Cho đến khi vaccine này ra mắt vào năm 1963, nhiều người cho rằng bệnh sởi, căn bệnh gây ra cái chết của 500 người Mỹ mỗi năm và khiến 48.000 người nhập viện, là một bệnh nhi khoa không thể tránh khỏi mà mọi người đều phải trải qua.
Ông Graham Mooney, Phó giáo sư tại Viện Lịch sử Y khoa Johns Hopkins cho biết: “Sởi là một căn bệnh phổ biến và tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Mọi người có nhiều vấn đề phải lo hơn là bệnh sởi”.
Một trong những bằng chứng sớm nhất về sự xuất hiện của bệnh sởi là từ ghi chép của một bác sĩ người Ba Tư vào thế kỷ thứ 9, nhưng phải đến năm 1757 thì bác sĩ người Scotland Francis Home mới phát hiện nguyên nhân gây bệnh và lần đầu tiên tìm cách tạo ra vaccine sởi. Vào thời điểm đó, bệnh sởi gây ra nhiều ca tử vong trên toàn thế giới.
Các ca tử vong xảy ra nhiều nhất ở những cộng đồng người không có miễn dịch, như ở các quốc đảo. Đợt bùng phát dịch vào năm 1875 ở Fiji đã quét sạch một phần ba dân số đảo này trong vòng 4 tháng, và đợt bùng phát đầu tiên ở Hawaii vào năm 1848 cũng giết chết một phần ba dân số. Sau đó 2 thập kỷ, Nhà vua và Hoàng hậu Hawaii cũng mắc sởi và qua đời trong một chuyến đi Anh.
Mặc dù sau đó tỷ lệ tử vong bắt đầu giảm xuống, nhưng dịch bệnh này vẫn có sức tàn phá đáng kể. Năm 1916, 12.000 người chết vì bệnh sởi, và cứ 4 ca tử vong thì có 3 trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi. Trong năm đó, hai bác sĩ người Pháp đã tìm thấy kháng thể sởi trong máu của bệnh nhân. Họ đã chỉ ra rằng kháng thể có thể bảo vệ mọi người trước căn bệnh này, đặt nền móng cho quá trình phát triển vaccine phòng sởi.
Vào những năm 1950, số ca tử vong do bệnh sởi đã giảm xuống chỉ còn 400 đến 500 ca mỗi năm nhờ sẵn có kháng sinh và việc cải thiện quy trình vệ sinh, chăm sóc y tế và dinh dưỡng.
Mặc dù số ca tử vong ngày càng giảm, nhưng gần như tất cả mọi người đều mắc bệnh sởi. Uớc tính có khoảng 48.000 ca nhập viện mỗi năm do các biến chứng sởi như nhiễm trùng tai, bạch hầu, tiêu chảy và viêm phổi. Khoảng 1.000 trẻ em mỗi năm bị viêm não, sưng não do biến chứng nặng có thể gây thiểu năng trí tuệ hoặc tử vong.
Ngay cả khi bệnh nhân sống sót sau khi mắc sởi cũng vẫn có thể có nguy cơ tử vong vì một biến chứng rất hiếm gặp: Viêm não xơ cứng bán cấp (SSPE). Biến chứng này có thể tồn tại một đến hai thập kỷ sau đó, gây ra suy kiệt dần dần cho đến khi bệnh nhân mê man và cuối cùng tử vong.
Vaccine phòng bệnh sởi sẽ giảm áp lực lớn mà bệnh này gây ra với sức khỏe cộng đồng. Vì lý do đó, nhà khoa học John Enders tại Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ) đã quyết tâm phát triển vaccine phòng sởi.
Nhà nghiên cứu Thomas Peeble làm việc cho ông Enders trong vòng 1 tháng đã phân lập được virus từ mẫu máu của cậu bé 13 tuổi David Edmonston. Đến năm 1958, nhóm Trẻ em Boston đã có vaccine sởi sống để thử nghiệm ở trẻ khuyết tật tại Trường Fernald và Trường Bang Willowbrook, nơi các khu dân cư ở gần nhau và làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh trong các đợt bùng phát.
Nhưng virus trong vaccine vẫn còn rất mạnh, khiến hầu hết trẻ em sốt cao và phát ban tương tự như triệu chứng sởi nhẹ. Ông Enders sau đó đã chia sẻ chủng này với các nhà khoa học khác, bao gồm Maurice Hilleman, nhà khoa học hàng đầu của công ty dược Merck và là người đã phát triển nhiều loại vaccine nhất lịch sử.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách nuôi cấy vaccine một cách an toàn trong trứng và tiêm vaccine này đồng thời với kháng thể sởi để giảm tác dụng phụ. Đến ngày 21/3/1963, FDA đã cấp phép cho vaccine ngừa sởi sống đầu tiên mang tên Rubeovax của công ty Merck.
Các vaccine phòng sởi khác cũng sớm được phê duyệt, bao gồm một loại vaccine bất hoạt ít tác dụng phụ hơn nhưng khả năng bảo vệ kém hơn. Loại vaccine này đã bị loại bỏ khỏi thị trường vào năm 1968, cùng năm Hilleman cải tiến vaccine sởi thành loại được sử dụng ngày nay - một loại vaccine không có tác dụng phụ nghiêm trọng và cũng không cần tiêm thêm kháng thể sởi.
Vào thời điểm đó, số ca mắc bệnh sởi đã giảm tới 90% sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tuyên bố về kế hoạch loại trừ bệnh sởi hai năm trước đó. Bước tiếp theo là thuyết phục các bậc cha mẹ tiêm chủng cho con cái.
Cho đến khi Mỹ thực hiện tiêm chủng mở rộng trong trường học và có nguồn tài trợ liên bang lâu dài, nước này mới bắt đầu nhích dần tới việc loại trừ bệnh sởi. Cuối cùng nước Mỹ loại trừ căn bệnh này vào năm 2000. Mặc dù các trường hợp mắc bệnh sởi vẫn gia tăng, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ định nghĩa rằng loại trừ bệnh có nghĩa là không có sự lây lan bệnh liên tục trong 12 tháng trở lên trong một khu vực địa lý.