Xuất hiện dấu hiệu xuống thang
Ngày 25/10, U Thant lại viết gửi thư cho Kennedy và Khrushchev. Trong thư gửi Khrushchev, U Thant chỉ rõ việc tàu Liên Xô tiến về Cuba càng làm cho người Mỹ cảm thấy bị khiêu khích hơn. U Thant hy vọng Khrushchev có thể chỉ thị cho những chiếc tàu Liên Xô trên đường tới Cuba không được tiến vào khu vực ngăn chặn do Mỹ đặt ra. Trong thư gửi Kennedy, U Thant cho biết ông đã yêu cầu nhà lãnh đạo Liên Xô chỉ thị cho những chiếc tàu Liên Xô trên đường tới Cuba không được tiến vào khu vực ngăn chặn do Mỹ đặt ra, yêu cầu ông chủ Nhà Trắng ra lệnh cho các chiến hạm Mỹ trong vài ngày tới cố gắng tránh đối mặt với tàu thuyền Liên Xô.
Mỹ đã có phản ứng tích cực đối với kiến nghị của U Thant. Bằng chứng là Oasinhtơn đã đồng ý rằng chỉ cần những chiếc tàu Liên Xô đang trên đường tới Cuba không đi vào khu vực ngăn chặn do Mỹ đặt ra, các chiến hạm Mỹ sẽ tìm mọi cách tránh đối mặt với tàu Liên Xô ở biển Caribê. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Khrushchev cũng có phản ứng tương tự khi cho biết: "Tôi tiếp nhận kiến nghị của ngài và đã ra lệnh cho thuyền trưởng các tàu của Liên Xô trên đường tới Cuba chưa đi vào vùng hải tặc của các chiến hạm Mỹ không tiến vào khu vực ngăn chặn".
Tàu chở tên lửa Komar của Liên Xô trên đường tới Cuba |
Kì thực, ban đầu, Mỹ và Liên Xô ra sức phô trương thực lực quân sự buộc đối phương nhượng bộ, nhưng khi nhìn thấy bóng ma của cuộc chiến tranh hạt nhân cả hai đều tỏ ra rất thận trọng. Hơn ai hết, Mỹ và Liên Xô biết rõ hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân là như thế nào. Khrushchev đã không chỉ một lần tuyên bố chỉ có những kẻ điên rồ mới phát động chiến tranh hạt nhân. Chính vì thế, sau khi bày trận, nhận thấy không thể làm đối phương khuất phục, cả Mỹ và Liên Xô đều cảm thấy sợ và bắt đầu tìm đường lui.
Tên lửa tầm trung R-12 (SS-4) của Liên Xô tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva. |
Ngày 27/10, Khrushchev viết thư gửi Kennedy, biểu thị mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán. Khrushchev cho rằng quan tâm tới an ninh của nhân dân Mỹ và hoà bình thế giới là trách nhiệm hàng đầu của Tổng thống Mỹ. Là người đứng đầu Chính phủ Liên Xô, Khrushchev cũng thấy sứ mệnh của mình là quan tâm đến an ninh của nhân dân Liên Xô và hoà bình thế giới. Việc Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo này, không phục vụ mục đích tấn công nước Mỹ. Do dó, số lượng và uy lực của các đơn vị tên lửa bố trí tại Cuba về căn bản không thể so sánh được với Mỹ. Khrushchev còn viết: "Việc ngài muốn loại trừ mối nguy hiểm đối với nước Mỹ là có thể hiểu được.
Nhưng người Cuba cũng nghĩ như vậy. Tất cả mọi quốc gia trên thế giới này đều không muốn mình bị đe doạ. Do đó, lẽ nào chúng tôi có thể nhượng bộ trước hành động của các ngài? Trên thực tế, các căn cứ quân sự của các ngài đang bao vây chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi. Các ngài cũng đang tự ý xây dựng căn cứ quân sự và bố trí tên lửa xung quanh chúng tôi, nhằm vào chúng tôi. Ngài lo lắng trong vấn đề tên lửa tại Cuba vì hòn đảo này chỉ cách nước Mỹ có 90 dặm Anh (gần 145 km), nhưng đất nước chúng tôi lại giáp với Thổ Nhĩ Kỳ" (Ý của Khrushchev là đáng ra Liên Xô mới phải là người phải lo lắng hơn vì những quả tên lửa của Mỹ bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong thư, Khrushchev cũng kiến nghị Liên Xô và Mỹ tiến hành đàm phán, thương thảo loại trừ sự uy hiếp lẫn nhau: 1/ Liên Xô rút tên lửa hạt nhân ra khỏi Cuba. Mỹ cũng phải rút tên lửa hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác giám sát việc rút tên lửa của hai bên do LHQ đảm nhiệm; 2/ Liên Xô tuyên bố tại LHQ bảo đảm tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, không can thiệp vào công việc nội bộ và không xâm phạm Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng phải đảm bảo trước LHQ không xâm phạm Cuba, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cuba.
