Huyền thoại Colditz là một câu chuyện kể đầy cảm động về cuộc sống bên trong một nhà tù nổi tiếng của phát xít Đức. Câu chuyện về Colditz đã kích thích trí tưởng tượng của nhiều độc giả trong suốt nhiều thập kỷ. Toàn bộ câu chuyện toát lên lòng dũng cảm, danh dự, tình yêu và khát vọng tự do của những người lính quân Đồng minh. Nhà tù này từng được coi là pháo đài “nội bất xuất”, thậm chí đến một con kiến cũng không thể chui lọt; nhưng các tù binh chiến tranh đã chứng minh điều ngược lại, cho dù phần lớn trong số họ đều bị bắt trở lại nhà tù.
Kỳ 1: Nhà tù được canh phòng cẩn mật nhất
Tọa lạc trên đỉnh vách đá phía trên một thị trấn nhỏ ở phía đông nước Đức, lâu đài Colditz được coi là một trong những biểu tượng hùng vĩ nhất của thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Với những bức tường cao chót vót, những vách đá dựng đứng và một chế độ canh phòng nghiêm ngặt, Colditz được đánh giá là nhà tù cẩn mật nhất trên thế giới. Nó phải là một nhà tù như thế bởi ở đây phát xít Đức đã giam cầm những người lính, sỹ quan quân Đồng minh sừng sỏ nhất - những người đến từ các trại giam ở khắp châu Âu, trong đó có những người có thành tích trốn tù tới vài lần.
Sơ đồ nhà tù Colditz nhìn từ trên cao. |
Lâu đài này vốn trước đây là nơi dừng chân trong các chuyến đi săn của các vị vua nước Đức. Trong suốt quá trình lịch sử của mình, lâu đài đã từng là tâm điểm của các cuộc chiến tranh và các lần vây hãm, cho nên nó đã được xây dựng lại nhiều lần. Colditz bị phá hủy hoàn toàn vào thế kỷ 15 trong các cuộc chiến tranh Hussite nhưng ngay sau đó đã được xây dựng lại và được dùng làm món quà để tặng cho một công chúa Đan Mạch vào năm 1583. Người ta đã sử dụng lâu đài này là nơi giam giữ tù nhân từ năm 1800 nhưng đến năm 1828, lâu đài lại trở thành một bệnh viện tâm thần. Bệnh viện này tồn tại trên 100 năm cho đến tận lúc Colditz được chuyển thành nơi giam giữ tù binh chiến tranh của phát xít Đức trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Nhà tù này ban đầu được sử dụng làm nơi trung chuyển những người Ba Lan sau khi đất nước họ bị rơi vào tay phát xít Đức. Nhóm này sau đó đã bị “đánh bật” ra khỏi nơi đây vào mùa hè năm 1940 để nhường chỗ làm nơi giam giữ 140 tù nhân Ba Lan. Tháng 11/1940, một số sĩ quan thuộc lực lượng không quân hoàng gia Anh được chuyển đến giam ở đây, tiếp theo là 6 sĩ quan lục quân Anh, và sau này là một vài quân nhân Pháp. Vì thế, lâu đài trở thành một trại giam quốc tế. Thêm các tù nhân Anh, Pháp, Bỉ và Hà Lan khác cũng bị đưa đến giam giữ ở đây, cho đến tận khi Colditz được giải phóng vào ngày 16/4/1945.
Hermann Goering, nhân vật số 2 của Đức Quốc xã từng đến thăm nhà tù Colditz. |
Thời gian đầu của cuộc chiến tranh, Hermann Goering, người được coi là nhân vật số 2 của Đức Quốc xã, chỉ sau Adolf Hitler, đã từng đến thăm nhà tù này và tuyên bố đây là nơi mà “một con kiến cũng không thể chui lọt”. Tuy nhiên, điều này trở thành “lố bịch” khi trong suốt 5 năm rưỡi sau đó, các tù nhân của nhà tù này đã tiến hành tổng cộng trên 300 lần vượt ngục với số người thoát ngục là 120, nhưng phần lớn những tù nhân này sau đó lại bị bắt trở lại. Tính tới thời điểm nhà tù Colditz được lính Mỹ tiếp quản vào tháng 4/1945, có 30 tù nhân trốn thoát và trở về quê hương an toàn - một con số nhiều hơn bất cứ trại giam tù nhân chiến tranh nào khác trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Các tù nhân Anh đầu tiên đến Colditz vào ngày 6/11/1940. Đại úy Kenneth Lockwood nhớ lại cảm giác khi mới đặt chân đến trại giam: “Lúc nào chúng tôi cũng tự hỏi làm cách nào mà mình có thể thoát được ra khỏi nơi này”. Các sĩ quan nhận được chỉ thị từ các chính phủ của họ là phải tìm cách trốn tù ở bất cứ nơi đâu có thể - do đó đặt ra cho phát xít Đức một bài toán cần phải giải quyết: Nếu ghép hàng trăm người trốn trại ở trong một nhà tù thì sẽ tạo thành một hội trốn tù. Trong số đó tập trung cả những thợ khóa, những người biết nói nhiều thứ tiếng, những người chuyên làm giả giấy tờ, những thợ may, kỹ sư và cả những người hoạt động trong lĩnh vực tình báo. Mọi người đều có cơ hội đóng góp khả năng của mình. Khả năng tài tình của những người tù đã khiến viên đại úy Reinhold Eggers, từng nhiều năm làm việc tại nhà tù Colditz, phải sửng sốt và sau này hắn viết lại rằng: “Chúng tôi canh giữ họ bằng súng tiểu liên và súng máy. Chúng tôi điểm danh họ cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, họ vẫn vượt ngục được”.
Đình Vũ (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Chuyện kể của một chúa ngục