Kỳ 1: Cuộc sống chạy trốn của người Do Thái
Theo kênh BBC, khi bé gái Helene Bach 12 tuổi đang chơi trong vườn với em gái Ida thì nhìn thấy một xe tải quân sự tiến tới và lao vào bên trong. Helene, Ida đã cùng mẹ bỏ nhà ở Lorraine (đông bắc Pháp) sau khi quân Đức xâm lược vào tháng 5/1940. Họ đi về hướng vùng tự do ở miền nam nước Pháp.
Để giảm nguy cơ bị bắt cả gia đình, họ quyết định rằng người cha là Aron và con gái cả Annie sẽ đi riêng. Tuy nhiên, khi ông Aron và Annie bị bắt năm 1941 và bị đưa tới trại giam gần Tours, người mẹ đã thuê một căn nhà gần đó. Bà sống cùng Helene tại đó một năm, cho tới khi binh lính Đức tiến vào.
Helene và Ida chạy vào bếp báo cho mẹ. Helene kể lại: “Mẹ bảo chúng tôi chạy vào rừng trốn. Tôi nắm tay em tôi nhưng con bé không muốn đi với tôi. Nó muốn quay về với mẹ. Tôi có thể nghe thấy tiếng quân Đức. Tôi đã bỏ tay con bé ra và nó chạy về”.
Một mình ở trong rừng, Helene trốn cho tới khi cô bé cảm thấy bờ biển không còn bóng người. Sau đó, cô bé về lại nhà và phát hiện ra một ít tiền mẹ cô để lại trên bàn. Bà biết con gái sẽ quay về. Sau đó, cô bé tới ở với người bạn quen trong vùng. Từ đó, cô không bao giờ gặp lại mẹ và em gái nữa.
Chị gái của Helene là Annie cũng thoát chết trong gang tấc. Sau một năm sống tại trại giam gần Tours, Annie đã chạy trốn thành công. Lúc đó 16 tuổi, Annie đã một mình lặn lội tới nhà dì ở thành phố miền nam Toulouse. Ở đó, cô bé vẫn không an toàn. Mặc dù gia đình dì Annie không phải là người Do Thái trên giấy tờ và có thể giả vờ là người Thiên chúa giáo nhưng Annie thì không thể.
Một ngày mùa thu năm 1942, cảnh sát bấm chuông nhà dì Annie. Họ yêu cầu trình giấy tờ gia đình và kiểm tra mọi thành viên. Annie kể lại: “May mắn cho đời tôi là cô em họ tên Ida đã ra ngoài mua bánh mỳ. Đôi khi tôi cho rằng đó là điều kỳ diệu. Vì thế dì tôi nói đây là Estelle, Henri, Helene và chỉ tôi rồi bảo là Ida”.
Không lâu sau khi Annie tới Toulouse, dì cô nhận được thư của Helene từ nơi trú ẩn gần Tours. Sau đó, bà đã sắp xếp để giải cứu cháu gái.
Một đêm nọ, một phụ nữ trẻ thuộc phong trào kháng chiến Pháp Maquis gõ cửa căn nhà nơi Helene đang ở. Người phụ nữ nói tới tìm Helene để vượt giới tuyến. Để Helene tin tưởng mình, người này đã rút một bức ảnh chụp Helene mà dì cô bé đưa cho.
Hành trình trốn thoát thật gian nan. Người phụ nữ dùng giấy tờ giả. Hai người giả vờ là sinh viên dù Helene trông còn quá nhỏ. Vì thế, họ đã bị chặn lại và bị thẩm vấn vài lần.
Vùng tự do ở miền nam nước Pháp không như cái tên của nó. Chính quyền của nguyên soái Philippe Pertain ở Vichy đã thông qua luật chống người Do Thái, cho phép vây ráp họ ở Baden và Alsace Lorraine, tịch thu tài sản của họ.
Ngày 23/8/1942, Tổng giám mục Toulouse, ông Jules-Geraud Saliege, đã viết thư cho các tu sĩ, đề nghị họ đọc bức thư cho giáo đoàn mình nghe. Bức thư có đoạn: “Trong giáo phận của chúng ta, đã xảy ra ra nhiều chuyện thương tâm. Trẻ em, phụ nữ, đàn ông, những người cha, người mẹ bị đối xử như gia súc tầm thường. Thành viên gia đình bị ly tán và đưa tới những nơi không ai biết. Họ là những phụ nữ, đàn ông Do Thái. Họ là con người. Họ là anh em của chúng ta như nhiều người khác. Người Thiên chúa giáo không được quên điều này”.
Tổng giám mục đã phản đối chính quyền Vichy về chính sách với người Do Thái cho dù phần lớn tầng lớp Thiên chúa giáo ở Pháp im lặng. Trong số 100 giám mục Pháp, ông là một trong 6 người ít ỏi có tiếng nói phản đối chế độ Đức Quốc xã.
Thông điệp của Tổng giám mục Saliege đã khiến xơ Denise Bergon xúc động. Bà làm việc tại nhà tu kín Notre Dame de Massip ở Capdenac, cách Toulouse 150km về phía đông bắc. Sau chiến tranh, bà kể lại vào năm 1946: “Lời kêu gọi này thực sự lay động chúng tôi và cảm xúc đó tràn ngập tim chúng tôi. Hưởng ứng tích cực lá thư này là minh chứng cho sức mạnh tôn giáo, trên mọi đảng phái, mọi chủng tộc. Lá thư cũng như một hành động yêu nước, khi bảo vệ những người bị đàn áp, chúng tôi đang chống lại những kẻ khủng bố”.
Nhà tu kín điều hành một trường nội trú và xơ Denise nhận ra rằng mình có thể giấu trẻ em Do Thái bằng cách cho các em trà trộn vào học sinh Thiên chúa giáo. Nhưng bà lo việc này sẽ khiến các xơ khác trong nhà tu kín gặp nguy hiểm vì nói dối quân Đức. Giám mục của bà là người ủng hộ Nguyên soái Pertain nên bà đã viết thư cho Tổng giám mục Saliege xin lời khuyên. Bà đã ghi lại bức thư trả lời trong nhật ký: “Con gái của ta, chúng ta hãy cùng nhau nói dối miễn là chúng ta cứu được người”.
Kỳ cuối: Nữ tu sĩ giàu lòng nhân ái