Cuộc trục vớt kho vàng lớn nhất nước Mỹ và lời nguyền của con tàu - Kỳ cuối

Thompson ngồi trên xe lăn, chân bị cùm chờ nghe tòa tuyên án. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học, khám phá kho báu và chạy trốn, tất cả đã đi đến kết thúc, chỉ còn lại mình ông vẫn đang chờ đợi ngày tự do sau cánh cửa nhà tù.

CÁI KẾT "BẠC" CỦA CUỘC CHƠI VỚI VÀNG

Chú thích ảnh
Tommy Thompson gìà nua khi xuất hiện tại Tòa án ở Columbus, Ohio năm 2018.

Tiền xu và các vật phẩm bằng vàng khác được thu hồi từ cuộc khai quật do công ty Odyssey Marine tiến hành (khi Thompson đang chạy trốn) đã mở màn cuộc triển lãm ở Los Angeles vào tháng 2/2018 với số người tham dự kỷ lục.

Các nhà sưu tập tiền nhảy vào tìm cơ hội sở hữu một phần của kho báu lịch sử và tất cả các đồng tiền vàng đều được bán sạch, mang lại khoảng 30 triệu USD doanh thu, tương đương khoản lãi 15 triệu USD sau khi trừ chi phí trục vớt.

Sau khi trừ các chi phí hành chính, tòa án và các khiếu nại của chủ nợ, về mặt lý thuyết sẽ có một khoản chia lãi cho các nhà đầu tư trong công ty Recovery Limited Partnership (những người bỏ vốn trong lần đầu Thompson gọi vốn cho dự án tìm tàu đắm). Lần đầu tiên họ có thể thu hồi lại một số tiền, 33 năm sau khoản đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên 500 đồng tiền vàng thì vẫn không một dấu vết. Thompson kiên quyết câm như hến, vì thế các vụ kiện từ năm nào vẫn tiếp tục.

Chú thích ảnh
Tiền vàng trục vớt từ tàu đắm SS Central America.

Trại cải tạo Liên bang ở Milan, Michigan là một nhà tù khổng lồ, bao quanh bởi dây thép gai. Trại nằm cách Columbus khoảng ba giờ lái xe, là nơi Thompson đã bị giam giữ suốt 4 năm, và nhiều khả năng vẫn là nhà của ông trong tương lai gần bởi án tù vô thời hạn vì tội khinh miệt tòa án và không chịu tiết lộ tung tích của lô tiền vàng.

Trong những năm ngồi tù ở Milan, hàng tháng Thompson đều xuất hiện bằng cầu truyền hình trước Thẩm phán Marbley, để trả lời câu hỏi ông có chịu tiết lộ nơi cất giấu những đồng tiền vàng hay không.

Có khi Thompson tuyên bố ông ta chưa bao giờ sở hữu chúng, rồi sau đó lại khai đã bán số vàng và bỏ tiền vào các quỹ ủy thác. Rồi có lúc Thompson lại cho biết số tiền vàng được giữ trong một tài khoản ủy thác tại ngân hàng ở Belize (quốc gia ở Trung Mỹ), nhưng không ai có thể truy cập quỹ này nếu không có giấy ủy quyền do Thompson ký tên.

Thẩm phán Marbley từ lâu đã nói rằng chìa khóa cho sự tự do của Thompson nằm trong tay chính ông, tùy thuộc vào việc ông có khai ra số tiền vàng hay không. Ngoài việc bị cầm tù, Thompson cũng đang bị phạt 1.000 đô-la cho mỗi ngày ông từ chối khai ra vị trí giấu tiền vàng, đồng nghĩa số tiền phạt hiện có thể đã lên tới gần 2 triệu đô-la.

Chú thích ảnh
Thompson trong một bức ảnh do cảnh sát chụp sau khi bắt giữ ông. Ảnh: Dispatch

Sự bế tắc kéo dài đã khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông ta không tiết lộ quách vị trí số tiền vàng cho xong. Nhưng thật khó để suy đoán động lực của Thompson. Một số người cho rằng ông ta “hy sinh đời bố củng cố đời con”, chấp nhận cầm tù để đảm bảo an ninh tài chính cho con cái mình.

Đúng 30 năm, 2 tháng sau khi kho báu được tìm thấy, ngày 5/11/2018 Tommy Thompson bị chở trên xe suốt ba tiếng đồng hồ từ nhà tù ở Milan, bang Michigan, tới Columbus, bang Ohio, để đứng trước phiên tòa xét xử và trả lời những câu hỏi mà nhiều người đã chờ đợi rất lâu.

Nhà khoa học săn tìm kho báu năm nào xuất hiện trước tòa trong chiếc áo véc màu xanh navy, áo sơ mi kẻ sọc sáng màu, râu và tóc bạc trắng, cột đuôi ngựa sau gáy.

Bằng chứng công bố tại tòa cho thấy Thompson sở hữu tài khoản ngân hàng ở Quần đảo Cook với hơn 4 triệu USD. Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất là bằng chứng cho thấy ông ta đã để riêng vàng dưới đáy biển, có lẽ nhằm mục đích lấy làm của riêng sau đó. Trong cuộc trục vớt xác tàu Central America vào năm 2014, người ta đã tìm thấy những đồng tiền vàng và thỏi vàng được xếp đặt ngay ngắn trên các khay, tất nhiên không phải là những chiếc khay từ năm 1857.