Rõ ràng, Khrushchev muốn cả Mỹ và Liên Xô phải có sự nhượng bộ đối đẳng với nhau nhằm giữ thể diện khi rút tên lửa ra khỏi Cuba. Khi đó, các nhà quan sát nước ngoài ở Mátxcơva cho rằng người Mỹ và người Liên Xô đã bắt đầu thương vụ buôn bán của mình.Năm giờ chiều 27/10, bức thư của Khrushchev được trao cho Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva. Bản sao của nó cũng được gửi cho Tổng Thư ký LHQ U Thant. Đài Phát thanh Mátxcơva sau đó cũng cho phát đi toàn văn bức thư này. Rất nhanh sau đó, Kennedy đã viết thư trả lời. Trong thư, Kennedy đồng ý rằng nếu Liên Xô rút hết những loại vũ khí mà theo phía Mỹ thuộc loại tiến công, Oasinhtơn sẽ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh phong tỏa Cuba và bảo đảm không xâm phạm Cuba.
Nhưng Kennedy cũng đưa ra hai điều kiện kèm theo: 1/ Liên Hợp Quốc phái tiểu ban chuyên môn tới Cuba giám sát việc rút tên lửa hạt nhân; 2/ Liên Xô phải đảm bảo không tiếp tục vận chuyển vũ khí tới Cuba. Điều đáng chú ý là Kennedy đã không đề cập tới vấn đề vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tám giờ 5 phút chiều 27/10, bức thư của Kennedy được trao cho Đại sứ quán Liên Xô ở Oasinhtơn và 10 giờ 30 phút sáng hôm sau thì có mặt ở Bộ Ngoại giao Liên Xô. Ngày 28/10, Kennedy ra tuyên bố hoan nghênh kiến nghị đàm phán của Khrushchev. Tối hôm đó, đại diện đàm phán của Liên Xô, Thứ trưởng Ngoại giao Vasily Vasilyevich Kuznetsov đã tới New York. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ U Thant cũng liên tục hội đàm với đại diện 3 nước: Mỹ, Liên Xô và Cuba.
Do Liên Xô và Mỹ đều có dấu hiệu xuống thang, nên khủng hoảng trên biển Caribê đã xuất hiện tia hy vọng hoà hoãn và chuẩn bị đi tới hồi kết. Kennedy cuối cùng cũng có thể rời phòng làm việc về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Khrushchev thở phào nhẹ nhõm, đề nghị chính phủ cùng với các nhân vật quan trọng khác đi xem kịch ở nhà hát Mátxcơva. Khrushchev đã nói rằng: "Nhân dân Liên Xô và người nước ngoài sẽ chú ý đến chúng ta. Đi xem kịch có thể làm chúng ta bình tĩnh trở lại. Họ (nhân dân Liên Xô và người nước ngoài) sẽ nghĩ nếu Khrushchev và những nhà lãnh đạo Liên Xô khác có thể đi xem kịch vào lúc này vậy thì chí ít tối nay chúng ta có thể yên tâm đi ngủ'". Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba dường như chỉ còn đợi làm nốt những công việc "hậu sự". Trong thư gửi Khrushchev, U Thant viết: "Tôi rất chú ý đến kiến nghị mang tính xây dựng của ngài nhằm loại bỏ tình hình căng thẳng ở khu vực Caribê. Tôi tin rằng sau khi kiến nghị này được thực thi, tình hình khu vực Caribê sẽ trở lại bình thường".
Chính do tình hình diễn tiến thuận lợi như vậy, nên nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng trên biển Caribê tới đây là kết thúc, hoà bình đã được vãn hồi. Nhưng liệu nhân loại đã có thể kê cao gối ngủ?
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Lập trường kiên quyết của Cuba