Lịch sử xung đột tại 'vùng đất nóng' Nagorny-Karabakh

Các cuộc đụng độ ác liệt giữa quân đội hai nước Armenia và Azerbaijan ở lãnh thổ tranh chấp dọc tiền tuyến Nagorny - Karabakh thời gian gần đây đã nhiều người nhớ lại lịch sử xung đột và các cuộc chiến đẫm máu giữa hai bên liên quan tới khu vực này.

Xung đột sắc tộc - Nguồn cơn căng thẳng

Chú thích ảnh
Xung đột sắc tộc là một nguồn gốc căng thẳng. Ảnh: Getty

Căng thẳng sắc tộc được coi là nguồn gốc cho sự leo thang của cuộc xung đột Nagorny-Karabakh.

Trong thế kỷ thứ 7 - 8, đạo Hồi nhanh chóng phát triển trong vùng Azerbaijan sau những cuộc chinh phục của người Arab, trong khi phần lớn người dân tại Armenia theo đạo Cơ đốc. Do những khác biệt về sắc tộc và tôn giáo, mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên láng giềng luôn trong tình trạng hằm hè nhau.

Bước vào giai đoạn những năm 1880, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội của cộng đồng người Armenia khiến tầng lớp quý tộc của Azerbaijan cảm thấy ganh tị khi trước đây người Armenia luôn bị coi là thuộc tầng lớp nô lệ, hạng hai trong xã hội.

Đặc biệt mâu thuẫn lên cao khi thành phố Baku - trung tâm kinh tế của người Azerbaijan - bị bộ phận người Armenia sang “chiếm đóng”. Các thương nhân Armenia đến nhập cư tại Baku, mở nhiều công ty, nhà máy khai thác giếng dầu, kéo theo lượng lớn người lao động từ các tỉnh Armenia sang, “nẫng” công ăn việc làm và chi phối đời sống xã hội của người Azerbaijan.

Đỉnh điểm là các vụ đụng độ vào tháng 2/1905, xảy ra tại Baku. Theo giáo sư chuyên ngành nghiên cứu tôn giáo người Hà Lan - ông Gerard van der Leeuw, có thể các cuộc xung đột bắt nguồn từ việc người Armenia đã sát hại một học sinh và một chủ tiệm tạp hóa người Azerbaijan. Kết cục là 126 người Tatar (tên gọi trước đây của Azerbaijan) và 218 người Armenia đã thiệt mạng trong 4 ngày xung đột tại Baku.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khác như trong cuốn sách “Armenia: Sự sinh tồn của một quốc gia” của tác giả Dasnabedian và J. Walker xuất bản năm 1980 lại khẳng định chính người Azerbaijan khiêu khích trước mới khiến cộng đồng Amernia đáp trả mạnh mẽ.

Tranh chấp lãnh thổ

Chú thích ảnh
Xe quân sự của Azerbaijan bị phá hủy trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh, ngày 27/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột Nagorny-Karabakh bắt đầu "nóng" lên từ năm 1917, với sự hình thành của 3 nước cộng hòa dân chủ Transcaucasia - Armenia, Azerbaijan and Gruzia. Vào thời điểm đó, với khoảng 95% số dân là người Armernia, Nagorny đã tổ chức phiên họp quốc hội đầu tiên, tuyên bố độc lập, thành lập Hội đồng quốc gia và chính phủ. Thậm chí trong những năm 1918 - 1920, khu vực tự trị này còn có quân đội và cơ quan hành pháp riêng.

Azerbaijan thì luôn khẳng định đây là vùng lãnh thổ không có tranh chấp và thuộc về Azerbaijan. Do đó, phản ứng trước những hoạt động này của người dân tại lãnh thổ Nagorny-Karabakh, Cộng hòa Azerbaijan quyết định can thiệp quân sự. Từ tháng 5/1918 cho đến tháng 4/1920, Chính phủ Azerbaijan đã sử dụng vũ lực tấn công Armernia. 

Song bạo lực không làm cho người dân tại Nagorny-Karabakh chịu khuất phục. Vào tháng 8/1919, để ngăn chặn xung đột quân sự, chính quyền Nagorny-Karabakh và Azerbaijan đã ký một hiệp ước sơ bộ, đồng ý thảo luận về vấn đề chủ quyền của lãnh thổ tại Hội nghị Hòa bình Paris. Tuy nhiên, tranh chấp giữa hai bên vẫn chưa đi đến được quyết định cuối cùng, khiến Armernia và Azerbaijan luôn ở trong trạng thái đối đầu, thi thoảng lại bùng phát xung đột bạo lực tại khu vực biên giới này.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột tạm lắng trong giai đoạn Armernia và Azerbaijan là hai nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ 80, căng thẳng bắt đầu tái bùng phát. Năm 1988, đã xảy ra một cuộc chiến ngắn ngày ở Nagorny-Karabakh.

Sau khi giành quyền kiểm soát toàn khu vực, người Azerbaijan phong tỏa biên giới Nagorny, ngăn cản các phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa sang Armenia.

Khi Azerbaijan tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô và cách chức người đứng đầu chính quyền Karabakh, cộng đồng Armenia trong khu vực vùng lên, đòi ly khai khỏi Azerbaijan và thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorny-Karabakh.

Chú thích ảnh
Nguồn BBC

Các cuộc xung đột nổ ra không bao lâu sau khi Nghị viện Nagorny-Karabakh bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Armenia ngày 20/2/1988. Dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế và đại diện truyền thông, cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nagorny-Karabakh với Armenia đã diễn ra vào ngày 10/12/1991, kết quả có tới 99,89% số phiếu ủng hộ. Căng thẳng leo thang thêm một nấc nữa.

Trong bối cảnh xung đột âm ỉ giữa chính quyền Azerbaijan và lực lượng ly khai tại Nagorny-Karabakh, cuối năm 1992, người Armenia nổi dậy, bắt đầu cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorny. Được Chính phủ Armenia hậu thuẫn, chiến thắng liên tục tới với lực lượng ly khai tại Nagorny.

Chú thích ảnh
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong bài phát biểu được phát trên toàn quốc tại Baku ngày 27/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến năm 1993, Azarbaijan kiện lên tòa án quốc tế và sau mọi nỗ lực của các tổ chức hòa bình, hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Tuy nhiên, ngay sau đó lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, tình trạng thù địch trở lại.

Cho đến mùa Xuân năm 1994, Azerbaijan về cơ bản đã mất hoàn toàn kiểm soát vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh. Theo báo cáo sau khi trận chiến cuối cùng kết thúc năm 1994, khoảng 95% khu vực Nagorny-Karabakh thuộc quyền kiểm soát của người Armenia. Đã có khoảng 30.000 người thiệt mạng và gần 1 triệu người mất nhà cửa sau các cuộc xung đột bạo lực trước khi đạt được lệnh ngừng bắn vào năm 1994.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành họp khẩn
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành họp khẩn

Các nguồn tin ngoại giao ngày 28/9 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến sẽ tổ chức những cuộc thảo luận khẩn cấp theo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorny-Karabakh, khu vực đang xảy ra tình trạng giao tranh dữ dội kể từ cuối tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN