Hiến pháp Mỹ không yêu cầu sử dụng văn bản cụ thể nào trong lễ nhậm chức mà chỉ quy định cụ thể cách thức diễn đạt lời tuyên thệ của tổng thống. Cách diễn đạt này không bao gồm cụm từ “so help me God” (tạm dịch: Xin Chúa giúp con) nhưng các Tổng thống Mỹ thời hiện đại thường đọc câu này trong lời tuyên thệ cũng như chọn Kinh thánh là cuốn sách biểu tượng cho lễ nhậm chức.
Theo hãng thống tấn Mỹ AP, chính trị gia Joe Biden sẽ làm điều tương tự khi sử dụng cuốn Kinh thánh của gia đình trong sự kiện diễn ra tại Điện Capitol ở thủ đô Washington vào ngày 21/1 (giờ Việt Nam). Quyển sách này đã theo ông lên bục tuyên thệ 2 lần để nhậm chức Phó Tổng thống và 7 lần để làm Thượng nghị sĩ.
Quyển Kinh thánh có độ dày vài centimet này cũng từng được người con trai quá cố của ông Biden là Beau sử dụng khi tuyên thệ làm Bộ trưởng Tư pháp bang Delaware. Trong một chương trình trò chuyện cùng người dẫn Stephen Colbert vào tháng trước, ông Biden chia sẻ cuốn sách này được xem là “vật báu gia đình” từ năm 1893 cũng như xuất hiện trong mọi dịp quan trọng.
Chính khách này cho biết ông sử dụng cuốn Kinh thánh của gia đình để nhấn mạnh vai trò tầm quan trọng từ đức tin đối với cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của ông. Điều này sẽ tiếp tục lặp lại khi ông trở thành Tổng thống thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ theo đạo Kito.
Theo Ủy ban lưỡng viện về lễ tuyên thệ nhậm chức của Mỹ, ông Biden sẽ tiếp nối truyền thống mà rất nhiều Tổng thống Mỹ khác, những người đã sử dụng Kinh thánh của gia đình như Ronald Reagan và Franklin D. Roosevel, làm trong lễ tuyên thệ nhậm chức.
Một số tổng thống đã mở cuốn Kinh thánh tại trang sách mang ý nghĩa đối với cá nhân họ trong buổi lễ tuyên thệ. Ví dụ, Tổng thống Bill Clinton đã chọn chương 58:12 – trong đó khuyến khích người mộ đạo trở thành “người sửa chữa vi phạm” - cho lễ nhậm chức thứ hai của ông sau nhiệm kỳ đầu tiên được đánh dấu bởi sự chia rẽ chính trị với đảng Cộng hòa.
Một số người khác lại nói lời thề với bàn tay đặt trên cuốn Kinh thánh gấp lại, chẳng hạn như John F. Kennedy, Tổng thống Mỹ đầu tiên theo đạo Ki-tô. Vào năm 1961, ông đã sử dụng cuốn Kinh thánh hàng trăm tuổi của gia đình in hình một cây thánh giá lớn ở trên bìa giống như cuốn sách nhà ông Biden.
Truyền thống sử dụng Kinh thánh cho lễ tuyên thệ xuất hiện ở Mỹ từ khi nước này có vị tổng thống đầu tiên. Cuốn Kinh thánh được Tổng thống Mỹ đầu tiên là George Washington sử dụng, sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Smithsinian, đã được mượn từ nhà khách Masonic vào năm 1789. Cuốn Kinh thánh này tiếp tục được sử dụng trong lễ tuyên thệ của các Tổng thống khác là Warren G. Harding, Dwight D. Eisenhower, Jimmy Carter và George H.W. Bush.
Tuy nhiên, không phải tổng thống nào cũng đặt tay lên Kinh thánh để tuyên thệ. Tổng thống Theodore Roosevelt đã tuyên thệ vào năm 1901 mà không dùng đến Kinh thánh, trong bối cảnh Tổng thống tiền nhiệm William McKinley bị ám sát. Trong khi đó, Tổng thống John Quincy Adams đã sử dụng một cuốn sách luật trong lễ tuyên thệ năm 1825.
Một vài tổng thống lại sử dụng nhiều hơn một cuốn Kinh thánh khi tuyên thệ. Cả Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đều chọn thêm bản sao quyển sách mà Tổng thống Abraham Lincoln sử dụng năm 1861. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cũng đã lên kế hoạch tương tự trong lễ nhậm chức. Bà sẽ sử dụng một cuốn Kinh thánh mượn của gia đình người bạn thân và một cuốn thuộc về cố Thẩm phán Tòa án tối cao Thurgood Marshall. Bà Harris từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Thẩm phán Marshall - người từng tốt nghiệp Đại học Howard và là Thẩm phán Tòa án tối cao gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ.
Bà Harris chia sẻ trên trang Twitter cá nhân hôm 19/1 rằng: “Khi tôi giơ cánh tay phải lên và đọc lời thề nhậm chức ngày mai, tôi sẽ mang theo hai vị anh hùng, là người đã lên tiếng cho những người không có tiếng nói và giúp đỡ những người khó khăn”. Bà hàm ý đến Thẩm phán Marshall và người bạn Regina Shelton. Cuốn Kinh thánh của người bạn này đã được bà dùng khi tuyên thệ làm Bộ trưởng Tư pháp bang California và làm Thượng nghị sĩ.
Bà Harris từng đi nhà thờ Hội thánh Baptist và Hindu khi còn nhỏ tuổi và niềm tin tôn giáo hiện nay của bà là Hội thánh Baptist. Đa số các nghị sĩ đều sử dụng Kinh thánh khi tuyên thệ song cũng có vài người lựa chọn những thay thế khác, phán ánh sự đa dạng vào niềm tin tôn giáo.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Keith Ellison của bang Minnesota, tín đồ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ, đã sử dụng cuốn kinh Quran của Tổng thống Thomas Jefferson trong lễ tuyên thệ năm 2017. Điều này gặp phải sự phản đối của những người bảo thủ theo đạo Tin lành.
Cuốn kinh Quran của Tổng thống Jefferson lại xuất hiện một lần nữa trong lễ tuyên thệ của Hạ nghị sĩ Dân chủ Rashida Tlaib của bang Michigan. Bà là một trong hai phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Debbie Wasserman Schultz của bang Florida đã chọn cuốn kinh Hebrew trong lễ tuyên thệ năm 2005 để thể hiện đức tin với đạo Do Thái. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jon Ossoff, vừa trúng cử trong vòng bầu cử bổ sung ở bang Georgia là một người Do Thái, cũng lên kế hoạch sử dụng cuốn kinh Hebrew của Rabbi Jacob Rothschild - một đồng minh của huyền thoại Martin Luther King Jr. trong phong trào bình quyền.
Cựu Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard của đảo Hawaii đã lựa chọn kinh Bhagavad Gita để nói lời thề nhậm chức vào năm 2013. Bà cũng là tín đồ Hindu giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kyrsten Sinema của bang Arizona, thành viên duy nhất của Quốc hội Mỹ hiện nay được xác nhận “không theo tôn giáo” đã tuyên thệ nhậm chức với cuốn Hiến pháp vào năm 2018.