Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 6

Hành động ngăn chặn của quân đội Mỹ


Hành động của Mỹ nhận được sự ủng hộ của 84% người dân nước này. Trên bình diện quốc tế, chính phủ nhiều nước như Tây Đức, Anh, Pháp, Canađa và 14 nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đứng về Oasinhtơn. Trong một thời gian ngắn ở Tây bán cầu đã hình thành liên minh chống Liên Xô.


Lợi dụng tình hình, ngày 23/10, Kennedy ra thông báo "Cấm vận chuyển vũ khí tiến công đến Cuba", tuyên bố "Quân đội do tôi làm thống soái từ 14 giờ GMT ngày 24/10/1962, căn cứ vào những chỉ thị đưa ra trong thông báo này sẽ tiến hành cấm việc vận chuyển vũ khí tiến công và các vật tư liên quan đến Cuba".


Thông báo quy định những vật tư bị cấm gồm: Tên lửa đất đối đất, bom, rốckét và tên lửa không đối đất, các loại đầu đạn lắp vào những loại vũ khí trên, những thiết bị duy trì và điều khiển các loại vũ khí trên… Kennedy còn uỷ quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đưa ra những điều lệ và chỉ thị cần thiết về việc hoạch định những khu vực cấm, khu vực hạn chế, tuyến đường cũng như việc ngăn chặn, kiểm tra tên hiệu, hàng hoá và cảng đến của những con tầu tới Cuba.


Tàu Poltava của Liên Xô trên đường tới Cuba ngày 15/9/1962.


Đối mặt với sự bức bách quá đáng của Mỹ, Liên Xô vẫn không hề nao núng. Ngày 23/10, Cremli ra tuyên bố lên án việc Mỹ tiến hành phong toả vùng biển xung quanh Cuba là "hành vi cướp biển chưa từng có trong lịch sử", là "đi theo hướng phát động chiến tranh hạt nhân trên thế giới".


Mátxcơva cũng tỏ rõ quan điểm: Nếu quân xâm lược phát động chiến tranh sẽ phải chịu đòn giáng trả mạnh mẽ nhất từ Liên Xô. Hai siêu cường nắm trong tay loại vũ khí giết người hàng loạt khủng khiếp - vũ khí hạt nhân cùng tuốt kiếm giương cung. Đương nhiên, một cuộc đọ sức vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Biển Caribê vì thế mà dậy sóng. Thế giới cũng đứng trước bờ vực của thảm họa chiến tranh hạt nhân.

 

Trên Đại Tây Dương, quân đội Mỹ đã cho thiết lập một tuyến phong tỏa nghiêm mật với sự tham gia của 16 tàu khu trục, 3 tàu tuần dương, một tàu sân bay chống ngầm, 6 tàu cung cấp và 150 tàu dự bị để có thể kiểm soát tất cả các con tàu ra, vào Cuba. Đêm 23/10, đội tàu chở hàng của Liên Xô vẫn cứ ào ào tiếp cận đường cách ly. Sáng hôm sau, 8 tàu ngầm và 18 tàu chở hàng của Liên Xô tới địa điểm hội quân. Phía Mỹ đã sẵn sàng ra lệnh tấn công nhấn chìm bất cứ chiếc tàu ngầm nào xâm phạm đường cách ly. Chính trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc đó, những chiếc tàu Liên Xô gần đường cách ly nhất dừng lại rồi quay đầu. Hai bên tránh được một cuộc xung đột mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ rất khó lường.

Tàu khu trục Joseph P. Kennedy (trái) của Mỹ dừng, kiểm tra tàu Marucla của Liên Xô ngày 26/10/1962.

