Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 2

 Kỳ 2: Đến những chuyến tầu bí mật trên biển Caribê


Từ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, hai phe Xô, Mỹ luôn trong tình trạng “tên chuẩn bị rời cung, súng sẵn sàng lẩy cò” và bên nào cũng muốn giành phần thắng.

 

Về phần Oasinhtơn, sau khi Eisenhower bước vào Nhà Trắng, John Dulles thay George Marshall làm Ngoại trưởng, từ “ngăn chặn”, chính sách đối phó với phe xã hội chủ nghĩa của Mỹ đã chuyển thành “ngăn chặn và giải phóng”: một mặt dựa vào ưu thế hạt nhân quân sự để đạt được hiệu quả uy hiếp cao nhất với giá thấp nhất, thông qua răn đe hạt nhân và thiết lập vòng vây quân sự tiếp tục ngăn chặn sự “bành trướng” của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản; mặt khác dựa vào các hành động bí mật và tấn công tâm lý để lật đổ chính quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa, dùng biện pháp hòa bình “giải phóng nhân dân các nước Đông Âu khỏi ách áp bức của chủ nghĩa cộng sản” (chiến lược Diễn biến hòa bình).


Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà lãnh đạo Khrushchev của Liên Xô, hai nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.


Đối với Mátxcơva, sau khi Stalin mất, Georgy Malenkov lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong hơn hai năm nắm quyền, Malenkov đã cho thực thi chính sách đối ngoại tương đối hòa hoãn, làm dịu bớt sự đối kháng vốn rất quyết liệt với thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu. Năm 1955, sau khi Malenkov từ chức, Khrushchev đã không vì những bất đồng với Malenkov trong vấn đề đối nội mà thay đổi chính sách đối ngoại của Liên Xô, thậm chí còn tỏ ra hòa hoãn hơn với phương Tây so với người tiền nhiệm. Ví dụ: Liên Xô kết thúc tình trạng chiến tranh với Đức, thừa nhận sự trung lập của Áo và rút quân đội ra khỏi nước này, cải thiện quan hệ với Mỹ, tìm cách giải trừ quân bị, cấm bom nguyên tử, đưa ra đường lối tổng thể cho chính sách đối ngoại với nội dung chủ yếu là chung sống hòa bình…

 

Ở một mức độ nào đó, những điều chỉnh của Mỹ và Liên Xô đã làm dịu bớt sự căng thẳng của tình hình quốc tế kể từ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Mátxcơva và Oasinhtơn lùi bước vì thực chất đây là thủ đoạn tấn công mới. Trước tiên, cả Liên Xô và Mỹ khi đó đều gặp phải nhiều khó khăn lớn. Với Mỹ là vai trò minh chủ phe phương Tây bị lung lay do không thể giành chiến thắng trên chiến trường Triều Tiên. Với Liên Xô là khuynh hướng li tâm của các nước Đông Âu do phải đối mặt với những khó khăn kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, cả Liên Xô và Mỹ đều lấy thực lực quân sự làm lá chắn bảo vệ và không chịu đơn phương nhượng bộ. Do đó, mặc dù mùa đông băng giá của Chiến tranh Lạnh đã đi qua, nhưng mùa xuân hòa hoãn vẫn chưa tới. Trong thời khắc giao mùa đó, giữa Liên Xô và Mỹ, giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa lại xuất hiện những dòng hàn lưu đối kháng như cuộc khủng hoảng Béclin lần thứ hai, sự kiện bức tường Béclin, sự kiện máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô, sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh Pari… Tuy nhiên, dòng hàn lưu lớn nhất lại đến từ biển Caribê.

 

Sau sự kiện bãi biển Giron, chính sách khống chế và phong tỏa của Mỹ đối với Cuba càng ngặt nghèo hơn. Ngoài việc cấm vận mậu dịch toàn diện, Oasinhtơn tiếp tục sử dụng biện pháp cô lập để ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản kiểu Fidel ở Mỹ Latinh và không từ bỏ ý định can thiệp vũ trang. Vì thế, Lầu Năm góc thường xuyên phái máy bay do thám tầm cao U-2 tiến hành giám sát Cuba, chiêu mộ 150.000 quân dự bị, cho phép những phần từ Cuba lưu vong gia nhập quân đội Mỹ, tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn ở biển Caribê…

 

