Cuộc trục vớt kho vàng lớn nhất nước Mỹ và lời nguyền của con tàu - Kỳ 2

Trên màn hình của tàu mặt nước, bánh xe nổi tiếng của con tàu Central America hiện ra, và bất chấp lớp bùn dày bao phủ dưới đáy biển, thứ rõ ràng đang rải khắp khu vực tàu đắm có kích thước tương đương một sân bóng đá là vàng, vàng, và nhiều vàng nữa.

HÀNH TRÌNH DÀI TỚI ĐÁY BIỂN

Chú thích ảnh
Kho báu toàn vàng từ con tàu SS Central America đắm năm 1857.

Thompson, sinh năm 1952, lớn lên ở Defiance, tiểu bang Ohio, Mỹ. Cậu là một đứa trẻ rất cá tính, thích mày mò chế tạo. Từ khi còn nhỏ, Thompson đã thích đầm mình trong nước và thường thách đám bạn chơi trò thi nhịn thở dưới nước.

“Tôi tham gia các đội bơi, mọi người luôn có thể đánh bại tôi trên mặt nước, nhưng tôi có thể nín thở lâu đến mức không ai đánh bại được tôi dưới nước. Tôi thích nhìn thấy và làm mọi việc dưới nước”, Thompson trả lời phỏng vấn phóng viên tờ nguyệt san Columbus Monthly không lâu trước khi tiến hành sứ mạng tìm con tàu đắm SS Central America.

Nhưng Thompson chỉ thực sự quan tâm đến những con tàu đắm sau khi trải qua một mùa hè làm việc với một nhóm thợ săn kho báu chuyên nghiệp ở bang Florida. Những người này nói với anh về những con tàu đắm đâu đó ngoài đại dương mang theo những kho vàng nhiều không tưởng. Tuy nhiên không ai biết phải bắt đầu tìm kiếm từ đâu và họ cũng không thể mua được những công nghệ cần thiết cho cuộc săn tìm những xác tàu đắm đầy vàng.

Việc tìm ra một trong những xác tàu đắm từ đó trở thành một thách thức in vào tâm trí Thompson.

Chú thích ảnh
Tommy Thompson (trái) cùng các cộng sự Bob Evans và Barry Schatz trong phòng điều khiển của con tàu Arctic Discoverer vào ngày 29/8/1991. Ảnh: Dispatch

Sau khi tốt nghiệp Đại học bang Ohio với bằng kỹ sư đại dương, Thompson làm việc cho Viện Battelle Memorial, một phòng thí nghiệm nghiên cứu nổi tiếng ở Columbus, nơi phát triển mọi thứ từ thiết bị nhà bếp cho đến vũ khí hạt nhân.

Ở đây, anh làm việc trong các dự án kỹ thuật dưới biển sâu, mà một trong đó là nghiên cứu công nghệ cho phép chính phủ Mỹ thu giữ thông tin từ một tàu ngầm hạt nhân bị đắm của Liên Xô.

Thompson muốn chuyên tâm làm việc về vùng nước sâu nhưng thường xuyên được cảnh báo rằng những công việc như vậy rất khó để thực hiện. Vì vậy, anh bắt đầu tìm kiếm những cách khác để theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình. Nhớ lại những thợ săn kho báu mà anh từng làm việc ở Florida trước đây, Thompson bắt đầu xây dựng một kế hoạch táo bạo hướng ra biển sâu.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ con tàu Central America với bánh xe guồng nước nổi bật.

Một trong những việc đầu tiên của Thompson là phải tìm ra một xác tàu hoàn hảo để săn tìm. Anh đã hợp tác với Bob Evans, một nhà địa chất học chuyên nghiệp và rất thông minh để cùng tìm ra danh sách các tàu ứng cử viên. Cuối cùng cả hai đều nhắm vào tàu SS Central America.

“Con tàu Vàng” này là một trong những xác tàu huyền thoại, hấp dẫn biết bao thợ săn lùng kho báu trong nhiều thế hệ.

SS Central America tham gia chở hành khách, hàng hóa đến và đi từ California trong thời kỳ đỉnh cao của Cơn sốt vàng giữa thế kỷ 19. Đây được coi là một trong những con tàu tốt nhất và chắc chắn nhất. Nó thực hiện các hành trình thường xuyên giữa New York và Panama.

