugihara đã tham vấn ý kiến cấp trên. Mặc dù nhận lệnh không được trao giấy tờ du lịch cho gia đình người Do Thái của ông Nathan Lewin nhưng đến cuối cùng, ông Sugihara vẫn quyết định giúp đỡ họ. Với thị thực quá cảnh, những người tị nạn có thể lên tàu vượt Siberia đến Nhật Bản.
Gia đình ông Nathan Lewin là một trong những người đầu tiên có được giấy tờ quý giá này. Trong những tháng sau đó, Sugihara đã viết thêm 2.000 thị thực quá cảnh cho bất cứ người Do Thái nào đến tìm ông. Có thông tin ông Sugihara dành 20 tiếng một ngày trong tháng 7/1940 để viết thị thực cho những người Do Thái cần giúp đỡ.
Ông Nathan Lewin chia sẻ rằng nhà ngoại giao Nhật Bản Sugihara không quan tâm người Do Thái đó là công dân Hà Lan, Ba Lan, Đức hay Litva. Đối với ông Sugihara, họ là những người cần được giải cứu và cuộc sống đang gặp hiểm nguy.
Tờ Washington Post cho biết chưa rõ chính xác có bao nhiêu người Do Thái được ông Sugihara cứu giúp bởi nhiều người đã không thể sử dụng được thị thực quá cảnh hoặc họ dành cho nhiều thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, có ước tính rằng khoảng 6.000 người đã được hỗ trợ.
Bà Lucille Szepsenwol Camhi người Ba Lan và em gái cũng đến Litva lẩn trốn, họ lo sợ bị bắt vì là thành viên nhóm thanh niên Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Sau này Lucille Szepsenwol Camhi chia sẻ với Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Mỹ về cuộc gặp của bà với nhà ngoại giao Sugihara: “Ông ấy hỏi cha mẹ chúng tôi ở đâu. Tôi nói rằng cha tôi đã mất còn mẹ tôi không có giấy tờ. Ông ấy nhìn tôi thương cảm và đóng dấu, đưa cho chúng tôi thị thực quá cảnh ngay tại đó”.
Bà Lucille Szepsenwol Camhi cùng em gái khóc và cảm ơn ông Sugihara. Nhà ngoại giao người Nhật chỉ giơ tay thể hiện “Thế là ổn rồi”. Hai chị em bà Lucille Szepsenwol Camhi sau đó đi tàu tới Nhật Bản, tới với tự do của họ.
Ngày nay, nhiều con cháu của những người Do Thái được Sugihara giúp đỡ đã gọi ông là “Schindler người Nhật”. Tên gọi được bắt nguồn từ một chủ nhà máy người Đức có tên Oskar Schindler đã cứu mạng sống của 1.200 người Do Thái.
Sau này, khi được hỏi về hành động cứu giúp người Do Thái, ông Sugihara chia sẻ: “Đó là sự cảm thông mà ai cũng có khi trực diện nhìn thấy gương mặt của những người tị nạn, họ cầu xin trong nước mắt. Tôi cho rằng đó là điều đúng đắn cần phải thực hiện”.
Con trai của Sugihara là Nobuki Sugihara vào năm 2019 chia sẻ với tờ Times of Israel rằng sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, ông Sugihara và gia đình trở thành tù binh chiến tranh tại châu Âu trong hơn một năm. Họ được thả tự do và trở lại Nhật Bản năm 1947. Nhưng cấp trên đã buộc ông Sugihara phải rời Bộ Ngoại giao do hành động cứu giúp người Do Thái 7 năm trước đó.
Trong một thời gian dài, ông Sugihara sống cuộc đời trầm lặng. Nhưng đến năm 1968, một người Do Thái từng được Sugihara giúp đỡ đã liên lạc với ông. Sau đó ông Sugihara đến thăm Israel. Năm 1986, ông trút hơi thở cuối cùng.
Viện Bảo tàng Lịch sử Yad Vashem của Israel đã tôn trao tặng ông Sugihara danh hiệu đặc biệt chỉ dành cho những người không phải công dân Do Thái nhưng đã mạo hiểm tính mạng của họ để cứu người Do Thái khỏi cuộc diệt chủng của Đức quốc xã.
Về phần Nathan Lewin, sau khi qua Nhật Bản, gia đình ông định cư ở New York (Mỹ). Ông học trường Luật Harvard và trở thành trợ lý công tố viên liên bang tại Vụ Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp.
Ông chia sẻ rằng một cá nhân không nên làm điều tốt với mong đợi rằng sẽ được phần thưởng mà nên làm điều tốt từ chính thật tâm của bản thân. “Đó chính là điều ngài Chiune Sugihara đã thực hiện”, ông Nathan Lewin kết luận.