Hơn ai hết, Chủ tịch Fidel Castro, hiểu rõ thế và lực của Cuba lúc này, muốn chống lại Mỹ cách tốt nhất là nhờ vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau sự kiện bãi biển Giron, Khrushchev đã hai lần viết thư cho Kennedy nói rõ với người Mỹ rằng Liên Xô phải cung cấp cho Cuba mọi sự viện trợ cần thiết. Tháng 7/1962, Fidel phái Raul và Che Guevara dẫn đầu đoàn đại biểu Cuba thăm Liên Xô với mục đích chủ yếu là yêu cầu Liên Xô có biện pháp giúp Cuba tránh khỏi sự xâm lược của Mỹ. Trên thực tế, từ khi xảy ra sự kiện bãi biển Giron, Khrushchev luôn suy nghĩ nghiêm túc về sách lược đối với vấn đề Cuba. Theo Khrushchev, người Mỹ sẽ không thể chấp nhận được sự tồn tại của chính quyền Fidel. Nếu Liên Xô không có bước đi quyết định bảo vệ Cuba thì rất có thể sẽ mất Cuba. Nếu Cuba sụp đổ, các nước Latinh khác sẽ rời bỏ Liên Xô, làm sụt giảm nghiêm trọng vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Với suy nghĩ đó, Khrushchev quyết tâm biến Cuba thành lô cốt đầu cầu ngay trong sân sau của phương Tây.

 

Trong chuyến thăm này, Cuba và Liên Xô đã đạt được một hiệp định đàm phán quân sự. Theo đó, Liên Xô sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Cuba và cử chuyên gia quân sự tới đảo quốc này. Nội dung cụ thể của hiệp định không được công bố, nhưng sau đó người Mỹ phát hiện, số lượng tầu Liên Xô chở vật tư đi tới biển Caribê tăng mạnh, chỉ trong hai tháng 7 và 8/1962 đã là hơn 100 lượt. Đặc biệt, những chiếc tàu này sau khi cập cảng Cuba, hàng hoá đều do người Liên Xô bốc dỡ. Điều này đã làm cho người Mỹ nghi ngờ. Khi đó, ở nước Mỹ cũng loang đi tin có 16 tàu hàng của Liên Xô chở theo 3.000-5.000 nhân viên kĩ thuật và rất nhiều cấu kiện tên lửa đã tới Cuba. Tuy chưa được kiểm chứng, nhưng nó đã làm cho người Mỹ cảm thấy bất an. Ngay lập tức, Mỹ tăng cường giám sát đường không và đường biển đối với Cuba, chụp ảnh tất cả những tàu Liên Xô đi vào vùng biển Cuba. Kennedy rất quan tâm tới những thông tin tình báo này. Bắt đầu từ tháng 8/1962, việc nhân viên và trang bị của Liên Xô được đưa vào Cuba luôn nằm trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng. Phái cứng rắn của đảng Cộng hòa càng được thể, phê phán sự yếu kém về chính sách đối ngoại của chính quyền Kennedy (thuộc đảng Dân chủ).

 

Cuối tháng 8 năm đó, Che Guevara dẫn đầu doàn đại biểu thứ hai của Cuba sang thăm Mátxcơva. Ngày 2/9, hai nước ra thông báo cho biết Liên Xô đồng ý với yêu cầu cung cấp vũ khí và chuyên gia kĩ thuật cũng như huấn luyện cho lực lượng vũ trang của Cuba. Sự hoài nghi của người Mỹ đã được chứng thực. Ngày 4/9, Nhà Trắng ra tuyên bố về việc Liên Xô thiết lập trận địa tên lửa phòng không ở Cuba và tàu chở tên lửa của Liên Xô. Người Mỹ không thể chấp nhận được cảnh những quả tên lửa đất đối đất và các loại vũ khí tiến công khác được bố trí ở Cuba. Đứng trước sự phản ứng quyết liệt của Mỹ, ngay ngày hôm đó, Khrushchev đã viết thư gửi Kennedy, bảo đảm rằng trước khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra sẽ không có bất cứ hành động gì làm phức tạp hóa tình hình quốc tế và khiến quan hệ hai nước căng thẳng thêm. Một tuần sau, chính phủ Liên Xô ra tuyên bố: Liên Xô không cần thiết phải di chuyển vũ khí tiến công chiến lược sang nước khác như Cuba. Liên Xô có khả năng chi viện cho bất cứ nước nào yêu chuộng hoà bình ngay từ lãnh thổ của mình.



Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: Cuộc đấu vẫn tiếp tục

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 1
Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 1

Khủng hoảng tên lửa Cuba (tháng 10/1962) là sự kiện kịch tính nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từng đẩy Mátxcơva và Oasinhtơn đến bên bờ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng rốt cuộc, ít người biết được nguyên nhân sâu xa gây ra nó...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN