Nhưng làm thế nào mà một nhà khoa học đại dương tài giỏi, người phát hiện ra kho báu khổng lồ dưới đáy biển đó, lại rơi vào cảnh bị săn đuổi cùng với những va li chứa đầy tiền mặt.
NHÀ KHOA HỌC VÀ CON TÀU
Vào tháng 11/2018, một người đàn ông 66 tuổi tên Tommy Thompson bị đưa vào phòng xử án của Thẩm phán Laurel Beatty Blunt, ở Columbus, bang Ohio, Mỹ. Ông ta mặc một bộ đồ màu xanh đậm và vừa thụ án 4 năm trong nhà tù liên bang. Mái tóc vốn đen dày của Thompson nay nhường chỗ cho một chiếc đầu hói, với bộ râu dài và đôi mắt nhọn, ông ta trông giống Christopher Lee, diễn viên đóng vai phù thủy Saruman trong siêu phẩm “The Lord of the Rings”.
Trong suốt phiên tòa, thẩm phán Blunt liên tục làm gián đoạn lời khai của Thompson để khiển trách ông vì lan man, lạc đề. Từ lâu, Thompson đã khăng khăng rằng ông mắc các vấn đề về thần kinh và hội chứng mệt mỏi mãn tính, làm suy giảm trí nhớ, và những lời giải thích vòng vèo của ông là một triệu chứng.
Tuy nhiên Thẩm phán Blunt không tin vào điều đó, ông khẳng định Thompson là một kẻ siêu lừa đảo cực kỳ thông minh. Tại tòa, đôi chân của Thompson bị xích, nhưng trước đây, ông ta đã một lần vuột khỏi bàn tay luật pháp.
Suốt 30 năm, Thompson không lúc nào không sống trong căng thẳng, kể từ khi ông khám phá ra một trong những kho vàng lớn nhất lịch sử loài người, một kho báu chìm dưới đáy biển. Kể từ đó, cuộc sống của ông đảo lộn: hôn nhân tan vỡ, lòng tham trỗi dậy. Những gì bắt đầu như một sứ mệnh dũng cảm của khoa học đã biến thành một thứ hoàn toàn khác.
Vào ngày 11/9/1988, sâu gần 2.300 mét dưới bề mặt Đại Tây Dương, nơi bóng tối gần như là vĩnh cửu, đã hắt lên một thứ ánh sáng lung linh, chính xác là từ một xáu tàu đắm nặng 6 tấn.
Thiết bị dò tìm có tên Nemo, trông giống như một chiếc tủ đông công nghiệp với hai cánh tay robot, di chuyển lơ lửng phía trên xác tàu. Video về đống đổ nát này được truyền trực tiếp đến một con tàu nhấp nhô trên mặt biển, mang lại cho thủy thủ đoàn, và cả thế giới, cái nhìn đầu tiên về một con tàu mà vị trí bí ẩn của nó là nỗi ám ảnh với các thợ săn kho báu giàu kinh nghiệm nhất suốt nhiều thế hệ. Đó là tàu SS Central America, một con tàu hơi nước lớn, đã bị đắm trong cơn bão ngoài khơi bờ biển tiểu bang South Carolina vào năm 1857.
Phát hiện này rất ấn tượng bởi nhiều lý do. Công nghệ của Nemo, vốn được thiết kế và chế tạo bởi một nhóm kỹ sư ở Ohio, dẫn đầu bởi Tommy Thompson, đã cho phép các nhà khoa học có thể khám phá sâu vào thế giới đại dương hơn bất cứ sứ mạng nào trước đó.
Phát hiện trên cũng là một chiến thắng ngoạn mục về mặt lợi ích tiền bạc, bởi con tàu SS Central America năm đó đã bị đắm cùng với khoảng 21 tấn vàng, trị giá ước tính nửa tỷ USD. Đối với cá nhân Thompson, người dẫn đầu cuộc thám hiểm, việc tìm ra xác tàu chở vàng đã biến ông trở thành người hùng của nước Mỹ, người sở hữu bộ não khoa học và sự táo bạo của một nhà thám hiểm thời đại.
Tuy nhiên Thompson đã phải hứng chịu một cơn bão pháp lý ngay khi đặt chân lên bờ. “Sức nóng” của hàng tấn vàng đã khiến nhiều kẻ thèm khát. Một vụ kiện kéo dài bất tận đã được tiến hành bởi các nhà đầu tư (rót tiền vào sứ mạng tìm kiếm) cáo buộc rằng ông Thompson đã tự ý “bóc” kho vàng dưới tàu đắm.
Vào năm 2012, lẽ ra phải trình diện tại tòa, Thompson bỗng như mất tăm vào lòng đất, cùng với cáo buộc mang theo những chiếc vali chứa đầy tiền mặt và vàng.
Đó là một chuỗi các sự kiện kỳ lạ, mà cả bạn bè lẫn kẻ thù của Thompson đều cố gắng tìm hiểu: Cuối cùng thì ông ta là một tên cướp biển bị tha hóa bởi chính phát hiện chấn động của mình, hay một thiên tài bị lợi dụng bởi những người quyền lực thèm khát số vàng của ông ta?
Vài tháng sau, Thompson thay tên giả và sống kín đáo trong một khách sạn ở Boca Raton (bang Florida). Ông ở lỳ trong phòng suốt hai năm rưỡi để tránh bị chính quyền liên bang săn lùng.
Sau đó Thompson dọn tới sống trong một biệt thự ở Hoarders-esque, Columbus nhưng cuối cùng bị cảnh sát lần ra. Cuộc đột kích của cảnh sát Mỹ cuối cùng đã đưa ông ta đến phòng xử án của Thẩm phán Blunt.
Từ Columbus, Thompson đã tiết lộ những thông tin gây sốc trong một câu chuyện đầy kịch tính, hé lộ những bí ẩn về kho vàng cho đến nay vẫn đang mất tích.
Theo các nhà khoa học, áp lực ở độ sâu 2.300 mét dưới lòng biển lớn gấp 250 lần so với áp lực ở gần mặt nước, nhưng Tommy Thompson thậm chí còn chịu áp lực dữ dội hơn thế trong suốt 30 năm cuộc đời kể từ khi ông trở thành người hùng phát hiện ra kho báu.
Đọc Kỳ 2: HÀNH TRÌNH DÀI TỚI ĐÁY BIỂN