Rạng sáng 4/3/1801, John Adams, vị Tổng thống thứ hai của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, lặng lẽ rời Washington, D.C. lúc trời còn tối đen. Ông sẽ không tham dự buổi lễ nhậm chức diễn ra sau đó cùng ngày của người bạn cũ, nay là đối thủ chính trị - Thomas Jefferson - người sẽ sớm thay thế Adams tại ngôi biệt thự còn chưa hoàn thiện dành cho tổng thống Mỹ.
Sau thất bại ê chề trong cuộc bầu cử cuối năm 1800, Tổng thống sắp mãn nhiệm John Adams đang thiết lập một tiền lệ quan trọng. Việc ông rời nhiệm sở đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên giữa hai đối thủ chính trị tại Mỹ, mà nay được coi như một biểu tượng của nền dân chủ quốc gia.
Kể từ đó, người thất bại trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đều sẵn sàng và chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho người chiến thắng, bất kể thù hận cá nhân hay chia rẽ chính trị.
Các đảng chính trị đầu tiên
Hiến pháp Mỹ không đề cập đến các đảng chính trị, do các nhà lập quốc coi “phe phái” là mối nguy hiểm với nền dân chủ. Tổng thống lập quốc George Washington từng có tuyên bố nổi tiếng vào năm 1796, sau khi đưa ra quyết định quan trọng là rút lui sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống: “Những mối nguy hại phổ biến và liên tục của tinh thần đảng phái là đủ để khiến người khôn ngoan có lợi ích và nghĩa vụ phải ngăn cản và kiềm chế nó”.
Tuy vậy tinh thần đảng phái đã tồn tại ở nước Mỹ, thậm chí trong chính nội các của George Washington. Với tư cách là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, Jefferson đã liên tục xung đột với Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính, xung quanh quyền lực ngày càng tăng của chính phủ liên bang, điều mà Jefferson không tin tưởng. Năm 1791, Jefferson và James Madion đã thành lập Đảng Dân chủ - Cộng hòa để phản đối các chương trình Liên bang đầy tham vọng của Hamilton, trong đó có hệ thống ngân hàng quốc gia mới.
Trong năm bầu cử 1796, Jefferson và Phó Tổng thống John Adams là hai gương mặt chạy đua kế nhiệm George Washington. Kết quả Adams đã giành được chiến thắng sít sao. Do Hiến pháp Mỹ không quy định về các đảng chính trị, hệ thống bầu cử tổng thống cũng không xét đến chúng: Ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất, Adams, trở thành tổng thống, và người về thứ hai, Jefferson, là phó tổng thống.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống John Adams, phe Dân chủ-Cộng hòa và phe Liên bang Chủ nghĩa xung đột với nhau về đủ mọi vấn đề, từ thuế cho đến tôn giáo, nhưng đặc biệt là về một "bóng ma" chính sách mà đất nước đang phải đối mặt: đó là làm thế nào để đối phó với cuộc Cách mạng Pháp vừa nổ ra.
Jefferson và người ủng hộ ông muốn thành lập một liên minh với Pháp, trong khi Adams và phe Liên bang ngả về mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Đế quốc Anh, và cố gắng giành quyền kiểm soát bằng cách thông qua Đạo luật Ngoại kiều và Chống nổi loạn cho phép Adams bỏ tù những người lên tiếng chống lại ông.
"Cuộc cách mạng năm 1800"
Những bất đồng sâu sắc này trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 1800, vốn đã xuất hiện trên các tờ báo có tính đảng phái cao. Các tờ báo và tài liệu tuyên truyền của phe Liên bang coi những người ủng hộ Pháp là thành phần cấp tiến nguy hiểm, trong khi phe Dân chủ - Cộng hòa cáo buộc phe Liên bang muốn tái lập chế độ quân chủ.
Bản thân những người trong phe Liên bang cũng chia rẽ nội bộ: Hamilton tấn công Adams trên báo in, và thậm chí còn chủ mưu một kế hoạch bất thành để khiến những người Liên bang bỏ phiếu cho người liên danh tranh cử của ông là Charles Cotesworth Pinckney.
Khi công tác kiểm phiếu được tiến hành thì sự mập mờ lại bao trùm. Mặc dù Jefferson và liên danh tranh cử của mình, Aaron Burr, đã đánh bại Adams và Pinckney, nhưng cả hai đều nhận được số phiếu đại cử tri như nhau. Kết quả đó khiến Hạ viện phải vào cuộc quyết định người chiến thắng. Cuối cùng, Jefferon giành ghế tổng thống.
Vì những lý do chưa bao giờ được ông công khai, John Adams đã lựa chọn bỏ qua lễ nhậm chức của Jefferson, rời dinh tổng thống từ tờ mờ sáng để trở lại quê nhà ở Quincy, Massachusetts.
Truyền thống chuyển giao quyền lực
Kể từ năm 1801, chuyển giao quyền lực hòa bình cùng với hệ thống lưỡng đảng là những khía cạnh quan trọng của việc đảm bảo một nền dân chủ lành mạnh.
Sau cuộc rời đi vào sáng sớm của John Adams, phần lớn các tổng thống mãn nhiệm đều tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm họ. Các trường hợp ngoại lệ đáng chú ý bao gồm con trai của chính John Adams, John Quincy Adams – người đã từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm là Andrew Jackson vào năm 1829, và Andrew Johnson từ chối dự lễ nhậm chức của Ulysses S. Grant vào năm 1869.
Truyền thống dự lễ nhậm chức của các tổng thống mãn nhiệm cũng thay đổi theo năm tháng. Năm 1837, Jackson và người kế nhiệm ông là Martin Van Buren, đã khởi đầu một truyền thống mới khi cùng nhau cưỡi ngựa tới lễ nhậm chức của Van Buren ở Đồi Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ).
Cho đến đầu thế kỷ 20, các vị tổng thống mãn nhiệm và đắc cử cũng thường đi cùng nhau tới Nhà Trắng sau các nghi lễ nhậm chức. Theodore Roosevelt là tổng thống đầu tiên bắt đầu một mô hình mới vào năm 1909 khi đi thẳng từ Đồi Capitol tới Nhà ga Liên bang, bắt chuyến tàu đến New York.
Các tổng thống sau này, như Harry Truman, Dwight D. Eisenhower và Lyndon B. Johnson, rời khỏi Tòa nhà Quốc hội Mỹ bằng ô tô. Kể từ khi Gerald Ford rời nhiệm sở vào năm 1977, tất cả các tổng thống và đệ nhất phu nhân mãn nhiệm đều rời lễ nhậm chức bằng máy bay trực thăng, để những người kế nhiệm tham dự bữa tiệc trưa mừng lễ nhậm chức bên trong Điện Capitol.