Thompson cũng thừa nhận đã bỏ túi 500 đồng tiền vàng như một khoản thù lao mà ông xứng đáng được hưởng. Ông ta đã tìm mọi cách chuyển những đồng tiền đó đi giấu trên khắp đất nước.

Trong lời khai của mình, nữ trợ lý bỏ trốn cùng Thompson, Alison Antekeier nói rằng từ năm 2006 đến 2010, cô đã chuyển số vàng từ California đến một hộp ký gửi an toàn ở Jacksonville, sau đó đến một cơ sở lưu trữ ở Fort Lauderdale, và cuối cùng thông qua một người đàn ông tin tưởng để chuyển đến một quỹ tư nhân ở Belize.

Chú thích ảnh
Thompson trong ảnh chụp năm 1991, đang nhìn ra con tàu Arctic Discoverer. Ảnh: Dispatch

Đây là một tình huống khó khăn với Thompson, bởi chính ông cũng không thể tiếp cận số tiền vàng.  Thompson không phải là người ủy thác cho ngân hàng quản lý vàng. Danh tính của người thụ hưởng trên quỹ tín thác hiện vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, trước tòa Thompson tuyên bố ông ta thực sự không biết cuối cùng 500 đồng vàng đã đi đâu.

Sau nhiều tuần lấy lời khai, các luật sư đưa ra những lập luận cuối cùng của họ và bồi thẩm đoàn ra phán quyết. Thompson ngồi trên chiếc xe lăn, chân bị cùm, khi bản phán quyết chính thức được bồi thẩm đoàn trao cho thẩm phán. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học, nỗ lực khám phá, hứng chịu đủ mọi áp lực và cuộc sống chui nhủi trốn chạy, tất cả đã đi đến kết thúc.

Trong vụ kiện dân sự chống lại Thompson, tòa án xác định rằng bị cáo Thomas G. Thompson nợ Công ty In ấn Dispatch (từng đầu tư vào công ty của Thompson) 3,2 triệu USD, và 16,2 triệu USD của các nhà đầu tư khác, với tổng số tiền nợ là 19,4 triệu USD. 

Chú thích ảnh
Chinh phục được đại dương khi phát hiện ra con tàu đắm hơn một thế kỷ trước, nhưng Thompson cũng hứng chịu bao khổ sở, tù tội vì chính kho báu mình tìm ra.

Trước đó, vụ kiện do 9 kỹ thuật viên định vị âm thanh tiến hành với cáo buộc Thompson lừa đảo cũng bị bác bỏ vào tháng 8/2018. 

Sau phiên tòa, Thompson đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án liên bang để được phóng thích. Thông thường, các đạo luật tái thẩm liên bang quy định giới hạn tù giam đối với các nhân chứng không hợp tác là tối đa 18 tháng. Thompson sẽ phải chờ phán quyết của hội đồng thẩm phán về việc giam giữ ông kéo dài có hợp lệ hay không.

Trong khi đó, Alison Antekeier vẫn sống kín đáo ở Columbus, mọi liên lạc với cô đều không được trả lời.

Tháng 4-2019, 12 người trong đội tìm kiếm và các nhà đầu tư vào công ty của Thompson đã nhận được số tiền còn lại theo hợp đồng với ông - ít hơn nhiều so với dự tính của họ 30 năm về trước. 

Chú thích ảnh

Nhưng đối với Thompson thì đâu đã hết. Ông chưa được thả chừng nào còn chưa khai ra 500 đồng tiền vàng giấu ở đâu. 

Hành trình của kho vàng trên tàu SS Central America có thể đã khởi đầu huy hoàng từ California, nhưng sau cái chết của 425 con người giữa Đại Tây Dương vào năm 1857, kho báu nằm im cả thế kỷ dưới đáy biển có lẽ đã vướng vào một lời nguyền bí ẩn, khiến bất cứ người nào dính đến nó đều mắc phải tai ương.

Cuộc chơi với vàng, thường luôn "bạc", đó là lời răn được đúc kết từ xa xưa. Chính người em họ của Thompson đã bình luận: “Nếu được làm lại từ đầu, ông ấy sẽ chẳng bao giờ đi tìm vàng. Không ai lại ném đời mình vào thứ vàng chóe và nặng nề đó”. 

Xem từ Kỳ 1: NHÀ KHOA HỌC VÀ CON TÀU

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Narratively)
Cuộc trục vớt kho vàng lớn nhất nước Mỹ và lời nguyền của con tàu - Kỳ 3
Cuộc trục vớt kho vàng lớn nhất nước Mỹ và lời nguyền của con tàu - Kỳ 3

Đúng ngày Thompson được lệnh phải trở lại tòa, ông ta như biến mất vào lòng đất. Lúc này các chủ đơn kiện nhanh chóng hiểu ra rằng, việc tìm ra ông ta cũng chẳng hề dễ dàng hơn chiếc tàu đắm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN