Giai đoạn năm 1941 đến 1945, nước Đức dưới thời trùm phát xít Adolf Hitler đã giết hại khoảng 6 triệu người Do Thái, tức 2/3 dân số Do Thái ở châu Âu, gây ra thảm họa diệt chủng Holocaust.
Trong thời kỳ đen tối này, có những câu chuyện về những con người và tổ chức đã thể hiện lòng dũng cảm phi thường để cứu mạng sống người Do Thái. Họ là ánh sáng hiếm hoi trong thời kỳ tăm tối và có thể mang tới một vài cái kết có hậu.
Tình hình bức hại người Do Thái ở Italy không mấy được chú ý vì ít so với số người bị thảm sát trong cộng đồng người Do Thái ở Đông Âu trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, cũng có từ 8.000 tới 9.000 Do Thái Italy thiệt mạng trong thảm họa diệt chủng Holocaust.
Dưới chế độ phát xít Italy của Benito Mussolini năm 1938, có nhiều bộ luật được thông qua chống lại quyền lợi của cộng đồng Do Thái ở Italy. Tuy nhiên, mãi tới cuối năm 1943, sau khi chế độ phát xít sụp đổ và lực lượng Đức quốc xã chiếm đóng Italy, người Do Thái ở Italy mới đối mặt với việc bị trục xuất tới các trại tập trung.
Tháng 9/1943, chế độ bù nhìn bấy giờ là Cộng hòa Xã hội Italy vẫn do Mussolini đứng đầu đã bắt đầu bắt bớ và trục xuất có hệ thống người Do Thái Italy tới các trại tập trung ở Trung và Đông Âu. Tới tháng 3/1945, ước tính khoảng 10.000 người Do Thái đã bị đưa tới các trại này. Chỉ có 1.000 người trở về nhà sau khi chiến tranh kết thúc.
Ngày 16/10/1943, các binh lính Đức quốc xã bắt đầu đột kích khu ở của người Do Thái tại Rome. Cách khu nhà ở này không xa là bệnh viện Fatebenefratelli 450 tuổi, nằm trên một hòn đảo bé nhỏ dài 270m giữa sông Tiber ở Rome.
Dưới sự điều hành của Giáo sư Giovanni Borromeo, một người đàn ông từng từ chối gia nhập đảng Phát xít, bệnh viện Thiên chúa giáo này đã nổi tiếng là một nơi trú ẩn an toàn cho người Do Thái.
Bệnh viện là nơi làm việc của những bác sĩ như Vittorio Sacerdoti, một người Do Thái 28 tuổi từng mất việc vì tôn giáo và hành nghề ở đây dưới giấy tờ giả. Ông Borromeo đã lắp đặt một hệ thống truyền và nhận tín hiệu radio bí mật trong tầng hầm bệnh viện để liên lạc với những người ủng hộ.
Vào ngày 16, bệnh viện mở cửa đón tất cả người Do Thái tìm nơi trú ẩn để tránh cuộc đột kích của Đức quốc xã. Ông Borromeo biết chắc chắn bệnh viện sẽ bị lục soát và vì thế ông cùng với Sacerdoti và một bác sĩ khác tên là Adriano Ossicini đã nảy ra một ý tưởng thiên tài.
Bất kỳ người Do Thái nào tới bệnh viện sẽ được coi là bệnh nhân nhập viện và lý do là đang mắc bệnh nguy hiểm chết người và truyền nhiễm mạnh. Bệnh đó được gọi là “Il Morbo di K”, hay là Hội chứng K.
Tất nhiên, bệnh này không có trong bất kỳ sách giáo khoa y học nào vì nó hoàn toàn là bệnh được bịa ra. Bác sĩ Ossicini đã đặt tên bệnh chết người này theo chữ cái đầu trong tên của hai người đàn ông gây nhiều chết chóc nhất là Albert Kesserling, một chỉ huy Đức phụ trách binh sĩ Đức quốc xã ở Rome và Herbert Kappler, cảnh sát trưởng Rome – người mà hồi tháng 3/1944 đã gây ra vụ thảm sát Ardeatine khiến 335 dân thường Italy chết.