Vào ngày 3/9/1857, khoảng 600 người, cùng với 21 tấn vàng khai thác từ California đã được đưa lên tàu Central America khi nó khởi hành đến New York từ một điểm dừng chân ở Cuba.

Chú thích ảnh
Số vàng trên tàu đắm vốn được vận chuyển bởi con tàu SS Sorona đi từ California (số 1) đến Panama (số 2), rồi được đưa tàu Aspinwall đi từ Panama đến Cuba trước khi chuyển lên tàu Central America.

5 ngày sau, con tàu loạng choạng giữa một cơn bão kinh hoàng. Hành khách và thủy thủ đoàn vật lộn không ngừng trong 30 giờ để giữ tàu vượt qua sóng gió, nhưng các động cơ đã bị ngập, gió lớn xé toạc cánh buồm, bẻ gãy cột buồm. Con tàu cuối cùng đành cam chịu. Nó phát ra tiếng rên rỉ hấp hối trước khi chìm hẳn xuống vào tối ngày 12/9, mang theo xác của 425 hành khách.

Vụ đắm tàu Central America sau này được ví như thảm kịch Titanic của thời đó. Tổn thất về vàng quá lớn đến mức nó là một trong những yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng tài chính được gọi là cuộc "Đại Hoảng loạn" vào năm 1857.

Việc tìm kiếm tàu Central America sẽ không phải là dễ dàng, bởi theo tỷ lệ, nó sẽ giống như tìm thấy một hạt cát trên sàn nhà của một tòa nhà bốn phòng ngủ. Thompson hiểu rằng, chìa khóa nằm ở chỗ thực hiện một chiến dịch tìm kiếm hợp lý và siêu chặt chẽ.

Cộng sự Bob Evans đã sử dụng mọi chi tiết được biết về chuyến đi định mệnh, bao gồm cả hành khách và thủy thủ đoàn, điều kiện thời tiết khi con tàu bị đắm và làm việc với một chuyên gia về lý thuyết tìm kiếm để xác định rằng con tàu có khả năng ở đâu đó trong một mạng lưới rộng 2.240 km2, cách Charleton, Nam Carolina 160 dặm về phía Đông Nam. Nơi này sâu gần 2.4km.

Mỗi ô vuông trên mạng lưới được gán cho một con số dựa trên khả năng con tàu đã đắm ở đó và ý tưởng là họ sẽ đưa tới một thiết bị định vị âm, di chuyển lên xuống tại ô lưới, rồi xem xét những kết quả hứa hẹn nhất.

Thay vì thực hiện kiểu tiếp cận săn tìm kho báu thông thường, "Thompson đã áp dụng một cách tiếp cận rất khoa học”, luật sư Rick Robol, từng đại diện cho Thompson cho biết.

Ông cũng đồng thời tiếp cận nhiều nhà đầu tư để kiếm tiền tài trợ cho sứ mạng. Thompson tính toán rằng với số vàng trên tàu, những nhà đầu tư rót tiền ở giai đoạn đầu, nếu bỏ ra 200.000 USD sẽ thu về 10 triệu USD khi sứ mạng thành công.

Chú thích ảnh
Tommy Thompson (phải) trao đổi với cộng sự Bob Evans khi tàu Arctic Discoverer khởi hành từ Norfolk ngày 18/6/1991. Ảnh: Dispatch 

Sau 2 năm được Thompson vận động, 161 nhà đầu tư đã huy động số tiền 12,7 triệu USD cho sứ mạng tìm kiếm xác tàu đắm. Và ở những vòng gọi vốn tiếp theo, số nhà đầu tư đã tăng lên 300 người, với tổng số tiền khoảng 22 triệu USD. Bản thân Thompson còn vay thêm hàng chục triệu USD khi dự án được tiến hành. Một công ty có tên Recovery Limited Partnership được thành lập để quản lý dự án, công ty có tên Tổ chức Thám hiểm Columbus-America đóng vai trò là đại lý và Thompson đứng đầu cả hai.

Dưới danh nghĩa của hai công ty này, Thompson đã trang bị một tàu tìm kiếm, tập hợp thủy thủ đoàn, và phát triển một phương tiện lặn điều khiển từ xa nặng 7 tấn có khả năng chịu được các điều kiện dưới đáy đại dương. Các cánh tay robot và máy ảnh tự động của cỗ xe lặn này sẽ cung cấp cho các nhà khoa học khả năng khám phá xác tàu.

Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm rồi bí mật cải tiến để cỗ xe lặn có thể thực hiện những nhiệm vụ tinh vi hơn, cuối cùng sứ mạng tìm kiếm tàu SS Central America chính thức bắt đầu vào tháng 6/1986.

Chuyến đi không đạt được kết quả gì trong mùa hè đầu tiên, và tốn kém nhiều thời gian trong mùa hè năm kế tiếp vì đã nhằm nhầm mục tiêu vào một xác tàu khác. Các nhà đầu tư nổi điên lên vì một loạt trì hoãn, nhưng Thompson vẫn tìm cách trấn an những lo ngại của họ và không quên nhắc họ phải giữ niềm lạc quan về 300.000 thỏi vàng trên con tàu.

Chú thích ảnh
Thợ ảnh Milt Butterworth cùng hệ thống camera tự động trên tàu Arctic Discoverer trong sứ mạng tìm kiếm tàu đắm Central America. Ảnh: Dispatch

Cuối mùa hè năm 1988, cỗ xe robot đã được thả xuống đáy biển để kiểm tra một đốm sáng bị bỏ qua trên mạng lưới tìm kiếm. Trên màn hình của tàu mặt nước, bánh xe guồng nước nổi tiếng của con tàu Central America hiện ra, và bất chấp một lớp bùn dày bao phủ dưới đáy biển, rõ ràng những thứ rải khắp khu vực tàu đắm có kích thước tương đương một sân bóng đá là vàng, vàng, và nhiều vàng nữa.

“Chúng ta đã tìm ra nó. Vàng, rất nhiều vàng”, Thompson nói trong một thông điệp gửi về đất liền. “Chúng ta đã tìm được. Không nghi ngờ gì nữa, đó là kho báu lớn nhất nước Mỹ từng được tìm thấy”.

Từ mùa Thu năm 1989, vàng và cổ vật dưới tàu đắm bắt đầu được đưa lên mặt nước, mở đầu chiến dịch khai thác kho báu gồm 535 thỏi vàng, 7.500 đồng vàng, trong đó có thỏi vàng nặng tới 80 pound (trên 36kg), một trong những thỏi vàng lớn nhất từng được phát hiện trên thế giới.

“Đó là một cảm giác rất ấm áp”, nhà đầu tư Wayne Ashby nói với tờ Dispatch khi phát hiện được công bố.

Chú thích ảnh
Bob Evans và thỏi vàng lớn nhất từ con tàu đắm, nặng tới trên 36kg.

Hợp đồng thám hiểm đã mang lại cho Thompson khoảng 17% số tiền thu được từ việc bán vàng và cổ vật trong tương lai, nhưng tất nhiên, tất cả mọi người tham gia vào dự án đều mong muốn trở nên giàu có. Khi được một phóng viên hỏi về ước tính giá trị kho báu, Thompson đã từ chối: “Tôi cảm thấy lo lắng về những ước tính này, bởi vì chúng tôi không muốn làm thất vọng bất kỳ nhà đầu tư nào”, ông nói. Tuy vậy, ông cũng thận trọng đưa ra ước tính rằng kho báu có thể trị giá gần 400 triệu USD.

Số vàng đầu tiên từ con tàu đã được đưa thẳng lên những chiếc xe bọc thép, được canh gác bởi dàn vệ sĩ mang súng máy, trong sự cổ vũ của các nhà đầu tư và hậu duệ của những người sống sót sau vụ đắm tàu Central America.

Đọc Kỳ 3: CHẠY TRỐN VÀ SĂN LÙNG

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Narratively)
Cuộc trục vớt kho vàng lớn nhất nước Mỹ và lời nguyền của con tàu - Kỳ cuối
Cuộc trục vớt kho vàng lớn nhất nước Mỹ và lời nguyền của con tàu - Kỳ cuối

Thompson ngồi trên xe lăn, chân bị cùm chờ nghe tòa tuyên án. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học, khám phá kho báu và chạy trốn, tất cả đã đi đến kết thúc, chỉ còn lại mình ông vẫn đang chờ đợi ngày tự do sau cánh cửa nhà tù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN