Kỳ 5: Cuộc vượt ngục ngẫu nhiên
Petter Allan là một trong những thành viên của nhóm 6 tù nhân chạy trốn khỏi nhà tù Laufen, một nhà tù ở Đức mà các tù binh Anh gần như chắc chắn tiến hành cuộc đào tẩu đầu tiên trong Thế Chiến II. Sau này, họ bị đưa đến nhà tù Colditz, nơi Allan đã hỗ trợ cho cuộc đào tẩu bất ngờ của Trung tá (sau này được phong Trung tướng) người Pháp Alain Le Ray - người vượt ngục thành công đầu tiên ở nhà tù Colditz - và cũng chính tại nơi đây, Allan sau này đã có một cuộc vượt ngục hoàn toàn ngẫu nhiên.
Anthony Murray Allan bị bắt làm tù binh khi Sư đoàn 51 (Cao nguyên) bị chia cắt và bức hàng ở Saint Valéry vào tháng 6/1940 ở giai đoạn cuối cuộc tấn công của phát xít Đức vào miền bắc nước Pháp. Cùng với nhiều người lính khác, anh phải đi bộ qua nước Pháp đến Rhine, sau đó chuyển sang đi bằng tàu hỏa đến Stalag VIIC ở Laufen gần với biên giới Áo - Đức cũ.
Các tù nhân trong nhà tù Colditz. |
Ở đó, nhóm 6 tù nhân ở nhà tù Laufen đã tiến hành đào một đường hầm dẫn từ một nhà kho ở dưới lòng đất đến một chiếc lán nằm ở phía ngoài bờ tường nhà tù. Họ chia làm hai nhóm và bỏ trốn trong hai đêm kế tiếp nhau. Nhóm của Allan nhằm thẳng hướng Nam Tư, lúc này vẫn còn là nước trung lập. Nhưng họ đã bị bắt lại sau đó 6 ngày ở khu vực núi Alps thuộc địa phận của Áo. Nhóm thứ hai hưởng tự do được 8 ngày thì bị bắt ở khu vực Tyrol của nước Áo. Bị dọa xử tử vì tội danh ăn cắp xe đạp, nhưng cuối cùng 6 người chỉ bị biệt giam trước khi bị chuyển đến nhà tù Colditz.
Trong nhà tù Colditz, các tù nhân Anh và Pháp đã nhanh chóng hợp tác chặt chẽ với nhau. Lúc này, các tù nhân Pháp là những người đầu tiên lắp ráp một máy thu thanh bí mật để biết tin tức ở bên ngoài. Allan sử dụng vốn tiếng Đức của anh để giúp Alain Le Ray vẽ một tấm bản đồ hệ thống đường sắt, mà sau này đã giúp Le Ray đến được Thụy Sĩ trong lần vượt ngục vào dịp lễ Phục sinh năm 1941.
Lần vượt ngục đầu tiên của Allan là hoàn toàn ngẫu nhiên. Phát hiện thấy một chiếc xe tải của Đức đang đỗ ở sân trong và những người phục vụ người Pháp đang khuân nệm rơm từ các buồng giam tù nhân để chất lên chiếc xe ô tô này, anh liền khoác lên người bộ trang phục thường dân để bỏ trốn. Bởi vì trông khá trẻ, nên anh Allan hy vọng sẽ trốn thoát theo xe dưới bộ dạng của một thành viên của Hiệp hội Hitler trẻ. Anh chui vào trong một nệm rơm trong khi một người bạn tù khác thông báo vắn tắt cho các nhân viên phục vụ người Pháp biết được về kế hoạch này của anh. Allan không có thời gian để mang theo bất kỳ vật nào khác để hỗ trợ cho lần vượt ngục này ngoại trừ một tờ 50 mác Đức, trước khi được chất lên chiếc xe tải và được phủ kín lại bằng những tấm nệm rơm khác.
Chiếc xe tải chạy từ nhà tù đến một ngôi nhà đơn sơ trong thị trấn Colditz. Tại đây, những nhân viên phục vụ người Pháp đã chuyển anh vào một đống nệm rơm đã qua sử dụng. Ngay khi những người này đi khỏi, Allan liền chui ra khỏi đống nệm rơm, phủi những cọng rơm còn vương trên quần áo và tóc, rồi đi bộ qua các tuyến phố trong thị trấn dẫn đến ga tàu. Tự tin với khả năng thành thạo tiếng Đức của mình, anh mua vé tàu đi Chemnitz. Đây là chuyến tàu đầu tiên và anh biết việc càng nhanh chóng rời xa khu vực Colditz bao nhiêu càng tốt trước khi buổi điểm danh tối diễn ra.
Nhóm tù nhân sĩ quan Anh tại Colditz. |
Không giấy tờ hay la bàn, Allan không biết phải đi hướng nào. Anh quyết định đến Thụy Sĩ. Bởi vì không biết con đường nào có thể dẫn đến biên giới, nên anh đi đến thủ đô Viên với hy vọng nhận được sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Mỹ. Anh bắt tàu hỏa từ Chemnitz đi Regensberg, từ đó đi bộ gần 400 km để đến thủ đô của nước Áo. Sự dẻo dai và sức trẻ là lợi thế của anh nhưng sau vài ngày không có chút gì bỏ vào bụng ngoại trừ vài củ khoai tây đào trộm được từ một thửa ruộng, sức anh dần cạn kiệt. Sang ngày thứ tư, Allan biết rằng, nếu muốn vượt qua được quãng đường này, anh phải sử dụng khả năng nói tiếng Đức của mình để xin đi nhờ xe.
Vẫy được chiếc xe đầu tiên, anh đã vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy trong xe có cả hai sĩ quan SS. Những người này hỏi anh muốn đi đâu. Giả vờ là một sinh viên bách khoa đến từ Hamburg, anh giải thích tại sao mình lại mặc bộ đồng phục này. Anh vờ là mình bỏ quên hành lý trên tàu và đang trên đường đến thị trấn tiếp theo để xem liệu chúng đã được chuyển đến phòng quản lý hành lý thất lạc chưa. Anh được mời ngồi vào băng ghế phía sau và tiếp tục nói dối một cách rất chuyên nghiệp trong suốt chặng đường 50 km sau đó.
8 ngày sau, Allan đến được thủ đô Viên. Cái đói và cái khát đã khiến anh không còn tỉnh táo. Anh đến ngay Lãnh sự quán Mỹ ở đây. Nghiệt ngã thay, nhân viên phòng lãnh sự sau khi thẩm vấn đã yêu cầu anh ra khỏi cửa. Sau một hồi dựa lưng trên một chiếc ghế trong công viên để nghỉ ngơi, anh hỏi một người dân đi ngang qua xem anh có thể kiếm được thức ăn ở đâu. Người ta chỉ anh đến một tòa nhà mà hóa ra là một đồn cảnh sát. Bởi anh không có giấy tờ tùy thân nào nên cuộc chơi đã kết thúc ở đây. Anh bị bắt giữ và đày trở lại nhà tù Colditz sau 23 ngày tự do.
Nỗ lực vượt ngục lần hai của Allan được thực hiện khi anh tham gia một nhóm tù nhân đào đường ngầm xuyên qua một bức tường đâm vào một nhà vệ sinh ít khi được sử dụng trong khu nhà ở của bọn lính. Trong trang phục giống như các công nhân Đức, nhóm tù nhân lên kế hoạch đột nhập vào khu nhà ở của bọn lính canh và đơn giản là rảo bước ra khỏi nhà tù. Nhưng không may cho họ, chỗ mà họ chui lên khỏi đường hầm đã bị phát hiện và bọn lính gác chỉ việc đợi lúc họ vừa nhô lên khỏi mặt đất là bắt họ ngay tại trận.
Đình Vũ (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ 6: Cải trang