Các bác sĩ có cách riêng để phân biệt bệnh nhân thật và những người đóng giả bệnh nhân trú ẩn trong bệnh viện. Để hỗ trợ thực hiện kế hoạch, các phòng bệnh được sắp đặt dành riêng cho người mắc Hội chứng K. Mọi bệnh nhân đều phải đóng vai của mình và được khuyên ho dữ dội nếu lính Đức quốc xã tới gần.
Khi binh sĩ Đức quốc xã tới lục soát bệnh viện, họ được cảnh báo rằng viện đang có nhiều bệnh nhân bắc bệnh thần kinh truyền nhiễm mạnh là Hội chứng K. Triệu chứng bệnh là co giật, liệt và có thể dẫn tới biến dạng cơ thể rồi chết. Kế hoạch có tác dụng và các binh sĩ không dám vào tòa nhà bệnh viện.
Bác sĩ Sacerdoti kể với đài BBC năm 2004: “Đức quốc xã nghĩ đó là bệnh ung thư hoặc lao và chúng chạy như thỏ”.
Các bác sĩ sau đó di chuyển những người Do Thái là bệnh nhân giả này tới nhiều ngôi nhà an toàn quanh thành phố. Được bác sĩ Borromeo và cha Maurizio cho phép, bác sĩ Sacerdoti đưa bệnh nhân từ bệnh viện Do Thái trong khu của họ tới bệnh viện Fatebenefratelli để chăm sóc tốt hơn. Đây là hành động dũng cảm đã cứu thêm vô số mạng người nữa.
Tháng 5/1944, Đức quốc xã cuối cùng cũng đột kích bệnh viện Fatebenefratelli. Tuy nhiên, kế hoạch đánh lừa được thực hiện cẩn thận tới mức chỉ có 5 người Do Thái Ba Lan bị bắt khi đang trốn trên ban công. Họ sống sót sau chiến tranh khi Rome được giải phóng chỉ một tháng sau đó.
Mặc dù con số chính xác khác nhau theo từng nguồn, nhưng ước tính các bác sĩ ở bệnh viện Fatebenefratelli và kế hoạch Hội chứng K đã cứu mạng từ 25 đến 100 người Do Thái và tị nạn chính trị, trong đó có cả cháu trai 10 tuổi của Tiến sĩ Sacerdoti.
Sau chiến tranh, Chính phủ Italy đã nhiều lần vinh danh Giáo sư Borromeo. Năm 1961, ở tuổi 62, ông đã qua đời trong bệnh viện của mình. Khoảng 40 năm sau, những người từng được ông cho trú ẩn đã xây tượng đài Yad Vashem để tưởng niệm nạn nhân Holocaust. Ông Borromeo được truy tặng danh hiệu “Righteous Among the Nations” (Tạm dịch: Người công chính giữa các dân tộc), một vinh dự dành cho những người không phải là người Do Thái nhưng đã liều mạng cứu người Do Thái trong thời gian Holocaust.
Xem hình ảnh tư liệu về Hội chứng K (nguồn: ATI):
Năm 2016, bệnh viện Fatebenefratelli cũng được nhận một vinh dự khi được Tổ chức Raoul Wallenberg Quốc tế tuyên bố là House of Life (Ngôi nhà cuộc sống). Đây là một tổ chức của Mỹ chuyên có hoạt động tưởng nhớ và vinh danh hành động anh hùng thời Holocaust.
Để kỷ niệm dịp này, bác sĩ Ossicini khi đó 96 tuổi đã trả lời phỏng vấn tờ La Stampa của Italy. Ông nói: “Bài học kinh nghiệm của tôi là chúng ta phải hành động không vì lợi ích riêng mà vì nguyên tắc đạo đức. Bất kỳ điều gì khác đều là xấu hổ”.
Theo trang historytoday.com, tất cả bác sĩ đóng vai trò trong kế hoạch Hội chứng K đều biết họ đang mạo hiểm sinh mạng của chính mình. Chỉ cần một câu lỡ lời có thể khiến họ phải trả giá đắt. Tuy nhiên, hành động phi thường của họ là một tia hy vọng và đã cứu vớt những người dân đang đối mặt với sự bức hại của Đức quốc xã.