Đề cập tới nguyên nhân Liên Xô và Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột sáng 24/10, có người nói là do sự thận trọng của Kennedy và Khrushchev; có người lại cho rằng những chiếc tàu dừng lại trước đường cách ly chở trang thiết bị mang tính tiến công tới Cuba; có người suy đoán Mátxcơva không dám mạo hiểm để lọt vào tay người Mỹ những bí mật công nghệ chế tạo tên lửa, đầu đạn hạt nhân và thiết bị điện tử. Tuy nhiên, theo cựu Đại sứ Liên Xô tại Mỹ, Dobrynin, những chiếc tàu trên chở vũ khí hạt nhân.

 

Ngày 25/10, lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện lệnh ngăn chặn một chiếc tàu chở hàng của Liên Xô, mang tên Bucharest. Tháng 9/1962, sau khi chất lên 9.000 tấn hàng, chiếc tàu này rời cảng Odessa bên bờ Biển Đen, bắt đầu hành trình tới Cuba. Ngày 24/10, một chiếc tàu sân bay của Mỹ tiến lại gần tàu Bucharest. Hai bên chỉ cách nhau khoảng 300 m. Sáng sớm ngày 25/10, một số máy bay Mỹ được lệnh lượn vòng bên trên tàu Bucharest. Tàu Mỹ gặng hỏi tàu Liên Xô chở hàng gì, nhưng vẫn không phái người lên boong kiểm tra. Sau khi quan sát kĩ, các quan chức Mỹ cho rằng Bucharest là một chiếc tàu chở dầu bình thường. Sáng 26/10, tàu Bucharest tới La Habana, nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của mọi người. Thuyền trưởng và 50 thuyền viên vinh dự đón nhận những bó hoa tươi thắm cùng quốc kì Cuba và huy hiệu Fidel vì đã "không sợ sự uy hiếp của chủ nghĩa đế quốc Mỹ" dũng cảm đến với Cuba.

 

Tuy nhiên, những chiếc tàu khác lại không may mắn như Bucharest. Ngày 26/10, tàu Marucla (do Mỹ chế tạo, đăng ký ở Libăng) được Liên Xô thuê của Panama rời cảng Riga ở bờ biển Baltic chở hàng tới Cuba. Khi còn cách quần đảo Bahamát khoảng 180 hải lý về phía đông bắc thì bị hai chiếc tàu khu trục của Mỹ chặn lại. Lính Mỹ lên tàu khám xét hàng hoá, tra hỏi thuyền viên. Tàu Marucla chỉ được phía Mỹ tha cho đi khi xác nhận hàng hoá nó chở chỉ là ô tô và linh kiện ô tô. Ngày 27/10, quân Mỹ lại chặn một chiếc tàu của Cuba để kiểm tra. Sau này quân Mỹ giải thích họ không khám xét tàu của Liên Xô, mà chỉ kiểm tra một chiếc tàu do Liên Xô thuê và sự lựa chọn đó là có chủ ý. Mục đích nhằm tránh xung đột không cần thiết với Liên Xô, nhưng vẫn cho thấy việc Mỹ ra lệnh ngăn chặn tàu đến Cuba không phải là lời nói suông.

 

Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn xuống thang, nhưng cũng không muốn nổ súng vào nhau. Liên Xô bị buộc phải dừng việc vận chuyển trang thiết bị mang tính tiến công tới Cuba, nhưng vẫn đẩy nhanh việc xây dựng kho dự trữ vũ khí hạt nhân, bãi phóng tên lửa ở Cuba. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân trên không. Ngoài ra, hai bên Xô-Mỹ còn tiến hành một cuộc đấu tranh tâm lý không khoan nhượng.

 

Minh Thành(Tổng hợp)

Đón đọc kỳ sau:Những bức thư qua lại giữa Kennedy và Khrushchev

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 5
Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 5

Về thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, sử sách đều ghi bắt đầu từ ngày 22/10/1962 khi Mỹ tuyên bố phong tỏa Cuba và kết thúc vào ngày 28/10 khi Liên Xô và Mỹ kí hiệp định, theo đó, Mátxcơva sẽ đình chỉ việc xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba và triệt thoái tên lửa khỏi Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN