Kỳ 1: Căn bệnh lạ sau vụ không kích
Bari là trung tâm dịch vụ ở Địa Trung Hải, tiếp tế cho 500.000 binh sĩ Đồng minh tham gia đánh bật quân Đức khỏi Italy. Lúc 7 giờ 35 tối 2/12, một tiếng nổ kinh hoàng vang lên kèm ánh sáng chói lòa.
Khẩu đội pháo phòng không duy nhất của cảng khai hỏa. Những tiếng nổ điếc tai liên tiếp vang lên.
Máy bay ném bom bổ nhào Junker Ju-88 của Đức bay ở tầm thấp trên thị trấn, thả bom xuống cảng. Khói lửa bốc lên từ đường phố Bari. Bom cháy trút xuống như mưa trên cảng, biến đêm thành ngày.
Các pháo thủ trên tàu neo đậu ở càng vội vã bắn kẻ thù nhưng đã quá muộn. Máy bay Đức tấn công xong đã bay đi trong đêm. Trận không kích kéo dài chưa đầy 20 phút.
Không lâu sau, một tiếng động khủng khiếp phát ra từ cảng. Tàu chở đạn dược phát nổ, cột khói cao tới cả vài trăm mét. Tám con tàu bốc cháy dữ dội, toàn bộ trung tâm cảng toàn dầu bốc cháy. Đường ống vỡ khiến hàng nghìn lít dầu tràn xuống cảng, bốc cháy, thiêu trụi toàn bộ phía bắc cảng. Lửa cháy lan từ tàu này sang tàu kia.
Vụ tấn công Bari mà báo chí ví là “tiểu Trân Châu Cảng” đã khiến quân Đồng minh sốc vì tin rằng sức mạnh không quân của mình ở Italy là tối thượng. Trong những ngày sau đó, nhiệm vụ chữa trị cho thủy thủ bị thương nặng gặp nhiều khó khăn.
Phải gần 30 năm sau, thế giới mới biết sự thật về điều thực sự xảy ra đêm đó. Ngay cả ngày nay, không mấy người biết tới vai trò bất ngờ của thảm họa này và ảnh hưởng của nó với cuộc sống người dân Mỹ bình thường.
Khi xảy ra vụ tấn công ở Bari, trung tá Steward Francis Alexander đang ngủ ở sở chỉ huy lực lượng Đồng minh tại Algiers. Anh thức dậy khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại dồn dập. Dường như có khủng hoảng y tế ở Bari khi có quá nhiều người chết quá nhanh vì các nguyên nhân không giải thích nổi. Triệu chứng không giống với những gì mà bác sĩ quân y từng thấy. Họ nghi ngờ Đức đã dùng khí độc nào đó và cần hỗ trợ khẩn.
Alexander là bác sĩ quân y được đào tạo đặc biệt về chiến tranh hóa học và được phái ngay tới hiện trường. Lúc 5 giờ chiều 7/12/1943, máy bay của Alexander hạ cánh tại sân bay Bari và anh được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Anh số 98 ngay lập tức. Tới nơi, các bác sĩ cho Alexander biết rằng dấu hiệu bất thường đầu tiên là những người thương vong không có triệu chứng thường thấy và không phản ứng với cách điều trị thông thường. Nhiều bệnh nhân dù huyết áp thấp và mạch nhỏ nhưng không có vẻ bị sốc.
Y tá thấy một số bệnh nhân kêu khát nước mặc dù hộ lý vừa cho họ uống nước. Đột nhiên, nhiều người la hét đòi uống nước to tới mức cả khoa hỗn loạn. Bệnh nhân gào thét vì nóng bức, xé quần áo và trong cơn điên loạn, họ tìm cách xé băng gạc khỏi vết thương.
Trong đêm đó, phần lớn những thủy thủ rơi xuống nước đều bị đỏ tấy và viêm da với những vết giộp da “to như quả bóng và đầy dịch”. Cùng với triệu chứng nôn mửa tràn lan, bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể là do khói độc từ dầu và chất nổ.
Sáu giờ sau vụ tấn công, bệnh nhân nào cố ngủ được thì khi tỉnh dậy đều kêu đau mắt như thể có cát bên trong. Trong vòng 24 giờ, các khoa ở bệnh viện đều toàn bệnh nhân mắt sưng không thể mở nổi.
Ban tham mưu ngày càng bất an. Sở chỉ huy Hải quân Anh gửi thông báo nói rằng có thể các nạn nhân bị phơi nhiễm khí làm bỏng da. Hàng trăm bệnh nhân bỏng với triệu chứng bất thường được xếp vào loại “viêm da chưa được chẩn đoán” và chờ hướng dẫn thêm.
18 giờ sau vụ tấn công, người đầu tiên chết. Trong vòng hai ngày, 14 người chết. Những bệnh nhân trông có vẻ khỏe chỉ sau vài phút đã hấp hối và tử vong. Triệu chứng không giống với các ca bị nhiễm lưu huỳnh mù tạt thời Thế chiến thứ nhất.
Vài ngày sau, bệnh nhân chưa từng mắc bệnh hô hấp bỗng bị sung huyết và rất đau họng, khó nuốt. Họ chết không phải vì viêm phế quản-phổi mà vì suy tuần hoàn tim.
Alexander đi khắp các khoa, kiểm tra bệnh nhân, xem xét vết thương, hỏi họ kỹ lưỡng về tình huống bị thương và chi tiết liên quan. Qua câu chuyện của các thủy thủ, Alexander kết luận là thủy thủ nào nhảy xuống nước thì bị bỏng diện rộng, ai ở trên tàu thì chỉ bị bỏng bề mặt. Ai tự lau các vết nhờn như dầu trên người ngay đêm đầu tiên thì chỉ bị thương nhẹ. Alexander thấy ngày càng rõ rằng phần lớn bệnh nhân bị phơi nhiễm với một loại hóa chất.
Khi vào bệnh viện, ngửi thấy mùi lạ, trực giác mách bảo Alexander rằng đó chính là mùi lưu huỳnh mù tạt. Đã 5 ngày từ khi họ phơi nhiễm chất độc, nếu có cơ hội cứu hàng trăm thủy thủ Đồng minh nằm trong viện ở khắp Bari và vô số dân thường Italy, Alexander phải hành động nhanh.
Khi Alexander hỏi thẳng sĩ quan chỉ huy Bệnh viện Đa khoa số 98 là đại tá Wellington J. Laird về mù tạt, ông này bảo rằng không biết gì. Là một cố vấn về chiến tranh hóa học, Alexander có nhiều thông tin dạng tuyệt mật. Anh biết quân Đồng minh bắt đầu bí mật tích khí độc ở Địa Trung Hải để đề phòng chiến tranh hóa học toàn diện. Tuy nhiên, anh hoài nghi khả năng quân Đồng minh chuyển mù tạt vào một cảng đông đúc như Bari và khiến các thùng chứa chất độc hại này dễ thành mục tiêu của kẻ thù. Nhưng Alexander không loại trừ điều này. Anh tiếp tục căn vặn ông Laird và cảm thấy ông này lảng tránh trả lời mình.
Alexander cảm thấy phải tìm bằng chứng. Anh đã thực hiện một loạt xét nghiệm cho bệnh nhân vẫn sống và yêu cầu khám nghiệm cẩn thận người đã chết. Anh yêu cầu lấy mẫu nước ở càng và phân tích, thu thập dữ liệu, tổng hợp báo cáo.
Tới cảng nghiên cứu hiện trường, Alexander vẫn không tìm được bằng chứng mù tạt khi khảo sát. Anh hỏi nhiều người quản lý cảng, họ tiếp tục khẳng định không có mù tạt ở đây.
Khi Alexander đi tìm câu trả lời, anh nhận được tin bất ngờ từ người thợ lặn mà anh yêu cầu tìm kiếm khu vực đáy cảng. Người này đã tìm thấy vỏ đạn hơi ngạt bị vỡ. Thử nghiệm tại chỗ cho thấy có dấu vết mù tạt. Các sĩ quan quân nhu Không quân Mỹ xác định vỏ đạn là loại bom mù tạt lưu huỳnh M47A2 loại 45kg. Bom lưu huỳnh mù tạt của Đức luôn có dấu chữ thập vàng. Bom này hoàn toàn là của người Mỹ.
Trực giác của Alexander đã đúng. Một tàu của quân Đồng minh, về sau được xác định là tàu John Harvey, đã chở một lô hàng lưu huỳnh mù tạt. Tàu này định đến kho hóa chất Foggia để tăng năng lực đáp trả của Mỹ nếu Đức tấn công hóa học.
Đón đọc kỳ cuối: Phát hiện bất ngờ