Năm 1883, sau khi từ Honolulu (Mỹ) về nước, Tôn Trung Sơn đã đăng ký theo học tại trường y Bác Tế, Quảng Châu và sau đó thi đỗ vào trường Y Hương Cảng (Hồng Công), tiền thân của Đại học Hương Cảng, ông mang hoài bão lớn là làm việc "chữa bệnh cứu người". Ngoài chuyên ngành y khoa, Tôn Trung Sơn còn hiểu biết rộng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nông nghiệp và kiến thức địa lý thiên văn của các nước Âu Mỹ, được bạn bè đánh giá là người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý".
Tuy nhiên, cùng với việc "nhìn nhận thế giới bằng nhãn quan rộng lớn", Tôn Trung Sơn ngày càng tỏ ra bất mãn với hiện thực xã hội phong kiến trong nước. Cha mẹ có ý muốn sớm tìm cho Tôn Trung Sơn một người vợ để ông quên đi lòng trắc ẩn trước hiện thực xã hội và người được chọn là Lư Mộ Trinh, lớn hơn Tôn Trung Sơn 1 tuổi. Mặc dù không phải là người có sắc đẹp hơn người, nhưng Lư Mộ Trinh là một cô gái rất đảm đang và nhanh nhẹn, thông minh.
Tôn Trung Sơn chụp ảnh cùng vợ Lư Mộ Trinh và ba con. |
Tôn Trung Sơn đã không dám trái lệnh cha mẹ và anh trai. Năm 1885, Tôn Trung Sơn trở về quê thành hôn. Năm 1891, Lư Mộ Trinh sinh hạ con trai cả là Tôn Khoa. Cùng năm đó, khi đang học ở Hương Cảng, trong một hoạt động do nhà trường tổ chức, Tôn Trung Sơn đã quen biết Trần Túy Phân, 18 tuổi. Trần Túy Phân sinh năm 1873, tại Đồn Môn, Tân Giới, Hương Cảng, xinh đẹp, tính tình thẳng thắn và đảm đang, chịu khó.
Mặc dù không có học hành, song Trần Túy Phân là một cô gái rất nhanh trí và quả cảm. Hai người lần đầu gặp mặt đã nói chuyện rất thẳng thắn, tâm đầu ý hợp và cả hai cùng có nguyện vọng làm theo Hồng Tú Toàn, lật đổ nhà Mãn Thanh. Tôn Trung Sơn là một thanh niên trẻ, kiến thức học vấn sâu rộng, khí phách đã làm say lòng Trần Túy Phân.
Tôn Trung Sơn (hàng đầu) cùng ban lãnh đạo trong chính phủ lâm thời. |
Năm 1895, sau khi khởi nghĩa Quảng Châu thất bại, Tôn Trung Sơn bị triều đình nhà Thanh liệt vào danh sách tội phạm truy nã hàng đầu, mọi người trong gia đình cũng bị liên lụy. Lư Mộ Trinh đã mang con tới nhà Tôn Mi, anh trai cả của Tôn Trung Sơn ở Honolulu (Mỹ) và đã nhiều lần gửi tiền giúp Tôn Trung Sơn làm cách mạng. Năm 1907, công việc kinh doanh của Tôn Mi bị phá sản, Lư Mộ Trinh cùng hai con không còn cách nào khác phải quay trở về Cửu Long, Hương Cảng và mở một nông trường nhỏ làm kế sinh nhai, cuộc sống rất kham khổ.
Ngày 10/10/1911, cuộc cách mạng Tân Hợi nổ ra. Phong trào này nhanh chóng bùng nổ ở nhiều tỉnh khác. Sau đó 2 tháng, Tôn Trung Sơn về nước, được đại hội đại biểu các tỉnh họp ở Nam Kinh đề cử làm tổng thống lâm thời. Ngày 1/1/1912, Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhậm chức Đại tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân Quốc tại Nam Kinh, được rất nhiều người kính trọng và ngưỡng mộ.
Cách mạng Tân Hợi ngày 10/10/1911 chính thức nổ ra. |
Mặc dù ở địa vị cao, Tôn Trung Sơn vẫn giữ tác phong sinh hoạt giản dị. Phạm Phương Trấn, nhà nghiên cứu Lăng Trung Sơn cho biết, khi Lư Mộ Trinh đem Tôn Khoa và 2 con gái là Tôn Diễm và Tôn Uyển tới phủ tổng thống Nam Kinh. Do thiếu phòng ở nên Tôn Khoa đã phải ngủ ở phòng cần vụ ở phía đông. Lư Mộ Trinh tự sắp xếp thu dọn phòng, nấu nướng, giặt giũ, cuộc sống một gia đình 5 người rất đơn giản. Tuy nhiên, chính vào lúc Tôn Trung Sơn đạt tới đỉnh cao của sự thành đạt thì Trần Túy Phân lại ra đi.
Mọi người đã đưa ra rất nhiều suy đoán về nguyên nhân ra đi của Trần Túy Phân. Tuy nhiên, năm 1942, Trần Túy Phân đã giải thích rằng: "Tôi theo Tôn Trung Sơn chống lại nhà Thanh và xây dựng Trung Hoa Dân Quốc, chí nguyện cứu nước cứu dân đã thành......Tôi tự biết mình xuất thân bần hàn, kiến thức có hạn, tự nguyện ra đi, không phải là Tôn Trung Sơn từ bỏ tôi, Tôn Trung Sơn đối đãi với tôi rất tốt và cũng không phụ lòng tôi".
Ba tháng sau khi nhậm chức Tổng thống, Tôn Trung Sơn đã thực hiện lời hứa nhường chức này cho Viên Thế Khải với điều kiện ông này phải bắt vua nhà Thanh thoái vị để thành lập chế độ cộng hòa. Tuy nhiên, năm 1913, Tống Giáo Nhân - một nhân vật quan trọng của Quốc Dân Đảng đồng thời là người sắp đảm nhận chức vụ Thủ tướng nội các - bị ám sát. Viên Thế Khải bị nghi là thủ phạm đứng đằng sau vụ này.
Sự kiện này khiến Tôn Trung Sơn rất phẫn nộ và ông đã đứng lên kêu gọi các tỉnh miền Nam khởi binh chống lại Viên Thế Khải, sự kiện được gọi là "cuộc cách mạng lần thứ hai". Tuy nhiên, do thực lực mỏng, yếu, cuộc cách mạng lần thứ hai nhanh chóng thất bại. Một loạt các đảng viên cách mạng gồm Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng... đã phải lưu vong ở Nhật Bản, trong số đó bao gồm cả gia đình thương gia giàu có Tống Diệu Như, có mối quan hệ mật thiết với Tôn Trung Sơn và đảng cách mạng.
Ngọc Thúy (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ 3: Cả cuộc đời với Tống Khánh Linh