Huyền
thoại Colditz là một câu chuyện kể đầy cảm động về cuộc sống bên trong
một nhà tù nổi tiếng của phát xít Đức. Câu chuyện về Colditz đã kích
thích trí tưởng tượng của nhiều độc giả trong suốt nhiều thập kỷ. Toàn
bộ câu chuyện toát lên lòng dũng cảm, danh dự, tình yêu và khát vọng tự
do của những người lính quân Đồng minh. Nhà tù này từng được coi là pháo
đài “nội bất xuất”, thậm chí đến một con kiến cũng không thể chui lọt;
nhưng các tù binh chiến tranh đã chứng minh điều ngược lại, cho dù phần
lớn trong số họ đều bị bắt trở lại nhà tù
Kỳ 6: Cải trang
Phương pháp cải trang thành những viên sĩ quan hay những tên lính gác của nhà tù để thoát ra ngoài là cách được khá nhiều tù nhân ở Colditz lựa chọn. Song sự thông minh, khéo léo của họ vẫn không mang lại kết thúc có hậu. Bởi cho dù có trốn khỏi Colditz thì họ vẫn chưa thoát khỏi sự phong tỏa của phát xít Đức và rốt cục họ vẫn phải quay trở lại nhà tù này.
Tù nhân nguy hiểm nhất
Trong con mắt của những tên lính canh ở nhà tù Colditz, Gris David Scourfield nổi lên là một trong những tù nhân nguy hiểm nhất. Kế hoạch đào tẩu của anh rất đơn giản – cải trang giống như một sĩ quan Đức và đàng hoàng bước ra khỏi nhà tù.
Tất cả những gì mà người tù trốn trại này phải làm là tìm được một cách nào đó để thoát ra ngoài nhà tù mà không bị để ý. Cái cách mà anh lựa chọn không hề dễ chịu chút nào: Chui trong chiếc xe dùng để chở rác từ trong nhà tù ra ngoài.
Khoác trên người cùng lúc ba bộ quần áo (bộ dân thường, bộ quân phục của sĩ quan Đức và bộ quần áo công nhân mặc ngoài cùng), Gris thực hiện cuộc đào tẩu đầy hiểm nguy qua chiếc sân rộng bên trong nhà tù trong đống rác rưởi. Sau khi đã được trút xuống bãi rác, anh cởi bỏ bộ quần áo công nhân, chỉnh trang lại dáng vẻ bên ngoài và bình tĩnh bước ra khỏi nhà tù như một sĩ quan Đức.
Tuy nhiên, việc thoát ra ngoài bức tường của tòa lâu đài mới chỉ là thành công bước đầu. Ra được bên ngoài rồi nhưng Gris phải làm thế nào để những tên cai ngục tin rằng anh vẫn còn trong ngục.
Về chuyện này, Gris đã gặp may khi vị trí của anh được thay thế bằng một… con ma. Số là 6 tháng trước đó, Jack Best, một tù nhân ở Colditz, giả vờ trốn trại, làm cho quản giáo tin rằng anh đã bỏ trốn thành công, trong khi thực tế Jack vẫn ở trong trại giam, bí mật sống bên dưới những tấm ván lát sàn.
Công việc của Jack là thế chỗ những tù nhân trốn trại để đảm bảo quân số tù nhân vẫn đủ cho đến tận lúc người bỏ trốn đã được an toàn.
Khoác trên mình bộ trang phục dân thường, Gris đi lại thoải mái mà hầu như chẳng bị nghi ngờ chút nào. Anh gần như đã trốn thoát thành công. Tuy vậy, khi chỉ còn cách biên giới Hà Lan hơn 100 km, anh bị những người lính nghi ngờ. Họ phát hiện ra Gris trốn trại nên đã “tóm cổ” anh trở lại Colditz.
Cáo đỏ của Colditz
Những tên cai ngục tại nhà tù Colditz đã đặt cho Trung úy Mike Sinclair biệt danh “Con cáo đỏ”. Biệt danh này hoàn toàn phù hợp bởi Sinclair không chỉ có một mái tóc màu đỏ mà còn bởi anh là một tù nhân có nhiều mưu mẹo.
Tổng cộng, Mike Sinclair đã tiến hành 7 cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Colditz. Đáng ra số lần vượt ngục sẽ là 8 nếu như một cuộc vượt ngục của anh không bị ngăn chặn từ trước. Một trong số những cuộc vượt ngục được đánh giá là táo bạo nhất của anh được tiến hành vào mùa xuân năm 1943.
Nhiệm vụ của Sinclair là bắt chước dáng vẻ bên ngoài của một trong những tên sĩ quan phát xít Đức có bộ ria rất rậm với biệt danh Franz Josef. Với việc chú ý đến từng chi tiết, Sinclair bắt chước giống hệt Franz Josef, kể từ bộ quân phục, bộ ria mép đến dáng đi và phong cách riêng.
Kế hoạch của họ là Mike Sinclair và hai người tù khác đóng giả làm lính gác để đổi gác với những tên lính canh đang làm nhiệm vụ. Bằng cách này sẽ có ít nhất từ 30 - 40 sĩ quan Anh thoát ra ngoài theo đường cổng chính. Mỗi người sau đó sẽ phải tự nỗ lực để thoát thân, sử dụng các giấy thông hành và bản đồ được giấu kín ở phía mặt sau của những hộp đựng thuốc xì gà.
Quy mô của lần đào tẩu này đòi hỏi cả nhóm phải nỗ lực hết mình, cũng như cần một khối lượng lớn trang bị dùng cho việc cải trang. Ngoài ra, mỗi người tù tham gia cũng sẽ phải có một giấy thông hành giả nếu muốn thoát ra khỏi nước Đức.
Mọi loại chất liệu đã được sử dụng để tạo ra các vật dụng cần thiết phục vụ cho cuộc đào tẩu. Chúng đều là sản phẩm tinh xảo được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của các tù nhân. Bản đồ là thứ cực kỳ quý và luôn khan hiếm với những người tù trốn trại.
Franz Josef (trái) và Mike Sinclair (phải). |
Để sản xuất ra bản đồ, họ đã nghĩ ra một cách để làm thêm các bản copy. Bằng cách sử dụng chất giêlatin có trong những gói đựng đồ cứu trợ của Hội Chữ thập Đỏ, họ đã làm ra những khay chứa một loại chất lỏng trong suốt và sau đó đặt các tấm bản đồ lên trên bề mặt này.
Khi tấm bản đồ gốc được dỡ ra, chất lỏng lúc này đã đông lại và lưu giữ những đường nét trên bản đồ và do đó những người tù có thể làm ra các bản copy khác của tấm bản đồ trên những tờ giấy sạch.
Việc người Đức sử dụng con dấu cao su để đóng lên những văn bản cũng đặt ra thách thức cho những người chuẩn bị đào tẩu. Một người tù trước đây vốn là một sĩ quan được giao nhiệm vụ dùng lưỡi dao lam khắc phù hiệu của phátxít Đức lên những chiếc đế giày làm bằng cao su.
Những con dấu giả này sau đó được nhúng vào một hỗn hợp làm từ mực và phấn không phai rồi triện lên những tờ giấy thông hành giả.
Cuộc vượt ngục đầy tham vọng này diễn ra theo đúng như kịch bản. Trong bộ dạng của Franz Josef, Sinclair đã đổi gác được hai nhóm lính gác đầu tiên, nhưng khi anh đến vọng gác cuối cùng, khi nhìn màu của tấm giấy thông hành của anh, toán lính gác này liền sinh nghi.
Chuông báo động reo lên và sau đó những sĩ quan Đức có mặt tại hiện trường. Trong một tình huống lộn xộn sau đó, Sinclair đã bị bắn vào ngực. Bằng chứng về trình độ đóng giả và khả năng thông thạo tiếng Đức của Sinclair là một số tên lính gác có mặt tại hiện trường đã tưởng rằng sĩ quan Franz Josef bị trúng đạn.
Rất may, viên đạn chỉ sượt qua tim của Sinclair, cách khoảng 2 cm. Sau đó, anh bị bắt lại và lên kế hoạch cho lần vượt ngục tiếp theo trước khi chiến tranh kết thúc.
Đình Vũ (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Vượt ngục bằng tàu lượn